Nhiều thương hiệu lớn vẫn bất chấp "nuôi" kênh phim lậu vì... sợ thua thiệt!?

(Dân trí) - Các trang phim lậu lớn vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều trang phim lậu mới ra đời sống tốt nhờ vào các thương hiệu lớn đang tiếp tục rót quảng cáo bất chấp các chiến dịch đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền trên Internet, vốn đang ở mức báo động. Trong đó nổi lên có các thương hiệu Yamaha, Mazda, ...

Thương hiệu lớn nằm cạnh game cờ bạc

Nhiều thương hiệu lớn đã thực hiện chiến dịch rút quảng cáo đồng loạt trên các web vi phạm bản quyền đúng theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng vẫn còn nhiều thương hiệu vẫn bất chấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể của chiến dịch, vốn được xem là biện pháp mạnh của Bộ TT&TT nhằm đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền trên Internet. 

Nhiều thương hiệu lớn vẫn bất chấp nuôi kênh phim lậu vì... sợ thua thiệt!? - 1

Những banner lớn của các hãng xe vẫn tiếp tục đặt dày đặc trên kênh phim lậu

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, nhiều kênh phim lậu lớn tại Việt Nam bất ngờ có nhiều thương hiệu lớn quay trở lại đặt quảng cáo. Tính riêng trong tháng 4 vừa qua, các thương hiệu lớn như Yamaha, Vivo, Apaxleaders... Vẫn vô tư được đặt quảng cáo ở các trang phim lớn và giúp các trang này tiếp tục giữ vững vị trí là những web có lượng truy cập khủng.

Theo thống kê từ similarweb, kênh phimmoi.net (kênh phim lậu lớn nhất Việt Nam) vẫn tiếp tục đứng trong top 20 trang web phổ biến nhất tại Việt Nam. 

Nhiều thương hiệu lớn vẫn bất chấp nuôi kênh phim lậu vì... sợ thua thiệt!? - 2

Những quảng cáo TVC trong phim xuất hiện dày đặc 

Tính tới thời điểm này, kênh phimmoi.net vẫn tiếp tục thu hút quảng cáo, từ những banner lớn của các thương hiệu như Mazda, Yamaha, trà sữa TooCha... cho đến những video quảng cáo trong các phim lậu của Quatar Airways, xi măng INSEE, máy lạnh Mitsubishi...

Thống kê nhanh của Dân trí, theo bảng giá quảng cáo trước đó từ kênh phimmoi.net, một TVC chạy trước phim, có giá 18 triệu đồng/tuần, TVC chạy giữa phim có giá lên đến 16 triệu đồng. Tính sơ bộ chỉ cần 3 nhãn hàng, 1 tuần kênh phim này thu lợi ở hạng mục quảng cáo TVC lên đến 54 triệu đồng ở TVC trước phim và 48 triệu đồng cho TVC giữa phim. Và tính riêng cả tháng chỉ mỗi hạng mục này đủ thu về cả tỷ đồng. Chưa kể các hạng mục quảng cáo khác thì số tiền 1 tháng thu về lên đến hàng tỷ đồng. Một lợi nhuận quá lớn đủ để con người ta bất chấp vi phạm. 

Ở một kênh phim khác mới thành lập là Fimfast.com, chỉ trong thời gian ngắn ngủi từ đầu năm đến nay kênh phim này đã có thu hút được rất nhiều quảng cáo trong phim. Đáng chú ý những TVC quảng cáo trong phim được đặt bên cạnh các banner quảng cáo cá cược online. Trong đó nổi lên có TVC quảng cáo của xi măng Fico-YTL bên cạnh các banner quảng cáo cá cược online Fun88...

"Chua chát" câu trả lời

Có lẽ để hình ảnh thương hiệu được nhiều người biết đến, các nhãn hàng vẫn quyết tâm đặt ở bất cứ trang web nào có lượt truy cập khủng, bất chấp trang web đó có vi phạm hay không.

Một đại diện nhà bán lẻ lớn giấu tên cho biết: "Thực tế mình không đặt thì người khác cũng đặt quảng cáo. Nếu không quảng cáo thì sẽ thua thiệt nhiều thứ, khiến cho mình có thể thua các thương hiệu khác về nhận biết và nó có thể ảnh hưởng cả chiến dịch quảng cáo, ảnh hưởng đến số bán".

Lấy ví dụ, đại diện này cho biết, cùng là bán một sản phẩm, một đối thủ đăng quảng cáo tức sẽ có nhiều người biết đến hơn, mình không quảng cáo tức mình sẽ thua họ một bước. Như vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến doanh số...?!.

Câu trả lời này có lẽ là khá chua chát, đánh thẳng vào thực tế vì sao mà các thương hiệu lớn vẫn tiếp tục ủng hộ các trang web phim lậu bởi lượng truy cập cực khủng như hiện nay.

Nhiều thương hiệu lớn vẫn bất chấp nuôi kênh phim lậu vì... sợ thua thiệt!? - 4

Một chuyên gia ngành social marketing cho rằng, việc quảng cáo trên mạng hiện nay là điều mà các doanh nghiệp không bỏ qua nhưng việc quảng cáo vô tội vạ sẽ khiến cho hình ảnh doanh nghiệp được nhìn nhận không tốt. Minh chứng được kể ra là các quảng cáo các thương hiệu lớn ở các trang web phim lậu khiến người xem tưởng đây là trang web uy tín mà không biết rằng đó là trang web vi phạm. Chính những vi phạm này nó ảnh hưởng trực tiếp về mặt kinh tế đối với doanh nghiệp truyền hình, khi mà doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền để mua bản quyền và thậm chí các cụm rạp chiếu phim thua lỗ vì không nhất thiết phải đến rạp khi trên internet có đầy rẫy. 

Bên cạnh đó, những quảng cáo thương hiệu lớn nằm xen kẽ với những banner quảng cáo cờ bạc, nội dung độc hại... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sự dè chừng của người dùng đối với thương hiệu. Và chính những đồng tiền quảng cáo đó giúp kênh phim lậu tiếp tục sống tốt, tiếp tục quảng bá game cờ bạc, khiến cho thị trường này vẫn tiếp tục sôi động không kém sau vụ việc công an Phú Thọ đã phá được vụ án đánh bạc có tổ chức, xuyên quốc gia; thu được trên 1.000 tỷ đồng vừa qua. 

Do đó, việc ngăn chặn nguồn thu quảng cáo sẽ khiến cho các trang web vi phạm này khó tồn tại. Thiết nghĩ, để ngăn chặn vi phạm bản quyền đáng báo động ở Việt Nam cần có những sự phối hợp chặt chẽ từ các nhãn hàng với nhà chức trách, sử dụng luật và các chế tài cứng rắn để loại bỏ nạn vi phạm và qua đó xóa bỏ định kiến về quốc gia luôn nằm top vi phạm bản quyền trên thế giới. 

Gia Hưng