1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Quảng cáo lại mọc lên như nấm trên kênh phim lậu, Youtube bẩn

(Dân trí) - Nhiều quảng cáo của các nhãn hàng lớn trong nước đang được "treo" đầy rẫy trên các kênh phim lậu, những video liên quan đến các đối tượng giang hồ mạng trên Youtube cũng quảng cáo dày đặc không kém. Các nhãn hàng cần có động thái quyết liệt hơn.

Mọc lên như nấm sau mưa

Năm ngoái, Dân trí đã liên tiếp phản ánh về tình trạng nhiều thương hiệu lớn đã cố tình đặt quảng cáo trên các kênh phim lậu, gây ra hiệu ứng không tốt cho chiến dịch rút quảng cáo đồng loạt trên các web vi phạm bản quyền đúng theo khuyến nghị của Bộ Thông tin & Truyền thông. 

Sau phản ánh, nhiều nhãn hàng cho biết đã ngay lập tức gỡ bỏ quảng cáo và đề nghị các bộ phận rà soát lại. Tình hình sau đó có vẻ khả quan hơn, nhiều kênh phim lậu đã không còn có những quảng cáo của các thương hiệu lớn trong nước mà thay bằng các dòng chữ thiếu kinh phí duy trì, xin đóng góp. 

Tuy nhiên, đầu năm trở lại đây, các kênh phim lậu lại bất ngờ xuất hiện nhiều quảng cáo hơn. Đặc biệt có trang phim lậu được quảng cáo bao phủ cả nguyên trang chính.

Quảng cáo lại mọc lên như nấm trên kênh phim lậu, Youtube bẩn - 1

Quảng cáo dày đặc trên kênh phim lậu

Quảng cáo lại mọc lên như nấm trên kênh phim lậu, Youtube bẩn - 2

Quảng cáo của ngân hàng VIB phủ kín trang web phim lậu 

Điển hình trong đó là phimmoi.net, khi truy cập vào trang chủ của kênh phim lậu này, người dùng sẽ choáng ngợp với những quảng cáo của các thương hiệu lớn như Yamaha, Vivo, Apaxleaders, game Tân Chưởng Môn, ngân hàng VIB... Sự xuất hiện của các tên tuổi lớn trong nước khiến người xem cứ ngỡ đang vào một trang web uy tín, trang web bản quyền. 

Một đại diện của rạp phim lớn ở TPHCM đã từng khẳng định, quảng cáo đang là nguồn nuôi chính để các trang web vi phạm bản quyền này tồn tại. Trong đó 72% quảng cáo nuôi các trang này lại đến từ các nhãn hàng lớn, còn lại 28% đến từ các quảng cáo độc hại, cờ bạc... 

Nhãn hàng bị đặt quảng cáo vào các video độc hại trên Youtube

Trong những tháng đầu năm nay, cái tên Khá Bảnh đã tốn biết bao giấy mực của báo chí về một hiện tượng giang hồ mạng với những video ăn chơi thác loạn, là thần tượng của biết bao nhiêu người trẻ. Những video của Khá Bảnh thu hút lượng lớn người xem và kèm theo đó là những lợi nhuận khổng lồ thu về từ quảng cáo do Youtube đặt trên từng video. 

Quảng cáo lại mọc lên như nấm trên kênh phim lậu, Youtube bẩn - 3

Sau khi bị bắt giữ, Khá Bảnh đã khai kiếm được 20.000 đô la Mỹ/tháng từ Youtube. Đây là một khoảng tiền vô cùng lớn khi so với thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam. Cũng sau khi bị bắt, Youtube cũng đã gỡ bỏ kênh của Khá Bảnh và cho biết: "Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube.".

Quảng cáo lại mọc lên như nấm trên kênh phim lậu, Youtube bẩn - 4

Tuy nhiên, những video của giang hồ mạng này vẫn đang tiếp tục được phát tán mạnh mẽ trên các kênh khác và thậm chí hiện nay còn mọc ra như nấm với các kênh có cùng tên "Khá Bảnh". 

Đáng chú ý, có những video nhảy múa của Khá Bảnh được một số kênh tải về và đăng tải lại đều được đặt quảng cáo. Lấy ví dụ như kênh Nhạc DJ vn với clip "Khá Bảnh Quẩy nhạc ke huyền thoại" với những màn nhảy múa quạt đang thu hút 4,9 triệu lượt xem, 1.225 lượt bình luận. Video này cũng có đến 7 nhãn hàng đặt quảng cáo, trong đó có thể đến như CGV, Nescafe, Edumall...

Một giám đốc marketing ở TPHCM nhận định, Youtube ngày càng buông lỏng kiểm duyệt và tài trợ gián tiếp chi phí cho người làm nội dung thông qua hình thức chia tiền doanh thu quảng cáo. Trong khi đó các nhãn hàng không biết quảng cáo của mình được đặt ở đâu mà phải phụ thuộc vào Youtube, muốn đặt vào đâu thì đặt. Chính những việc vung tiền vô tội vạ đã khiến cho những video độc hại, vi phạm liên tục được phát tán, bùng phát mạnh mẽ như hiện nay. Hệ luỵ khác là các kênh tương tự cũng sẽ mở để ăn theo. 

"Thay vì lên án các bên làm nội dung theo cách đổ lỗi, Google nên sàng lọc nội dung bằng các cộng tác viên là con người chứ không phải robot, thưởng cho cả những người giúp báo cáo các nội dung xấu bằng doanh số đáng ra chia cho bên “Khá bảnh” để khuyến khích hành động tích cực", vị này nói thêm.  

Trong những năm qua, Bộ TT&TT cũng đã có rất nhiều biện pháp để cảnh báo nguy hiểm về nguy cơ có thể gây ảnh hưởng tới an toàn, uy tín của các thương hiệu đối với các nhãn hàng khi hợp tác quảng cáo trên các nội dung xấu, độc trên YouTube. Tuy nhiên, sau thời gian quyết liệt, các nhãn hàng vẫn ngó lơ và tiếp tục vung tiền vô tội vạ vào các trang web phim lậu, những video độc hại trên Youtube.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhãn hàng cần chủ động sàng lọc quảng cáo, cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm trên môi trường số. Đồng thời, cũng là một hành động quan trọng để giúp những kênh bẩn bị đẩy lùi, không gây hại cho trẻ em và những người xem trên Youtube. 

Gia Hưng