Mỹ đang hụt hơi trong “cuộc đua công nghệ” với Trung Quốc

(Dân trí) - Việc tổng thống Trump liên tục gây khó dễ cho hàng loạt hãng công nghệ của Trung Quốc cho thấy Mỹ đang đuối thế trong “cuộc chiến công nghệ” với Trung Quốc.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế và công nghệ Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế và công nghệ tăng trưởng nhanh nhất từ trước đến nay.

Gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu 2008-2009, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tháng 8/2010.

Vào năm 2012, với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,87 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đã vượt qua tổng số 3,82 nghìn tỷ USD của Mỹ, đánh bật Mỹ ra khỏi vị trí dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới mà quốc gia này đã nắm giữ suốt 60 năm.

Mỹ đang hụt hơi trong “cuộc đua công nghệ” với Trung Quốc - 1

Cùng với nền kinh tế, ngành công nghệ Trung Quốc đã phát triển một cách nhanh chóng trong thời gian qua

Vào cuối năm 2014, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, tính theo sức mua tương đương, là 17,6 nghìn tỷ USD, vượt đôi chút so với 17,4 nghìn tỷ USD của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 1872.

Không chỉ về kinh tế, chính phủ Trung Quốc đã tập trung đẩy mạnh phát triển nền công nghệ. Tháng 5/2015, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chiến lược “Made in China”, với mục tiêu tập trung đẩy nhanh phát triển 10 ngành công nghệ cao, bao gồm công nghệ thông tin thế hệ tiếp theo, robot, trí tuệ nhân tạo, viễn thông, ô tô điện…

Với chiến lược này, Trung Quốc đặt ra tham vọng đạt được 70% khả năng tự cung tự cấp trong các ngành công nghệ cao và vị trí thống lĩnh trên thị trường toàn cầu vào năm 2049, tròn một thế kỷ kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập.

Từ khi Trung Quốc đặt ra chiến lược phát triển công nghệ cao, Mỹ đã dần bị tụt lại phía sau so với Trung Quốc về các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ. Một thống kê của đại học Nam Kinh (Trung Quốc) và đại học Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng từ năm 2000 đến 2016, số lượng các tin bài nghiên cứu khoa học, vật lý, kỹ thuật và toán học được xuất bản của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần và vượt quá so với Mỹ.

Theo tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, trong năm 2019, Trung Quốc đã nộp 58.990 bằng sáng chế công nghệ, còn của Mỹ là 57.840. Hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc cũng đã vượt lên để trở thành công ty có số bằng sáng chế nhiều nhất thế giới, với 4.144 bằng sáng chế.

Trung Quốc “cạnh tranh sòng phẳng” với Mỹ trên thị trường công nghệ

Đến năm 2020, các hãng công nghệ tiêu dùng hàng đầu tại Mỹ bao gồm Google, Apple, Amazon và Microsoft, trong đó, tại Trung Quốc là Alibaba, Tencent, Xiaomi và Baidu. So với “ông lớn công nghệ” của Mỹ, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc thành lập muộn hơn, tuy nhiên, các công ty này đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, góp phần đẩy mạnh nền công nghệ và Internet tại Trung Quốc.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, một lượng lớn các kỹ sư và doanh nhân Trung Quốc trở về từ Thung lũng Silicon đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công ty công nghệ cao tại Trung Quốc.

Mỹ đang hụt hơi trong “cuộc đua công nghệ” với Trung Quốc - 2

Các hãng công nghệ Trung Quốc đã có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng công nghệ Mỹ trên thị trường toàn cầu

Kể từ thời điểm Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, chính quyền Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch đầu tư mạo hiểm vốn nhà nước vào các lĩnh vực công nghệ cao. Đây cũng là thời điểm các công ty công nghệ Trung Quốc bắt đầu phát triển “bùng nổ” trên thị trường toàn cầu.

