DMagazine

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới

(Dân trí) - CEO TikTok từ chức, Netflix bị điều tra trốn thuế, thị trường smartphone sụt giảm kỷ lục,... là những vấn đề nổi cộm cho thấy làng công nghệ đang trải qua một giai đoạn khó khăn.

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 1

Ngày 27/8, CEO TikTok là Kevin Mayer đã từ chức sau chỉ 3 tháng được bổ nhiệm vào chức vụ mới. Nguyên nhân đó là CEO này không chịu được áp lực từ Mỹ, khi yếu tố chính trị trong vài tháng qua đã "thay đổi đáng kể" vai trò của CEO này.

Trước đó, trong một sắc lệnh hành pháp được ban hành ngày 6/8/2020, chính quyền ông Trump quyết định cấm TikTok xuất phát từ quan ngại đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, gây phương hại cho các lợi ích của nước Mỹ.

Hệ quả là ứng dụng sẽ chính thức bị cấm tại Mỹ từ ngày 15/9. Cách duy nhất để ngăn chặn điều này đó là TikTok buộc phải thuộc quyền sở hữu của một công ty Mỹ, thay vì công ty chủ quản là ByteDance.

ByteDance hiện đang đàm phán với Microsoft, Oracle cùng các nhà đầu tư khác về việc bán hoạt động TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức nào được công bố.

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 2

Thêm một diễn biến nữa liên quan đến TikTok, đó là ứng dụng này vừa bị công ty công nghệ VNG khởi kiện. Đại diện VNG cho biết công ty đã chịu nhiều thiệt hại vì sự xâm phạm bản quyền âm nhạc từ TikTok.

Theo đó, trong đơn kiện của VNG cho biết TikTok sử dụng nhiều bài nhạc bản quyền có trên Zing MP3 để ghép thành video. VNG yêu cầu TikTok phải xóa bỏ toàn bộ những phân đoạn nhạc đó, đồng thời bồi thường số tiền hơn 221 tỷ đồng (9,5 triệu USD).

“Đáng chú ý, TikTok đã đưa ra một mô hình kinh doanh rất phức tạp để tránh việc tuân thủ bản quyền âm nhạc tại Việt Nam”, một đại diện của Hội Âm nhạc Việt Nam cho biết về vụ kiện.

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 3

Ngày 26/8, văn phòng của Netflix Service Korea tại Seoul (Hàn Quốc) bất ngờ bị điều tra bởi Tổng cục Cơ quan Thuế Quốc gia (NTS) với cáo buộc đã trả cho trụ sở tại Mỹ một khoản phí tư vấn cực lớn, như một động thái nhằm tránh nộp thuế doanh nghiệp.

Được biết, Netflix nằm trong tổng số 21 công ty đa quốc gia đang bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế.

Trên thực tế, Netflix đã vấp phải sự nghi ngờ từ các cơ quan thuế từ khá lâu. Năm 2018, người ta từng đặt nghi vấn khi Netflix đạt lợi nhuận kỷ lục, lên đến 845 triệu USD, nhưng không phải trả đồng thuế nào ở Mỹ.

Tờ Guardian cho biết khi ấy, Netflix chỉ trả tiền thuế gồm 15,5% lợi nhuận, tương đương 131 triệu USD, thay vì mức thuế thu nhập ở Mỹ lên tới 21%.

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 4

Công ty bảo mật và chống gian lận công nghệ cao Upstream đã phát hiện ra loại mã độc nguy hiểm được cài đặt sẵn trên hơn 200.000 chiếc smartphone do hãng Tecno Mobile (Trung Quốc) sản xuất và phân phối.

Trong đó các mẫu smartphone có cài sẵn mã độc hiện đang được bán tại các quốc gia châu Phi, bao gồm Ethiopia, Cameroon, Ai Cập, Ghana và Nam Phi.

Hai loại mã độc này sẽ tự động tải xuống các ứng dụng khác nhau để lấy cắp dữ liệu trên thiết bị của người dùng và tự ý đăng ký các dịch vụ mà người dùng không hề hay biết, chẳng hạn dịch vụ nghe nhạc hoặc xem video trực tuyến… rồi trừ tiền của người dùng, dù họ không hề sử dụng dịch vụ.

Xem bài viết phân tích chi tiết tại đây

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 5

So với “ông lớn công nghệ” của Mỹ, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Xiaomi, Baidu,... thành lập muộn hơn, tuy nhiên, các công ty này đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, góp phần đẩy mạnh nền công nghệ và Internet tại Trung Quốc.

Có thể nói, giờ đây, các hãng công nghệ Trung Quốc có thể “cạnh tranh sòng phẳng” với các công ty của Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Ưu thế của các công ty Trung Quốc đó là tận dụng được thị trường nội địa hơn 1,4 tỷ dân để làm bàn đạp để tấn công vào thị trường nước ngoài.

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 6

TrendForce ước tính tổng sản lượng smartphone trong quý II năm 2020 đạt 286 triệu thiết bị, tăng 2,2% so với quý trước. Tuy nhiên, con số này đã giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp di động.

Theo TrendForce, nguyên nhân chính của tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến các chính phủ trên toàn thế giới buộc phải đóng cửa biên giới và phong tỏa nhiều khu vực. Điều này khiến cho các hoạt động kinh tế và xã hội bị đình trệ. Hiệu suất của ngành công nghiệp di động cũng từ đó mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhìn lại một tuần đầy khó khăn của làng công nghệ thế giới - 7

Tuy nhiên trong bối cảnh Covid-19, vẫn có những công ty thành công nhờ thế mạnh ở mảng bán hàng online, điển hình là Amazon. Cùng với đó, Jeff Bezos - ông chủ Amazon, ghi nhận mức tài sản khổng lồ mà chưa một cá nhân nào đạt được.

Cụ thể, khối tài sản của Jeff Bezos chính thức đạt mốc 202 tỷ USD vào ngày thứ tư (26/8) vừa qua, tuy nhiên, sau đó đã giảm nhẹ khi giá cổ phiếu của Amazon có biến động sụt giảm vào cuối ngày. Điều này đã giúp Jeff Bezos trở thành người đầu tiên trong lịch sử sở hữu tài sản vượt quá 200 tỷ USD.

Tính đến thời điểm hiện tại, Jeff Bezos đang sở hữu khối tài sản 200,7 tỷ USD, nhiều hơn 83,6 tỷ USD so với người giàu thứ 2 thế giới là Bill Gates (tổng khối tài sản 117,1 tỷ USD).