Ai sẽ lấy lại tuổi thơ cho các con?
Ở Trung Quốc, Chính phủ đang "ra tay" giành lại tuổi thơ cho trẻ em của họ, bằng một chính sách được đánh giá là nghiêm ngặt hàng đầu thế giới.
Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp phải xây dựng những chương trình dành riêng cho "chế độ vị thành niên", ngăn chặn người dùng dưới 18 tuổi truy cập Internet trên thiết bị di động từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau; quản lý thời gian sử dụng điện thoại thông minh ở trẻ em, trong đó cho phép thời gian tối đa 40 phút/ngày đối với trẻ dưới 8 tuổi. Người dùng 16-18 tuổi cũng chỉ có 2 giờ và trẻ 8-16 tuổi sẽ có một giờ/ngày.
Tôi đưa thông tin trên hỏi cậu con trai 17 tuổi của mình: Theo con, Trung Quốc làm vậy có quá hà khắc với bọn trẻ các con không? Cậu bé ngay lập tức phản ứng: Con thấy cực đoan quá! Thời đại này là thời đại Internet mà. Đưa ra quy định như vậy có làm được không mới là vấn đề.
Nhưng một lúc sau, cậu bé bổ sung thêm: Tuy nhiên con nghĩ điều đó cũng là rất nên. Bọn con đúng là đang quá nghiện mạng xã hội. Nhiều khi muốn dứt ra đấy nhưng quá khó. Hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) khiến bản thân con nhiều khi chẳng dứt ra nổi.
Anh chàng kể: Lần trước con xóa Tiktok vì mất thời gian nhưng vừa rồi con cài lại, vì ngồi với lũ bạn thấy mình như người tối cổ vậy. Mà cài lại là lại mất mỗi ngày 2-3 tiếng với nó. Chưa kể những lúc phải sạc điện thoại là bứt rứt khó chịu.
Câu trả lời của con trai tôi chắc cũng là tâm trạng của rất nhiều đứa trẻ hôm nay. Mấy hôm trước, khi tôi tham gia chia sẻ trong Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 7, các em đã nói với tôi rằng đang bị phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Một cô bé thuộc hạng xuất sắc trong đám bạn về cả điểm số lẫn các hoạt động đoàn đội thú nhận: Cháu phải nhờ chị thu giữ điện thoại thì cháu mới tập trung ôn thi được. Dường như gen Z (thế hệ sinh ra từ 1997 đến 2012) hôm nay rời điện thoại thông minh ra thì rất khó tìm thấy niềm vui nào khác. Nói theo ngôn ngữ của các con là "cả thế giới thu nhỏ lại trong màn hình". Đứa trẻ nào không dùng, không lên mạng sẽ cảm giác mình lạc lõng giữa bạn bè - thứ cảm giác rất tiêu cực với những đứa trẻ đang lớn.
Trở lại câu chuyện có nên áp dụng cách làm của Trung Quốc, mạnh tay siết chặt thời gian dùng internet của trẻ em hay không? Con trai tôi bảo: Làm sao nhận biết được một đứa trẻ đã đủ tuổi hay chưa? Nhất là nội dung mà bọn trẻ 8-10 tuổi thời nay quan tâm vốn đều là những nội dung người lớn. Ví dụ như chương trình Rap Việt đang diễn ra chẳng hạn. Một phần rất lớn khán giả theo dõi đều là lũ trẻ dưới 15 tuổi. Hay rất nhiều các chương trình khác đang phát trên nền tảng số, dù nội dung của nó không phù hợp cho lứa tuổi dưới 18, song người xem lại toàn lũ trẻ dưới 18 - nhóm sử dụng smartphone đông đảo hiện nay.
Vì thế, nếu "lệnh cấm" chỉ áp dụng cho các chương trình thiếu nhi thì chẳng có ích gì, vì đám thiếu nhi đã từ lâu không xem các chương trình này rồi. Hay việc ngừng cung cấp dịch vụ Internet trên thiết bị di động từ sau 22h, lũ trẻ vẫn có thể dùng mạng ở nhà, dùng máy của cha mẹ, hoặc vô số những trò game, clip nhảm vẫn xem được chế độ ngoại tuyến nếu như chúng dành thời gian trước đó để tải về.
Như ở nhiều rạp chiếu phim, người ta đòi bọn trẻ phải cung cấp giấy khai sinh khi vào xem những bộ phim gắn nhãn 13+, bọn trẻ vẫn đủ cách để có giấy khai sinh của anh chị chúng. Vì trên giấy vốn chẳng có hình ảnh chúng và nhiều nơi họ chỉ làm cho có.
