Cấp cứu người gặp nạn
Ông Narinder, người Ấn Độ, trong chuyến đi du lịch cùng vợ tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 3, đột ngột ngừng tim khi đang ăn tối tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà. Ông có tiền sử bệnh lý mạch vành, đã phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Tuy nhiên, vị du khách may mắn thoát cơn nguy kịch nhờ sự có mặt cấp cứu kịp thời của chị Đặng Thị Hạ, điều dưỡng viên tại Trung tâm Cấp Cứu A9 , Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cũng đang trong chuyến du lịch cùng bạn bè. Nữ điều dưỡng cho biết, trong tình huống nói trên, việc chị làm là một "phản xạ tự nhiên".
"Điều cơ bản của nhân viên y tế là phản xạ cấp cứu bình thường khi bệnh nhân có sự cố. Chúng tôi được đào tạo cấp cứu ngay từ khi học Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, đến khi làm việc tại A9", chị Hạ nói.
Chị Hạ sau đó được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong thực tế cuộc sống, những tình huống xảy ra sự cố sức khỏe như ông Narinder không ít. Đồng thời, hành động cứu người một cách tự nhiên như chị Đặng Thị Hạ cũng vậy. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) gần đây cũng chia sẻ trên trang cá nhân về câu chuyện cấp cứu người bệnh trên máy bay, là một trong vô số lần ông từng gặp.
Trong cả câu chuyện của bác sĩ Hiếu lẫn điều dưỡng Hạ, họ đều là những người có chuyên môn và y đức, kinh nghiệm dày dặn. Hành động cứu người là bộc phát, xuất phát trước tiên từ sự lương thiện rất bản năng. Họ đang không ở bệnh viện, không trong ngày trực nhưng trước mắt họ là người bệnh đang cần cấp cứu.
Tuy nhiên, với phần lớn người dân khi gặp trường hợp tương tự, dù có lòng tốt nhưng họ không có chuyên môn, chưa được trang bị kiến thức nên không đảm bảo được mình có thể cứu giúp người bệnh hay ngược lại làm tình trạng người bệnh chuyển biến xấu thêm.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết, việc đầu tiên khi cấp cứu là xem các dấu hiệu sinh tồn, tuần hoàn và hô hấp. Đối với các y bác sĩ, nhân viên y tế, cần cố gắng đúc kết kinh nghiệm ngay từ khi mới vào nghề trong việc kiểm soát những thông số tối quan trọng này.
Nguyễn Lân Hiếu là một bác sĩ giỏi nên ông có thể bắt mạch và ước chừng huyết áp của bệnh nhân với sai số không nhiều, còn hô hấp thì chú ý cách thở, nhịp thở và các yếu tố chỉ điểm tình trạng suy hô hấp của người bệnh (vân tím ở da, niêm mạc, môi miệng). Sau khi khẳng định chỉ số sinh tồn ổn định, ông mới bình tĩnh hỏi đến bệnh sử và các xét nghiệm mà người bệnh đã thực hiện trước đó.
Vậy trong tình huống có mặt người trong ngành y nhưng lại thiếu các thiết bị khám bệnh để giúp chẩn đoán tình hình người bệnh, đây cũng sẽ là rào cản cho việc cấp cứu.
Qua lần cấp cứu bệnh nhân trên máy bay, bác sĩ Hiếu chia sẻ những kinh nghiệm, gồm:
Thứ nhất, nhân viên y tế có mặt ở nhiều nơi nên khi gặp sự cố đột ngột về sức khỏe đừng ngần ngại kêu gọi sự hỗ trợ của họ, cho dù trên máy bay, ga tàu hay chỗ tụ họp đông người!
Thứ hai, dấu hiệu sinh tồn vô cùng quan trọng, nhân viên y tế hay người dân cần tìm hiểu để có khả năng thực hành trong các tình huống cơ bản.
