Điện thoại giá rẻ Trung Quốc và chủ nghĩa "thực dân kỹ thuật số"
(Dân trí) - Những người có thu nhập thấp đối mặt với mã độc cài sẵn trên một số điện thoại giá rẻ Trung Quốc, khiến họ mất tiền và dữ liệu cá nhân từ những nguồn không hề hay biết.
Mxolosi, 41 tuổi, bị thu hút bởi thiết kế và cấu hình của chiếc Tecno W2 - thế hệ smartphone mới ra mắt của công ty Tecno, có trụ sở tại Trung Quốc.
Chiếc điện thoại này đang được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng tại Nam Phi, với mức giá giảm xuống chỉ còn tương đương 30 USD (xấp xỉ 695.000 đồng) - thấp hơn rất nhiều so với những mẫu đến từ Samsung, Nokia, hoặc Huawei - các thương hiệu vốn dĩ luôn dẫn đầu ở thị trường châu Phi.
"Chúng nhìn rất bắt mắt và cuốn hút", Mxolosi trả lời phỏng vấn tờ BuzzFeed. "Thực ra tôi từng là một 'fan' của Samsung. Nhưng tôi đã quyết định thử sản phẩm mới này".
Giảm giá trước, trả giá sau
Đây lại là một đợt khuyến mãi nữa từ Transsion, Mxolosi chia sẻ.
Transsion là công ty Trung Quốc đứng sau 2 thương hiệu Tecno và Infinix. Họ từng là những nhà sản xuất điện thoại phổ thông trước năm 2014. Tuy nhiên theo thời gian, Tecno và Infinix gia nhập thị trường smartphone, và nhanh chóng đánh bại những 'kẻ lĩnh xướng' tại thị trường châu Phi như Samsung hay Nokia chỉ nhờ một yếu tố: Giá bán.
Mặc dù vậy, giá bán rẻ thường đi kèm với điều kiện.
Thất nghiệp, Mxolosi không có đủ tài chính để mua những mẫu điện thoại đắt tiền. Thay vào đó, anh lựa chọn chiếc Tecno W2 với giá bán cực rẻ, lại sở hữu nhiều tính năng độc đáo.
Sau ít tuần sử dụng, Mxolosi nhận thấy chiếc điện thoại đang lấy đi của anh những thứ khác: sự riêng tư.
Quảng cáo pop-up xuất hiện khắp mọi nơi, thậm chí gián đoạn cuộc gọi và tin nhắn. Rồi tiếp đến là khoản tiền mua data trả trước đầy bí ẩn, và những dòng thông báo thanh toán ứng dụng mà Mxolosi chưa từng để mắt tới.
"Nó đã ngốn của tôi rất nhiều tiền. Và đến một thời điểm tôi quyết định sẽ không mua gói data nào hết, vì tôi không thể kiểm soát được nó", anh cho biết.
Mã độc được cài sẵn trên điện thoại từ trước khi bán ra
Ban đầu, Mxolosi tưởng rằng đây là lỗi của anh trong việc vô tình nhấn vào các quảng cáo, dẫn đến mua gói cước ngoài ý muốn, hoặc do nhập sai cú pháp.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây từ Secure-D, một dịch vụ an ninh trên thiết bị di động, các phần mềm gián điệp trên điện thoại là "thủ phạm" khiến chủ nhân của nó mất tiền oan.
Cách thức hoạt động của chúng đó là thông qua một số mã độc như xHelper hay Triada cài sẵn trên máy, đã lén tải một số phần mềm, tự động đăng ký gói cước và trả phí dịch vụ.
Tất cả những hoạt động này đều được chạy ngầm, và người dùng không hề hay biết nếu như họ không để ý tới số tiền còn lại trong tài khoản di động, hoặc tài khoản ngân hàng được kết nối.
Secure-D cho biết đã có khoảng 844.000 giao dịch bị chặn bởi nhà cung cấp dịch vụ, phát hiện có kết nối với phần mềm độc hại được cài đặt sẵn trên điện thoại Transsion từ tháng 3 đến tháng 12/2019.
Đây là hệ thống mà các nhà cung cấp sử dụng để bảo vệ an ninh mạng và khách hàng của họ trước các giao dịch gian lận.
Ngoài Transsion, Secure-D trước đây đã phát hiện phần mềm độc hại được cài đặt sẵn trên điện thoại Alcatel do một nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác là TCL Communication sản xuất ở Brazil, Malaysia và Nigeria.
Công ty bảo mật này cũng tiết lộ cách thức mà phần mềm gián điệp Trung Quốc cài sẵn trên điện thoại thông minh giá rẻ ở Brazil và Myanmar đã ăn cắp dữ liệu người dùng bằng các giao dịch gian lận.
Michael Kwet, một thành viên thuộc Dự án Xã hội Thông tin tại Trường Luật Yale - người từng nhận bằng tiến sĩ ở Nam Phi, gọi ý tưởng về điện thoại giá rẻ Trung Quốc trích xuất dữ liệu và tiền từ những người có thu nhập thấp là “chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số”.
"Nếu bạn không có thu nhập khả dụng, về cơ bản, bạn sẽ bị những người khác săn lùng dữ liệu", Michael cho biết. "Vấn đề mà chúng ta gặp phải ở đây là chúng ta không có một mô hình kinh doanh hợp lý cho một xã hội kỹ thuật số."
Mxolosi - người vừa mới sở hữu chiếc điện thoại Tecno W2 thậm chí không biết rằng thương hiệu mà mình sở hữu đến từ Trung Quốc.
Từ một người dùng có thu nhập thấp, buộc phải mua điện thoại giá rẻ, Mxolosi giờ đây đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn, khi phải bỏ thêm tiền để mua thiết bị mới, hoặc tiếp tục bị "bòn rút" từ chiếc điện thoại của mình.