Thật ra, với trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay, các nhà cung cấp mạng thừa sức để nhận biết khách hàng đang truy cập là nam hay là nữ, độ tuổi bao nhiêu, nơi truy cập là nơi nào. Chúng ta đã từng ngỡ ngàng khi vừa nói chuyện với bạn về một chiếc áo bẩn thì mở điện thoại ra có ngay quảng cáo giặt là tinh tươm. Như vậy nếu các nhà cung cấp Internet cũng như các nền tảng số nghiêm túc thực thi "lệnh cấm" thì họ sẽ có cách để làm. Vấn đề là họ có nghiêm túc không?
Trung Quốc vốn nổi tiếng với sự nghiêm khắc của pháp luật nên chính sách ban hành thì chắc chắn là sẽ đi vào đời sống. Còn ở ta, việc siết chặt quản lý thời gian dùng Internet, điện thoại thông minh của trẻ em đang là một vấn đề bỏ ngỏ, tùy thuộc chủ yếu vào nỗ lực của từng gia đình.
Với tư cách là một người có nhiều hoạt động xã hội về trẻ em, tôi thực sự chờ đợi một cuộc khảo sát sâu, rộng từ các cơ quan chức năng cũng như Hội bảo vệ trẻ em, về hành vi - thói quen - nội dung số mà trẻ em đang tiếp cận. Qua đó đánh giá tác hại, nguy cơ đến từ việc trẻ em sử dụng điện thoại thông minh và lên mạng. Kết quả khảo sát này không chỉ để đánh động xã hội mà quan trọng hơn là làm cơ sở để các cấp có thẩm quyền thảo luận và ban hành chính sách.
Bởi có thể là tôi, ở một góc tiếp cận chưa đủ sâu - rộng - chưa nhiều mẫu tham chiếu, tôi thấy công nghệ đang cướp đi tuổi thơ của trẻ em. Tôi thấy những đứa trẻ bị lệ thuộc vào mạng xã hội. Tôi thấy những đứa trẻ rời điện thoại ra, rớt mạng là bơ vơ, cô độc.
Tôi thấy những đứa trẻ niềm vui của chúng nằm trọn trong màn hình điện thoại. Tôi thấy cả những cha mẹ vật vã vì con họ nghiện điện thoại. Tôi thấy sự khó chịu hiện rõ lên mặt nhiều đứa trẻ khi chúng bị người lớn tịch thu điện thoại hay bắt chúng phải buông máy xuống. Tôi không biết có phải là tất cả bọn trẻ gen Z đều đang vậy không hay chỉ những đứa trẻ tôi đã gặp?
Trả lại tuổi thơ cho các em. Một tuổi thơ thực sự nơi lũ trẻ không phải học ở nhà qua màn hình điện thoại, máy tính. Một tuổi thơ mà chúng sử dụng đầy đủ cả 5 giác quan, thay vì chỉ những ngón tay trên điện thoại, tầm nhìn bằng kích thước màn hình, tai bịt kín bởi đôi tai nghe. Và hết.
5 giác quan của trẻ cần được sử dụng để chạm vào thiên nhiên, hít căng lồng ngực mùi của cuộc sống, tầm nhìn chạm tới đường chân trời, thấy được cả mặt trăng, những vì sao. Và nhâm nhi, nhấm nháp những bữa cơm thực sự bên gia đình thay vì mỗi người một chiếc điện thoại, cơm vào miệng chỉ để đầy mồm, no bụng. Điện thoại không phải là niềm vui duy nhất, không phải cánh cửa duy nhất đưa chúng đến niềm vui.
Tất nhiên trước khi có những cuộc khảo sát và chính sách mới, tôi vẫn cho rằng chính chúng ta, những người làm cha, làm mẹ cần bắt đầu với con cái của mình. Bằng việc cũng sử dụng cho hết 5 giác quan của mình với lũ trẻ đi. Bằng đôi mắt biết lắng nghe, đôi tai biết cảm nhận, chiếc mũi biết hít hà con, trò chuyện nhiều hơn với con và đôi tay rời khỏi điện thoại để chạm vào da thịt con bằng những cái ôm. Có được không?
Tuổi thơ của các con có một thứ vô cùng kỳ diệu. Đó chính là sự hiện diện của cha mẹ. Niềm vui của chúng, cánh cửa đưa chúng đến triệu niềm vui khác. Chứ không phải chiếc điện thoại vô tri kia!
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!