Ma trận phim lậu: Khi Internet Việt Nam là nguồn phân phối bất hợp pháp
(Dân trí) - Không chỉ các kênh phim lậu mà nhiều dịch vụ chia sẻ trong nước đang tiếp tay trong việc phát tán những video vi phạm bản quyền, ngập tràn internet.
>> Quảng cáo đang quay trở lại tràn ngập trang web phim lậu ở Việt Nam
>> Hãng nhỏ gỡ quảng cáo trên kênh phim lậu, hãng lớn "đổ bộ" rót tiền
Đủ thể loại vi phạm bản quyền
Bộ Trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn từng đánh giá, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet ở mức báo động và gây ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Và thực tế, không chỉ có mỗi những kênh phim lậu là nơi gây ảnh hưởng trực tiếp về mặt kinh tế đối với doanh nghiệp truyền hình mà các trang web chuyên cho tải phim, những kênh dịch vụ lưu trữ trong nước như Megashare, Fshare... cũng là những nguồn phát tán phim vi phạm bản quyền với số lượng cực khủng.
Khảo sát nhanh trên các diễn đàn âm thanh và đánh giá phim tại Việt Nam, khu vực chia sẻ phim diễn ra một cách sôi nổi, nhiều người tham gia bình luận và tải phim. Thậm chí có nhiều diễn đàn còn chia rõ các thư mục phim được tải từ dịch vụ chia sẻ trong nước với các box (hộp) tương ứng như Fshare, Megashare, 4share.vn...
Tìm kiếm các trang web chia sẻ phim, chẳng hạn như vaphim.com , cách trình bày phim không thua kém những kênh chiếu phim lậu như phimmoi.net , hdonline.net ... nhưng khác một điểm đó là chỉ cho tải phim và đặc biệt tải về từ Fshare.
Một chuyên gia trong ngành social marketing nói rằng, nhiều dịch vụ chia sẻ trong nước đang là một nơi "cất giấu" rất nhiều nguồn phim vi phạm bản quyền. Thậm chí có thể nói rằng đây là nơi để phân phối hàng loạt phim bất hợp pháp chứ không còn ý nghĩa là lưu trữ.
Nói rõ hơn, vị này cho biết, tương tự như câu chuyện của Megaupload từ những năm trước đó khi bị hàng loạt hãng phim lớn trực thuộc Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) đệ đơn kiện cáo buộc dịch vụ lưu trữ và chia sẻ nội dung của Megaupload đang cung cấp lậu hàng ngàn phim điện ảnh và chương trình truyền hình không bản quyền. Đơn kiện này nói rõ, các bộ phim như Avatar, Forrest Gump, Transfomers... được phát tán trên Megaupload đã khiến các hãng phim cùng hãng thu âm thiệt hại 500 triệu USD và Megaupload thu về được 175 triệu USD. Kết quả, Megaupload đóng cửa, ông Kim Dotcom, chủ doanh nghiệp này cũng bị khởi tố hình sự.
Một ví dụ điển hình khác là Hotfire cũng bị Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đâm đơn kiện vào năm 2012 vì vi phạm bản quyền. MPAA nói rằng mô hình của Hotfile y hệt như trang Megaupload đã bị nhà chức trách đánh sập. Cáo buộc trang này đang chia sẻ những dữ liệu vi phạm bản quyền, trong đó có các bộ phim và chương trình truyền hình. Và đến nay, Hotfile tương tự như Megaupload, phải đóng cửa vì những vi phạm.
Cần có khung pháp lý để xử phạt
Chuyên gia này cho rằng, có lẽ các dịch vụ lưu trữ trong nước vẫn biết đến thực trạng trên nhưng chưa thể kiểm soát được, một phần đến từ lợi ích kinh tế. Trong đó, họ có thể thu hút thêm nhiều người dùng dịch vụ, cạnh tranh được với các dịch vụ quốc tế và để tồn tại. Tuy nhiên, làm giàu trên chính trí tuệ và công sức của người khác là điều không chấp nhận được, qua đó khó lòng mà đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền ở mức báo động ở Việt Nam. Chính những vi phạm này ảnh hưởng trực tiếp về mặt kinh tế đối với doanh nghiệp truyền hình, khi mà doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền để mua bản quyền và thậm chí các cụm rạp chiếu phim thua lỗ vì không nhất thiết phải đến rạp khi trên internet có đầy rẫy.
Vị này đề nghị, chúng ta cần xây dựng nền tảng pháp lý để xử phạt thật nặng, đẩy lùi vi phạm và qua đó xóa bỏ định kiến về quốc gia luôn nằm top vi phạm bản quyền trên thế giới.
Trước đó Bộ TT&TT đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền nội dung trên Internet đang ở mức báo động. Bộ đã đưa ra một biện pháp rất cứng rắn, phối hợp với các nhà quảng cáo để ngăn chặn các nguồn thu quảng cáo đổ về các trang web vi phạm này. Đây được xem là biện pháp mạnh bởi các trang web lậu lập ra để thu lợi nhuận từ quảng cáo là chính. Việc ngăn chặn nguồn thu quảng cáo sẽ khiến cho các trang web vi phạm này khó tồn tại.
Dù quyết liệt nhưng có lẽ vì mức doanh thu quá khủng, các đơn vị, kênh phim lậu vẫn bất chấp vi phạm, quảng cáo vẫn tiếp tục xuất hiện dày đặc trong thời gian qua. Thiết nghĩ, đây là một chiến không đơn giản và cần có những sự phối hợp chặt chẽ từ các công ty với nhà chức trách, sử dụng luật và các chế tài cứng rắn để loại bỏ nạn vi phạm bản quyền đáng báo động ở Việt Nam. Thậm chí có thể đưa ra các toà án dân sự hoặc hình sự để ngăn chặn tình trạng trên.
Gia Hưng