1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Ai "tiếp tay" cho kênh phim lậu thu bạc tỷ một cách dễ dàng?

(Dân trí) - Hầu hết các kênh phim lậu tại Việt Nam không mất quá nhiều tiền để đầu tư vào máy chủ lưu trữ nhưng vẫn thu lợi hàng tỷ đồng nhờ vào quảng cáo nhờ những kẽ hở rất lớn từ Facebook. Đến lúc các nhà quảng cáo và nhãn hàng cần có động thái quyết liệt hơn, chung tay chống nạn vi phạm bản quyền đang ở mức báo động ở Việt Nam.

Kẽ hở lớn để kênh phim lậu tồn tại

Trước đây, những kênh phim lậu hầu như sử dụng những tài khoản Google Drive không giới hạn dung lượng dành cho sinh viên với giá từ khoảng 150 ngàn đồng trở lên để lưu trữ và phát tán video vi phạm bản quyền. Nhưng nay, các kênh này đã chuyển sang nền tảng từ Facebook vì nhiều kẻ hở lớn hơn và Google đã ngăn chặn được tình trạng trên.

Anh A.T, một chuyên gia trong ngành social media ở Việt Nam cho biết, các kênh phim lậu hiện nay đã không sử dụng Google Drive để lưu trữ phim bởi Google đã ngăn chặn tình trạng này cách đây không lâu. Google sẽ khóa ngay các phim được lưu trữ nếu có số lượng người xem lớn. Từ đó nhiều kênh phim lậu chuyển đổi sang nền tảng Facebook vì rất nhiều kẻ hở có thể lách.

Facebook cung cấp cho người dùng công cụ có thể đăng tải nhiều video thoải mái và không chặn nếu lượt xem đó tăng đột biến. Nhiều người làm phim lậu sẽ đăng tải video phim lên Fanpage trong Facebook và để ở chế độ riêng tư, tránh Facebook dùng cơ chế lọc bản quyền. Sau đó, các kênh phim lậu này sẽ dùng một công cụ (tool) để lấy liên kết (links) về trang phim để phát cho người xem một cách thoải mái mà chẳng mất một đồng nào cho việc mua máy chủ để lưu trữ.

Kênh phim lậu Phimmoi.net dùng tài nguyên chùa của Facebook
Kênh phim lậu Phimmoi.net dùng tài nguyên chùa của Facebook

Nói thêm, anh A.T cho biết, các kênh phim lậu đã sử dụng lưu trữ trên Facebook đã rất lâu nhưng mạng xã hội này vẫn bỏ ngõ và chưa có sự quyết liệt ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền. Động thái của hãng này có vẻ quá "yếu ớt" so với Google, họ sử dụng thuật toán sẽ thay đổi (links) stream trên Facebook 4 tiếng 1 lần và các kênh phim lậu dùng tool để lấy lại, cập nhật links để người xem vẫn xem một cách dễ dàng. Thậm chí, tool để lấy dẫn links về phát trên các kênh phim lậu có tên là JW player, phần mềm stream phim nổi tiếng thì các kênh phim lậu này cũng bẻ khóa xài chùa.

Chỉ tay vào màn hình, anh A.T chọn bất kỳ một bộ phim nào phát trên kênh phim lậu phimmoi.net và mở phần liên kết để tìm hiểu, anh chỉ ra nguồn video đang được stream trên kênh này sử dụng tài nguyên của Facebook với đuôi "fbcdn". Kênh phim lậu dùng phần mềm JW Player để tạo trình phát đẹp mắt và ẩn đi được giao diện Facebook với tên người đăng, số lượt xem, thậm chí tăng giảm âm lượng, điều chỉnh qua lại dễ dàng. Có thể nói rằng, đây là một kiểu kinh doanh một vốn bốn lời, không chỉ thu lợi từ quảng cáo nhờ các nguồn phim vi phạm bản quyền mà còn chẳng mất nhiều tiền để lưu trữ phim.



Chỉ cần gõ từ khoá xem phim là có thể được dẫn tới hàng loạt trang xem phim lậu.​


Chỉ cần gõ từ khoá "xem phim" là có thể được dẫn tới hàng loạt trang xem phim lậu.​

Một vấn đề khác cũng rất quan trọng trong việc giúp các kênh phim lậu này phát triển rầm rộ ở Việt Nam đó là trách nhiệm của Google. Thử tìm kiếm trên thanh công cụ ở Google Search, gõ từ khóa Xem phim, hầu hết các trang phim lậu ngay lập tức xuất hiện, nơi chứa những bộ phim mới ra rạp, vi phạm bản quyền truyền hình một cách trắng trợn. Nếu như Google kiểm soát hơn, ngăn chặn các từ khóa này thì người dùng khó lòng mà tiếp cận được các kênh phim lậu đang vi phạm một cách đáng báo động không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.

