1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao nhiều nước cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, Việt Nam chưa?

Nam Phương

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại to lớn của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Nhiều nước đã có quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm này, trong khi Việt Nam thì chưa.

Nhiều nước đã có quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoàn toàn. Tuy nhiên, tại nước ta thời gian qua vẫn có ý kiến đề xuất thí điểm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá làm nóng và đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với thuốc lá điện tử.

Vì thế, có ý kiến cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá đang có hoạt động can thiệp trong việc xây dựng chính sách tại Việt Nam.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 11/11, Đại biểu Lê Hoàng Anh cũng nêu lại băn khoăn này. Theo ông, không ít cử tri phản ánh nhiều nhóm lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá đang tích cực vận động để duy trì thử nghiệm các sản phẩm thuốc lá này. 

"Liệu các nhóm lợi ích này có vận động thành công ở Việt Nam hay không? Trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu như thế nào mà đến nay Chính phủ chưa có quan điểm rõ ràng về vấn đề này", Đại biểu Hoàng Anh nói. 

Bộ Y tế: Cần giải pháp mạnh để quản lý thuốc lá điện tử

Vì sao nhiều nước cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, Việt Nam chưa? - 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Quochoi).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu bật thực tế dù chưa có quy định cho phép bán, nhưng do lợi nhuận, các hình thức tiếp thị, nhập lậu… các loại thuốc lá này vẫn tồn tại trên thị trường.

"Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết và thời gian tới mong muốn sẽ có một nghị quyết của Quốc hội cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng", Bộ trưởng Lan nói.

Bộ trưởng Y tế cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng Luật Phòng, chống thuốc lá sửa đổi. Bộ đang xây dựng hồ sơ để trình Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Bộ Y tế muốn biện pháp mạnh hơn nữa đó là ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao Chính phủ thí điểm việc cấm, hoặc giao cho Chính phủ triển khai việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của thực tiễn và nhanh chóng triển khai các giải pháp bảo vệ người dân và trẻ em. Nhiều vụ án liên quan đến đưa ma túy vào sản phẩm thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử thể hiện sự tinh vi, manh động và cần thiết giải pháp mạnh hơn. 

Tham gia trả lời thêm tại phiên chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thời điểm năm 2019-2020, Bộ Công Thương có đề xuất và được Chính phủ khóa trước cho phép xây dựng Đề án thí điểm để quản lý loại thuốc lá này.

Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới đến nay, Bộ Công Thương đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế và thống nhất đã là sản phẩm có hại cho sức khỏe thì phải cấm.

"Chúng tôi kiên trì đề xuất sớm ban hành công cụ pháp lý để cấm sản phẩm này. Chưa bao giờ Bộ Công Thương, trong đó có cá nhân tôi tiếp tục đề xuất thí điểm đề án này", Bộ trưởng Diên nhấn mạnh. 

Chưa có đủ bằng chứng để chứng minh thuốc lá điện tử là sản phẩm giảm tác hại

Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu "Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới".

Theo Bộ Y tế, các tuyên bố của ngành công nghiệp rằng "thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường" thiếu bằng chứng khoa học vững chắc.

Thông tin giảm hại này dựa trên ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia và một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá, không được xác thực. 

Vì sao nhiều nước cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, Việt Nam chưa? - 2

Các sản phẩm thuốc lá trên thị trường được thiết kế bắt mắt nhằm thu hút giới trẻ (Ảnh: N.P).

WHO khẳng định không có bằng chứng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu. Cả hai đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường. 

Đối với thuốc lá điện tử, một phân tích tổng hợp từ 107 nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa giữa người sử dụng thuốc lá điện tử và người hút thuốc lá điếu là tương đương. 

Đối với thuốc lá nung nóng, Hiệp hội Hô hấp Châu Âu đã phản bác nhận định thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá truyền thống. 

Ngoài ra, WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Trong khi đó, có bằng chứng rằng việc hút thuốc lá điện tử có thể kéo dài tình trạng nghiện nicotine và cản trở việc cai thuốc…

Phát biểu tại một hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh: "Các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép.

Các bệnh viện đã ghi nhận tình trạng nhập viện liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy".

Theo TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), thuốc lá điện tử không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có tác hại đến môi trường, kinh tế và xã hội.

Cụ thể, nồng độ nicotine, hóa chất, chất gây ung thư trong sol khí thuốc lá điện tử thụ động vượt mức khuyến nghị của WHO, gây ảnh hưởng đến môi trường.