Những phát biểu lay động tâm can học trò của người thầy đặc biệt
(Dân trí) - Nhân dịp khai giảng năm học mới, những bài phát biểu đầy ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Văn Minh trước sinh viên, giảng viên về trọng trách của ngành giáo dục, của thầy cô đang được chia sẻ rầm rộ.
Tha thứ có sức mạnh diệu kỳ hơn những hình phạt khắc nghiệt
Chia sẻ trước hơn 4.000 tân sinh viên khóa 72 của trường tại lễ khai giảng năm học 2022-2023, Giáo sư Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cảm ơn sinh viên vì các em không chỉ là những người thông minh mà còn rất dũng cảm.
Vì rằng, trước những tác động nhiều chiều, có lúc xói mòn tâm huyết, gây sự suy tư, trăn trở cho những người đang đứng trên bục giảng nhưng các em đã không ngần ngại chọn học sư phạm, sẵn sàng chấp nhận những va đập để tiếp sức cho những gì cao đẹp.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ khoan dung, tha thứ đôi khi có sức mạnh diệu kỳ hơn nhiều lần với những hình phạt khắc nghiệt nhất trên đời (Ảnh: Đại học HNUE).
Vị hiệu trưởng căn dặn những nhà giáo tương lai hãy nhớ rằng, nghề giáo sẽ luôn sống với trẻ thơ, với những mầm xanh, với con người; và khoan dung, tha thứ có sức mạnh diệu kỳ hơn nhiều lần với những hình phạt khắc nghiệt nhất trên đời. Trước khi dọn đường cho tài năng đi tới hãy tạo ra một môi trường thấm đẫm tình người.
Thầy muốn nhắn với các em, trước hết là yêu thương và mãi mãi là yêu thương.
"Cạn tiền, cạn thóc, người ta làm ra được, nhưng cạn tình, cạn nghĩa thì hoang vu vô tận kéo về. Khi con tim nguội lạnh trước con người, trước cuộc đời thì cuộc sống chẳng còn gì đáng nói", Giáo sư chia sẻ.
Từ đó, thầy nhắc nhở mỗi người hãy trân quý những giá trị của gia đình, những tình cảm với người thân; vì từ đó mới nói đến tình yêu thương đồng loại, đức hy sinh.
Trong phần chia sẻ của mình, Giáo sư Minh bày tỏ mong muốn mọi người, toàn xã hội hãy công bằng, đừng cắt xén những hạnh phúc còn lại của những người giáo viên - những người còn dám đối diện với khó khăn.
Đừng làm tổn thương hơn nữa với những người đi xây đắp tâm hồn, để họ bình tâm làm điều tốt đẹp cho tương lai, cho chính con cái của mỗi gia đình.
Đừng dạy trẻ học thật giỏi nhưng lạc loài với cuộc sống
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm niệm quyền năng tối thượng của giáo dục là vì mục tiêu bình đẳng con người. Chính thế, các em hãy nghĩ đến những đứa trẻ đầu trần chân đất, đến những bản làng cách trở, đến những lớp học phên nứa gió mùa đông…
Sau rồi, hãy nghĩ đến những ngôi trường quyền uy của giàu có.
Bình đẳng không phải chỉ có công bằng trong cơm ăn, áo mặc; mà để mỗi người hiểu giá trị cuộc đời, biết họ được làm gì và họ phải làm gì.
Đây là nghĩa vụ cao cả của giáo dục; chứ không phải chỉ dạy trẻ học thật giỏi một môn học và lạc loài với cuộc sống.
Giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lương tri. Không ít sự vô cảm đang hiện hình trong cuộc sống, không ít người tìm cách bao biện cho những hành vi đó.
Dù giáo viên dạy văn hay dạy toán, dạy tự nhiên hay xã hội, cuối cùng để mỗi người hiểu biết hơn, sống với nhau tử tế hơn, yêu quý nhau hơn và tôn trọng nhau hơn. Hãy cố gắng đánh thức lòng trắc ẩn trong mỗi con người, dù đâu đó có lúc "ngủ quên".
Đừng làm nô lệ của công nghệ hay học vì hào nhoáng bằng cấp
Sinh viên hiện nay là thế hệ Z, là công dân thời đại kỹ thuật số. Thầy giáo mong rằng các em đủ tinh tế, đủ thông minh để dần dà làm chủ các tiện ích, để trau dồi tri thức, mở rộng nhãn quan, sau này phụng sự đất nước.
Hãy làm chủ công nghệ, đừng là nô lệ của công nghệ. Hãy là những người kết nối yêu thương và hãy dùng công nghệ để kết nối yêu thương, đừng để công nghệ đẩy xa hơn khoảng cách giữa những con người.
Hãy đừng a dua theo những gì tai nghe khác lạ rồi hùa theo hiệu ứng "đám đông" một cách thiếu suy nghĩ.
Chớ vội vàng ném đá gây tội trên không gian mạng, mà hãy là những người có đủ bình tâm, trách nhiệm và tự trọng. Đừng làm xước những con tim mà hãy là người đi làm lành những tổn thương nhân thế.
Thầy kỳ vọng một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật. Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi.
Thầy giáo của những thầy cô giáo khuyên sinh viên phải coi tri thức, sự hiểu biết là tiền đề cho sự khai phóng, mà trước tiên là khai phóng cho chính đầu óc của mình.
Làm chủ tri thức là quyền năng vô giá cho quá trình tiến đến sáng tạo, vì rằng có nung nấu bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp mà không có bệ phóng tri thức chắc chắn cũng chỉ là hão huyền.
Trước khi dạy trẻ trở thành thiên tài, hãy là người tử tế
Trong một bài phát biểu khác để căn dặn sinh viên ra trường năm 2022, Giáo sư Nguyễn Văn Minh một lần nữa nhấn mạnh: "Giáo dục, trước hết và trên hết là hướng con người sống tử tế, sống có trách nhiệm, sống bằng tình yêu thương, bằng bao dung và độ lượng".
Bằng nhiều cách khác nhau, các em hãy nhắn nhủ với phụ huynh học sinh rằng, trước khi dạy con họ trở thành thiên tài, hãy cùng nhau giáo dục để trẻ trở thành người tử tế.
Nói với phụ huynh rằng, đừng bắt con cái phải thực hiện ước mơ dang dở của cha mẹ mà hãy để cho trẻ thỏa mãn ước mơ của chúng.
Thầy không quên căn dặn các em hãy là những người khiêm tốn. Mình không phải là thần tượng và đừng tự biến mình thành thần tượng.
Mình phải là hiện thân của sự bình thường, có đúng, có sai và khi lỗi lầm cần nhận ra để sửa. Chúng ta không thể dạy học sinh can đảm và trung thực khi chính mình không dám đối diện với sự thật.
Đừng đem cái hiểu biết hữu hạn của mình để giới hạn cái vô hạn trong trí tưởng của trẻ thơ.
Thầy nhắn gửi các nhà giáo đừng vì đồng tiền mà đánh mất lòng tự trọng của nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
"Chúng ta đang ở giữa những biến động của thời cuộc, giữa những giá trị có lúc bị xê dịch nên những ai không đủ can đảm và bản lĩnh thì rất khó thực hiện tốt trọng trách cao quý của mình.
Nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc, nghề dạy học sẽ không thỏa mãn cho bạn, nên tìm việc khác phù hợp hơn.
Nếu chỉ vì điều đó mà đánh mất lòng tự trọng thì không nên chọn làm nhà giáo. Hãy đủ tỉnh táo để có một quan niệm về ý nghĩa của cuộc đời và công việc một cách dung hòa", người thầy Nguyễn Văn Minh nói.