1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nghệ An

Giả mạo công an chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng qua điện thoại

(Dân trí) - Nhóm thanh niên giả mạo nhân viên tổng đài điện thoại, cán bộ điều tra Bộ Công an gọi điện cho các nạn nhân thông báo họ liên quan đến hoạt động mua bán ma túy, rửa tiền. Bằng cách yêu cầu các nạn nhân nộp tiền để chứng minh mình trong sạch, nhóm thanh niên này đã chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng.

Xét xử nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Trong hai ngày 29 và 30/11, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo Phạm Đình Luận (SN 1993) Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Phi (SN 1999), đều trú xã Hương Mỹ, huyện Lương Tài, Bắc Ninh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Phạm Đình Luận.
Bị cáo Phạm Đình Luận.

Trước đó, vào tháng 8, tháng 9, Công an tỉnh Nghệ An liên tiếp nhận được trinh báo của người dân về việc bị chiếm đoạt một số tiền lớn. Các vụ án đều được thực hiện theo một cách thức: nạn nhân nhận được điện thoại của nhân viên tổng đài thông báo họ nợ cước điện thoại. Khi nạn nhân khẳng định không nợ cước viễn thông thì được các đối tượng nối vào số máy có đuôi 113.

Một người xưng là cán bộ điều tra Bộ Công an, thông báo nghi ngờ những người này liên quan đến hoạt động rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy và yêu cầu bí mật chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng cho chúng để phục vụ điều tra kèm theo lời cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền khi kết thúc điều tra.

Do quá sợ hãi, người dân răm rắp thực hiện theo chỉ dẫn của các đối tượng. Chỉ đến khi chuyển một khoản tiền lớn nhưng không thể liên lạc với “cán bộ Bộ công an” kia họ mới sực tỉnh, biết mình bị lừa và trình báo công an.

Ngày 3/9/2017, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An lần lượt bắt giữ Phạm Đình Luận, Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Phi.

Bị cáo Nguyễn Hữu Thu.
Bị cáo Nguyễn Hữu Thu.

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận vào đầu tháng 8/2018, Luận nhận được điện thoại của Nguyễn Văn Phi (SN 1990, trú huyện Lục Nam, Bắc Giang, anh em họ của vợ Luận) nhờ tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng và thẻ ATM. Nguyễn Văn Phi hứa mua mỗi thẻ 3 triệu đồng.

Luận nhờ Thu, Phi đến các ngân hàng, mở tổng cộng 15 tài khoản ATM.

Sau khi có thẻ ATM, Nguyễn Văn Phi gọi điện cho Luận, Phi, Thu dặn khi nào có tiền chuyển vào các tài khoản ngân hàng thì rút tiền mặt gửi cho Phi. Nhóm Luận, Thu và Phi sẽ được nhận 20% số tiền đã rút khỏi thẻ.

Trong vòng 8 ngày từ 21 đến 29/8, bằng cách giả danh nhân viên viễn thông, cán bộ Bộ Công an… các đối tượng đã 5 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt của 5 bị hại với tổng số tiền 3,3 tỉ đồng. Trong đó, người bị lừa nhiều tiền nhất là bà Bùi Thị Hồng T. (trú tỉnh Khánh Hòa) với số tiền lên tới 2,4 tỷ đồng. 4 bị hại còn lại là người Nghệ An, bị chiếm đoạt từ gần 170 triệu đến gần 260 triệu đồng.

Trong khi Phạm Đình Luận, Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Phi bị bắt thì Nguyễn Văn Phi bỏ trốn, hiện đang bị truy nã.

Bị cáo Phạm Đình Phi.
Bị cáo Phạm Đình Phi.

Tại phiên tòa, các bị cáo khai toàn bộ các bước gọi điện thoại, lừa các nạn nhân gửi tiền vào thẻ là do Nguyễn Văn Phi thực hiện, các bị cáo không biết. Nhóm thanh niên này chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của Phi là rút tiền từ các thẻ ATM ra, gửi cho Phi để hưởng %. Tuy nhiên, các bị cáo đều nhận thức rõ số tiền trên là do phạm tội mà có nhưng vì hám lợi nên đã thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Sau khi bị bắt giữ, các bị cáo Luận, Thu và Phi đã tác động gia đình bồi thường một phần nhỏ trong số tiền được nhận cho các bị hại.

Xem xét vai trò của từng bị cáo cũng như số tiền được hưởng sau mỗi phi vụ, HĐXX tuyên phạt Phạm Đình Luận 15 năm tù, Nguyễn Hữu Thu 14 năm tù, Phạm Đình Phi 8 năm tù; buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho các nạn nhân số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt.

Hoàng Lam