Thứ ba, các bệnh viện đặc biệt bệnh viện tư, đa khoa nên liên hệ chặt chẽ hơn với các tuyến công lập, chuyên khoa. Đừng để bệnh nhân nghèo phải chịu hơn 30 triệu đồng nằm viện mà không nhanh chóng cho bệnh nhân hướng đi tiếp. Nếu nghi ngờ những bệnh lý hiểm nghèo mà mình chưa tổ chức điều trị được thì nên sớm chuyển đến tuyến chuyên khoa! Điều này theo tôi hiểu, sẽ giảm được tình huống nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là phải cấp cứu khi ở ngoài viện.
Cuối cùng, ông đề nghị các hãng hàng không nên cập nhật thêm hộp thuốc cấp cứu trên máy bay, các tiếp viên cần được huấn luyện và có sự nhạy bén trong tình huống có người bệnh cần cấp cứu.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá cấp cứu ngoại viện có ý nghĩa rất quan trọng. Người bệnh ngừng tuần hoàn không được cấp cứu trong vài phút có nguy cơ mất não; người bị ảnh hưởng cột sống không được sơ cứu đúng, di chứng có thể ảnh hưởng cả đời. Chính vì vậy, việc làm tốt cấp cứu ngừng tim, cấp cứu chấn thương, cấp cứu ngộ độc... sẽ mang lại cơ hội sống cho người bệnh.
Tất nhiên như đã đề cập ở trên, làm việc tốt cũng phải đúng cách, trong tình huống có người bệnh cần cấp cứu phải giữ được bình tĩnh, gọi cấp cứu bệnh viện, tìm kiếm người có kiến thức - không nhất thiết là bác sĩ, nhân viên y tế - để thực hiện cấp cứu tại chỗ.
Hồi năm ngoái, ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An, một nhóm cán bộ đoàn phường đang trên đường đi làm phát hiện người đàn ông bị đột quỵ và sơ cứu thành công. Người đàn ông này đang đi xe máy thì loạng choạng và ngã xuống bên đường, nếu như ai cũng vì việc riêng bận rộn, sợ chậm giờ làm mà không quan tâm tới thì có lẽ người này đã khó qua khỏi cơn tai biến.
Còn rất nhiều tình huống cần cấp cứu có thể xảy ra trong cuộc sống, ở bất kỳ đâu. Chẳng hạn, người đuối nước khi được đưa lên bờ cần hô hấp; người bị rắn cắn, chó dại cắn; người bị đột quỵ; bị điện giật; bị tai nạn giao thông… Trong những tình huống đó, tính mạng người bệnh phải chạy đua với thời gian đến từng giây từng phút, và sự quan tâm của những người xung quanh, các bước sơ cứu ban đầu có ý nghĩa quyết định. Những kiến thức cơ bản về sơ cứu đều đã được các bệnh viện, cơ sở y tế phổ biến, có thể tìm kiếm dễ dàng trên mạng.
Cũng có một số trường hợp nhạy cảm.
Tình trạng cứu người rồi bị hàm oan, bắt vạ từng xảy ra đã khiến nhiều người trở nên cảnh giác và có thể dẫn đến sự vô cảm trong ứng xử xã hội. Dù vậy, trong mọi tình huống, khi gặp người bị nạn vẫn không nên ngoảnh mặt làm ngơ, thậm chí điều này đã được quy định rõ trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 (BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Điều đúng đắn cần làm là hãy dừng lại. Trong một số tình huống như tai nạn giao thông, hãy gọi số cấp cứu, quay lại video, báo cơ quan chức năng, tìm kiếm sự giúp đỡ của nhiều người… miễn đừng bỏ rơi người bị nạn.
Tôi tin rằng, người tốt luôn có mặt ở bất cứ đâu. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta bằng năng lực, kiến thức của mình biết tương trợ lẫn nhau, và cũng biết nói lời cảm ơn, trân trọng những điều tử tế!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!