Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Ai đang trả tiền cho những lượt xem "nội dung rác"?

Không phải là Youtube hay Tiktok, Facebook trả tiền để nuôi những nhà sáng tạo nội dung bẩn. Mà chính là chúng ta, những người không chỉ xem mà còn "nuôi dưỡng" những nội dung rác trên Youtube, Tiktok hay Facebook.

Dù đúng, cơ chế trả tiền cho những clip triệu views của Youtube, Tiktok hay Facebook là động lực của việc sáng tạo nội dung của nhiều người. Như Youtube đang trả khoảng 300-500 USD cho 1 triệu lượt xem, Tiktok cũng khoảng 20-50 USD cho 1 triệu lượt xem và với Facebook là sao được quy đổi thành tiền trả thẳng vào tài khoản chủ sở hữu clip.

Hành trình kiếm tiền từ việc tạo ra những nội dung thu hút triệu view luôn là một hành trình vất vả với những nhà sáng tạo nội dung chân chính. Làm ra những clip có giá trị và hữu ích với người xem luôn là việc vô cùng khó khăn. Bởi mỗi người xem lại tìm kiếm một giá trị khác nhau, mỗi người xem lại có quan điểm khác nhau về sự hữu ích.

Ai đang trả tiền cho những lượt xem nội dung rác? - 1

Một đám đông Youtuber và Tiktoker đang hoạt động livestream (Ảnh cắt từ clip).

Nhưng không phủ nhận rằng… hiếu kỳ cũng là một thứ giá trị mang tính thu hút. Với các nhà sáng tạo nội dung chân chính họ sẽ luôn phân biệt được đâu là giới hạn để đáp ứng sự hiếu kỳ, tò mò của người xem. Giới hạn đó là giới hạn của đạo đức và sự tử tế. Đạo đức nên họ xin phép người họ quay, nhận được sự đồng ý họ mới quay và đưa lên. Đạo đức nên họ biết nói không với những nội dung bẩn, gây ảnh hưởng đến người trong clip. Tử tế nên họ sẽ làm ra những sản phẩm tử tế vì họ có trách nhiệm với cả người xem clip của họ. Thứ họ nhận được không chỉ là tiền bạc mà còn cả sự yêu mến, kính trọng của mọi người, sự bền vững của kênh họ đang sở hữu. Và cả rất nhiều cơ hội sau đó đến từ các nhãn hàng muốn xuất hiện trong các sản phẩm của họ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung sau đó đều trở thành nhân vật truyền cảm hứng, người của công chúng, người tạo ra ảnh hưởng tích cực đến công chúng.

Nhưng trên môi trường Youtube, Tiktok và Facebook, tại sao những clip rác, nội dung rác, thậm chí xấu, độc vẫn thu hút cả triệu view? Đáng sợ hơn nó còn trở thành trào lưu. Cái thời những clip Thơ Nguyễn bị cư dân mạng, các cha mẹ ném đá tơi bời, report (báo cáo) liên tục đã qua, giờ trên mạng số lượng clip triệu view là clip rác, nội dung rác bỗng nhiều không kể xiết. Nào là clip lừa mẹ gội đầu bằng nước mắm, đến hàng đoàn Youtuber, Tiktoker, Facebooker bám theo một người đang tu tập; những đám ma nghệ sĩ với sự tụ tập của hàng trăm kẻ với chiếc điện thoại, máy ảnh trên tay. Điều quái quỷ gì đang xảy ra vậy?

Thật dễ để ta lên án những Youtuber, Tiktoker, Facebooker đang thành đoàn bám theo người đang tu tập nọ, săn lùng và chĩa máy quay vào từng bước chân của vị này. Giống như những đám tang nghệ sĩ bị quấy rối bởi hàng chục, hàng trăm Youtuber, Tiktoker, Facebooker. Thậm chí ta còn có cả cơ sở để xử lý họ. Như điều 21 của Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định rất rõ về việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân. Luật An toàn thông tin mạng 2015 cũng quy định cụ thể về việc thu thập, sử dụng, cập nhật, sửa đổi, hủy bỏ, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân (các điều 17, 18 và 19) và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ thông tin cá nhân (điều 20). Luật Dân sự 2015 đã bổ sung quy định quyền về đời sống riêng tư (điều 38) bên cạnh các nội dung về bí mật cá nhân và bí mật gia đình đã được quy định trước đó trong Luật Dân sự 1995 và 2005.

Nhưng. Nhưng chúng ta cũng không vô can. Chúng ta cũng đang tiếp tay, chúng ta cũng đang nuôi những Youtuber, Tiktoker, Facebooker bằng những mắt xem của mình, cú click chuột của mình và thậm chí cả những bình luận, chia sẻ dù nhân danh sự phẫn nộ trước nội dung rác. Là chúng ta nuôi những clip rác này sống được, sản sinh ra và lây lan khắp cõi mạng bằng sự tưởng như vô can của mình.

Người xem cũng có lỗi khi chúng ta bước qua ranh giới của đạo đức, sự tử tế, lòng trắc ẩn. Sự hiếu kỳ ai cũng có nhưng người có đạo đức sẽ từ chối những thứ vi phạm nguyên tắc đạo đức của mình. Làm người tử tế bằng nút report (báo cáo). Bằng lòng trắc ẩn khi đặt vị trí của mình vào những người bị quay. Chúng ta có chấp nhận được không?

Người xem cũng có lỗi khi chính chúng ta đang nhân rộng làn sóng clip rác này, cho những kẻ tạo ra nội dung bẩn này được xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng - nơi mà con em chúng ta cũng có thể "ngộ độc" bởi những thứ xấu, độc ấy. Đừng chỉ trông đợi cơ quan chức năng hay chính những nhà quản lý mạng xã hội kia sẽ ra tay, sẽ dọn dẹp rác bẩn. Là chính mỗi chúng ta phải làm điều đó vì con cái, người thân của chúng ta.

Chẳng có hạt mưa nào nghĩ mình góp phần vào cơn lũ, chúng ta luôn nghĩ mình chỉ là những hạt mưa vô danh, nhỏ xíu thì đâu ảnh hưởng được đến ai. Nhưng cả triệu view chính là triệu hạt mưa vô danh như vậy. Để thành cơn lũ quét khiến chính chúng ta cũng hoảng hốt mỗi khi con cái mình xem Youtube, xem Tiktok. Vậy thì sao không phải là lúc này, bây giờ bạn không hành động?

Những clip rác, nội dung xấu, bẩn không còn trên môi trường mạng và lớn hơn, xa hơn, không còn kẻ tạo ra những clip rác đó còn cơ hội "ăn view" thì hãy làm một người tử tế, hãy sử dụng sự tử tế sẵn có trong bạn làm điều đó đi: Một click report (báo cáo) của bạn sẽ góp phần dọn sạch.

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!