Giả mạo công an lừa đảo qua điện thoại, người dùng cần làm gì?

(Dân trí) - Rất nhiều người dùng đã gặp phải tình trạng bị đe dọa liên tục qua điện thoại với các đối tượng giả danh công an, toà án. Nếu gặp phải tình trạng trên, người dùng cần làm gì?

Thủ đoạn không mới 

Lừa đảo qua điện thoại là một hình thức lừa đảo không mới, các đối tượng sẽ đi theo đúng quy trình được lập trình sẵn, từ việc thông báo có bưu phẩm cần nhận gấp, yêu cầu cung cấp CMT để mở niêm phong và sau đó là đọc lệnh triệu tập vì liên quan đến một vụ án nào đó. 

Giả mạo công an lừa đảo qua điện thoại, người dùng cần làm gì? - 1
Các đối tượng lừa đảo liên tục quấy rối người dùng

Các đối tượng sẽ tiếp tục nối máy đến các "bộ phận" khác và yêu cầu người dùng không được tắt máy. Nhiều người lo sợ vì một lệnh triệu tập từ trên trời rơi xuống và phải làm theo hướng dẫn của các đối tượng để cố giải thích về sự nhầm lẫn. 

Khi nạn nhân rơi vào bẫy mà chúng giăng ra, các đối tượng liền xưng danh là công an, toà án và đề nghị hợp tác để xử lý vụ việc. Chúng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin, tài khoản và cho biết số tiền mà người dùng đang có cần được kiểm tra có vi phạm hay không? Từ đó đề nghị chuyển tiền đến các tài khoản mà chúng muốn để kiểm tra nhầm trục lợi. 

Điển hình mới đây có sự việc của chị H.O (ngụ Đồng Nai) khi được một đối tượng giả mạo bưu điện thông báo có bưu phẩm bên trong có chứa "Thư triệu tập tại tòa án" với khoảng nợ 960 triệu đồng. Đáng chú ý, nhân viên bưu điện này còn đọc cả CMND đúng như thông tin cá nhân của chị H.O và kèm số tài khoản ngân hàng. 

Giả mạo công an lừa đảo qua điện thoại, người dùng cần làm gì? - 2

Giả mạo cả lệnh tạm giam để đe dọa người dùng

Các đối tượng này tiếp tục nối máy nạn nhân đến một người tự xưng là công an và liên tiếp đe dọa chị và nói rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng có liên quan đến rửa tiền và buôn bán ma tuý xuyên quốc gia từ Campuchia, Lào, Việt Nam, Sing... và các quốc gia khác. Đối tượng này nói sẽ chuyển máy của chị đến cấp trên để tiếp tục xử lý. 

Khi biết nạn nhân đã vào tròng, các đối tượng này tiếp tục yêu cầu chứng minh cho chúng những tài sản của chị không liên quan đến ma tuý. Chúng còn yêu cầu chị về nhà, ghi lại những sổ tiết kiệm mà chị có để chúng kiểm tra. 

Để gây khủng hoảng tinh thần cho các nạn nhân, lần này chúng còn gửi qua điện thoại một lệnh bắt tạm giam từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đích danh người đang bị chúng đe dọa. 

Tuyệt đối không có nhắc nợ cước, nhận bưu phẩm qua điện thoại

Tính đến thời điểm này, nhiều người dùng cho biết họ vẫn nhận được rất nhiều các cuộc gọi yêu cầu thanh toán cước, nhận bưu phẩm gấp của các đối tượng lừa đảo. Đại diện VNPT khẳng định, họ không áp dụng hình thức thông báo qua hộp thư tự động đến khách hàng với các nội dung nhắc nợ cước hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện như trên. Vì vậy tất cả các cuộc gọi có dấu hiệu như trên đều là các cuộc gọi của đối tượng lừa đảo.

Người dùng khi gặp phải tình trạng trên, hãy dập máy ngay lập tức và không thực hiện bất kỳ các giao dịch, cung cấp thông tin để chúng có thể khai thác, tấn công các tài khoản ngân hàng. 

Đặc biệt, qua câu chuyện này, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin đối với người xa lạ cũng sẽ khiến người dùng có thể mất tài khoản và sử dụng trong các mục đích xấu. 

Trên internet, người dùng không truy cập vào các đường link không xác định. Đồng thời không đăng nhập tài khoản Facebook và thậm chí là tài khoản ngân hàng ở những trang web xa lạ.

Ngoài ra, không cung cấp các thông tin riêng tư quá nhiều trên mạng và nên sử dụng những chương trình virus có chức năng Internet Security, bảo đảm an toàn kết nối trên mạng. 

Quốc Phan