Nổi bật trong số đó có Tencent, khi “gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc” đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất thế giới, đầu tư vào hàng loạt các công ty công nghệ lớn, nhỏ trên toàn cầu, trong đó có cả tại Mỹ. Hay hãng thương mại điện tử Alibaba của Jack Ma đã gây “chấn động” khi thu về mức kỷ lục 25 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại sàn chứng khoán New York.

Trong thời gian này, Baidu cũng đa dạng hóa các lĩnh vực công nghệ và mở rộng thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm Internet khác; còn Xiaomi cũng đã nhanh chóng vươn lên để trở thành hãng công nghệ tiêu dùng và smartphone hàng đầu thế giới.

Không chỉ các công ty được thành lập từ lâu, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc cũng đạt được những thành công trên thị trường toàn cầu. Nổi bật nhất trong số đó là ByteDance với mạng xã hội TikTok. Hiện ByteDance đang được định giá 140 tỷ USD và là công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới.

Có thể nói, giờ đây, các hãng công nghệ Trung Quốc có thể “cạnh tranh sòng phẳng” với các công ty của Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Ưu thế của các công ty Trung Quốc đó là tận dụng được thị trường nội địa hơn 1,4 tỷ dân để làm bàn đạp để tấn công vào thị trường nước ngoài.

Tổng thống Trump cho thấy Mỹ đang đuối thế trong “cuộc chiến công nghệ” với Trung Quốc

Kể từ khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tổng thống Trump luôn nhắm vào các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc để gây áp lực với chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích thị trường, động thái của tổng thống Trump còn nhằm kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của các hãng công nghệ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Huawei là đối tượng nhắm đến đầu tiên của tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi chính quyền Trump ban hành nhiều lệnh cấm để siết chặt hoạt động của Huawei. Trước khi bị chính phủ Mỹ đưa vào “danh sách đen”, Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông và mạng 5G lớn nhất thế giới. Huawei cũng đang trên đà tăng trưởng để trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới về doanh số.

Sau Huawei, chính quyền tổng thống Trump tiếp tục nhắm đến ByteDance và Tencent. Như trên đã đề cập, ByteDance hiện là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới và là chủ sở hữu của TikTok, mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hành tinh. Còn Tencent hiện là chủ sở hữu của WeChat, ứng dụng được sử dụng nhiều nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong những công ty đầu tư nhiều nhất trên toàn cầu, trong đó Tencent chủ yếu đầu tư vào các công ty công nghệ và game.

Mỹ đang hụt hơi trong “cuộc đua công nghệ” với Trung Quốc - 3

Những đòn “trừng phạt” của tổng thống Trump nhằm vào các công ty Trung Quốc phải chăng là để nhằm kìm hãm sự phát triển của nền công nghệ nước này?

Chính quyền Trump vẫn tiếp tục có ý định tấn công vào các “ông lớn công nghệ” của Trung Quốc và nhiều khả năng, hãng thương mại điện tử Alibaba sẽ là cái tên mà chính quyền Washington sẽ nhắm đến trong thời gian tới.

Ngoài mục đích gây áp lực cho chính quyền Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều chuyên gia phân tích thị trường cho rằng động thái “gây khó dễ” cho các công ty công nghệ Trung Quốc của tổng thống Trump còn nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển nhanh chóng của các công ty này, làm giảm sự ảnh hưởng của ngành công nghệ Trung Quốc đến thị trường toàn cầu.

Có thể nói, những động thái của chính quyền Trump như một sự gián tiếp thừa nhận sự “hụt hơi” của ngành công nghệ Mỹ so với sự phát triển nhanh chóng của các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc, và để không đánh mất đi vị thế dẫn đầu trên thị trường công nghệ thế giới, tổng thống Trump đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh trong phạm vi quyền hạn của mình để làm chậm tốc độ phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, các hãng công nghệ Trung Quốc có được sự phát triển như ngày nay cũng nhờ vào chính sách kiểm duyệt và đóng cửa Internet của Trung Quốc, khi quốc gia này cấm các hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Facebook Twitter… hoạt động, tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc phát triển mạnh mẽ ở thị trường nội địa, có được nền tảng vững chắc trước khi vươn ra thị trường quốc tế.