Lợi nhuận tiền tỷ, nhãn hàng nên xem xét lại!

Sau loạt bài về tình trạng các nhãn hàng quay trở lại quảng cáo rầm rộ trên các trang web phim lậu ở Việt Nam mà Dân trí phản ánh, nhiều thương hiệu lớn đã có động thái rút hoàn toàn các chương trình quảng cáo trên những kênh này.

Trao đổi với Dân trí, hầu hết các nhãn hàng lớn được đề cập đều cho biết, những luồng quảng cáo mà báo phản ánh đã được dừng lại trong tuần qua. Các nhãn hàng cũng nói rằng sẽ xem xét lại sự việc này và không để tình trạng trên xảy ra.

Qua khảo sát nhanh trên các kênh phim lậu lớn như phimmoi.net , phim14.net , hdonline.vn... tình trạng nhiều quảng cáo thương hiệu lớn được phản ánh đã hoàn toàn được gỡ bỏ. Tuy nhiên, thực trạng nhiều ông lớn khác mới lại xuất hiện để quảng cáo vẫn đang diễn ra nhan nhản.


Quảng cáo trên hai kênh phim lậu lớn ở Việt Nam

Quảng cáo trên hai kênh phim lậu lớn ở Việt Nam

Tại hdonline.vn, phim14.net , người dùng sẽ choáng ngợp với quảng cáo của một nhà băng lớn với banner rất to và gây chú ý. Riêng trên kênh phimmoi.net , hầu như các quảng cáo lớn đều đã gỡ bỏ trên các banner chính của trang này. Nhưng nó biến hóa "đủ trò", quảng cáo vào từng bộ phim chứ không dứt hoàn toàn việc thu lợi từ quảng cáo.

Truy cập vào từng tập phim để xem, người dùng sẽ nhận đến 2 quảng cáo TVC khởi chạy trước khi bắt đầu xem phim. Thậm chí là khi vào giữa phim có thêm các quảng cáo TVC khác trên các kênh phim, điển hình là phimmoi.net . Chính những cách luồn lách như vậy đang góp phần giúp những trang phim này thu về lợi nhuận cực khủng.


Báo giá quảng cáo trên trang phim lậu phimmoi.net.

Báo giá quảng cáo trên trang phim lậu phimmoi.net.

Theo bảng giá quảng cáo từ kênh phimmoi.net, một TVC chạy trước phim, có giá 18 triệu đồng/tuần, TVC chạy giữa phim có giá lên đến 16 triệu đồng. Tính sơ bộ chỉ cần 10 nhãn hàng, 1 tuần kênh phim này thu lợi ở hạng mục quảng cáo TVC lên đến 180 triệu đồng ở TVC trước phim và 160 triệu đồng cho TVC giữa phim. Và tính riêng cả tháng chỉ mỗi hạng mục này đủ thu về cả tỷ đồng. Chưa kể các hạng mục quảng cáo khác thì số tiền 1 tháng thu về lên đến hàng tỷ đồng. Một lợi nhuận quá lớn đủ để con người ta bất chấp vi phạm.

Trong một cuộc họp gần đây nhất tại TPHCM, đại diện BHD đã thẳng thắn nêu ra tình trạng vi phạm bản quyền ở các trang web phim lậu đang ở mức báo động. Những dịch vụ trả tiền lớn ở nước ngoài về Việt Nam đều không thành công, minh chứng là Netflix và hiện tại đang sụt giảm mạnh. Trong khi các trang web lậu như Phimmoi.net lại tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Đại diện BHD cho rằng, quảng cáo đang là nguồn nuôi chính để các trang web vi phạm bản quyền này tồn tại. Trong đó 72% quảng cáo nuôi các trang này lại đến từ các nhãn hàng lớn, còn lại 28% đến từ các quảng cáo độc hại, cờ bạc...

Thiết nghĩ, các nhãn hàng lớn cần có cơ chế kiểm duyệt lại việc quảng bá thương hiệu của mình trên các trang web vi phạm bản quyền. Động thái này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp truyền hình và hơn hết đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền đang ở mức báo động tại Việt Nam.

Việc quảng cáo trên các trang phim lậu chưa biết có mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh hay không nhưng nó có thể gây ảnh hưởng đến sự uy tín của thương hiệu đối với nhãn hàng khi hợp tác quảng cáo trên những trang web này. Những quảng cáo của nhãn hàng lớn nằm xen kẽ với những banner quảng cáo cờ bạc, nội dung độc hại... Sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sự dè chừng của người dùng đối với thương hiệu.

Gia Hưng