Vụ sữa Danlait: “Ghi tên sữa dê cũng là 1 cách phân biệt với sữa bò"
(Dân trí) - Đó là khẳng định của ThS. Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm trước những thông tin cho rằng cục cấp phép tên gọi “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait” là chưa đúng.
Xin ông cho biết thế nào là sữa bột và thế nào là thực phẩm bổ sung?
ThS. Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm
Các sản phẩm sữa bột là những sản phẩm thuộc đối tượng áp dụng theo Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2011/BYT(quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột). Theo quy chuẩn này, sữa bột là sữa tươi nguyên chất được sấy khô (độ ẩm chỉ còn dưới 5%) và có hàm lượng protein là 34% trở lên tính theo hàm lượng chất khô không có chất béo.
Và sữa từ bò vắt ra không thể cho trẻ con uống được vì đạm casein trong sữa này nhiều và khó tiêu dễ làm trẻ em đầy bụng khi uống, muốn cho trẻ con uống được thì nhà sản xuất thường phải loại bớt dạng đạm khó tiêu này và bổ sung thêm đạm whey dễ tiêu hơn và các chất có lợi cho sự phát triển cơ thể trẻ em vào sản phẩm sao cho phù hợp mức đáp ứng dinh dưỡng của từng lứa tuổi.
Quá trình loại bớt những thành phần bất lợi và việc thêm chất này hay chất khác vào 1 thực phẩm ban đầu cho phù hợp với từng loại đối tượng, nhu cầu… thì đương nhiên thực phẩm đó là thực phẩm bổ sung và khi đó các sản phẩm này không thuộc đối tượng áp dụng theo Quy chuẩn Việt nam QCVN 5-2:2011/BYT như đã nêu trên.
Trước kia chưa có Quy chuẩn Việt nam QCVN 5-2:2011/BYT nhiều sản phẩm không đủ hàm lượng 34% vẫn gọi là sữa bột nhưng kể từ ngày 1/1/2011 Quy chuẩn trên có hiệu lực các sản phẩm không đủ hàm lượng protein 34% được gọi theo các tên khác như thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức dinh dưỡng để đúng với bản chất sản phẩm hơn và dễ phân biệt cho người tiêu dùng.
Nhãn sản phẩm đã được cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm với tên "Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait" là đúng. Trong đó, “thực phẩm bổ sung” là tên nhóm còn “sữa dê Danlait” là tên riêng của sản phẩm.
Việc ghi tên sữa dê cũng là 1 cách phân biệt, giúp người tiêu dùng nhận biết đây không phải là sữa bò.
Nhà sản xuất phân phối có trách nhiệm phải ghi đầy đủ nhãn mác để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng! Trao đổi về việc khó phân biệt khái niệm sữa theo quy chuẩn sữa bột và sữa trong tên riêng của sản phẩm, ông Lê Văn Giang cho rằng chính vì lý do này mà nhà sản xuất, phân phối có trách nhiệm phải ghi đầy đủ thông tin để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, cụ thể như trường hợp sản phẩm Danlait, phải ghi rõ là thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait ..còn trong trường hợp chỉ có thông tin về tên nhóm hoặc tên sản phẩm là không phù hợp với giấy xác nhận về sản phẩm đã được cấp.
Hiện có rất nhiều thông tin cho rằng sản phẩm Danlait của công ty Mạnh Cầm là không hợp pháp. Xin ông cho biết ý kiến của ông về vấn đề này?
Các sản phẩm Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait của công ty Mạnh Cầm hoàn toàn hợp pháp, Hồ sơ, quy trình, thủ tục các bước tiến hành thẩm định hồ sơ cũng như kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm dịch trước khi hải quan cho thông quan đúng theo các văn bản quy định của Việt nam.
Sau khi xuất hiện những nghi ngờ về xuất xứ của sản phẩm Danlait là từ Trung Quốc chứ không phải từ Pháp, website của Cục đã có thông báo khẳng định xuất xứ của Danlait là từ Pháp. Và sau đó Cục lại gửi công văn cho Đại sứ quán Pháp nhờ xác minh nguồn gốc xuất xứ. Xin ông giải thích rõ hơn về việc này?
Hồ sơ công bố sản phẩm có đầy đủ giấy tờ gốc, nhưng để người tiêu dùng yên tâm chúng tôi đã chủ động gửi công văn cho Đại sứ quán Pháp để khẳng định lại 1 lần nữa các giấy tờ này đúng là đã được các quan hữu quan của Pháp xác nhận và phản hồi của Đại sứ quán Pháp sẽ là lời giải đáp khách quan nhất.
Thông báo trên website của Cục cũng ghi là Sữa dê Danlait chứ không ghi đầy đủ là Thực phẩm bổ sung Danlait. Xin ông cho biết ý kiến về việc này?
Tôi đã cho anh em kiểm tra lại, website của cục ghi đầy đủ tên “Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait...”.
Đó là các tiêu chí về chất lượng, đảm bảo an toàn và sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
“Loạn” tên gọi các sản phẩm có thành phần sữa chủ yếu dành cho trẻ em
Khảo sát thị trường sữa tại Hà Nội cho thấy, 100% các loại sữa dành cho trẻ dưới 3 tuổi của các công ty như Mead Johnson, Abbott, Vinamilk, FrieslandCampina VN, Nestle… đều không còn tên gọi sữa bột hay sữa công thức như trước năm 2011 mang thêm những cái tên mới. Tuy nhiên, do những cái tên mới này nằm ở những góc rất khiêm tốn nên ít người tiêu dùng để ý. Cụ thể, các sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Mead Johnson, trên vỏ hộp các sản phẩm Enfakid, Enfa A+… đều ghi dòng chữ “Sản phẩm dinh dưỡng”. Hãng Abbott thì ghi là “Thức ăn công thức” trên các sản phẩm Similac, Gain Plus; “thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng” trên vỏ hộp nhãn hiệu Abbott Grow,
Công ty TNHH FrieslandCampina VN lại gọi “thức ăn công thức dinh dưỡng dành cho trẻ từ…) cho nhãn hàng Lactogen. Đặc biệt, nhãn hàng Friso ghi trên vỏ hộp đồng thời là “Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng” và Sữa bột dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên”.
Nhãn hàng NAN của Nestle ghi “thực phẩm bổ sung” còn nhãn Lactogen lại gọi là “thức ăn công thức dinh dưỡng”
Vinamilk lại ghi rõ là sản phẩm dinh dưỡng Dielac, Ridielac.
Trao đổi về vấn đề này, 1 chuyên gia trong ngành sữa cho biết tên gọi sản phẩm là do doanh nghiệp tự đặt nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Những sản phẩm không đủ tiêu chí như tên gọi thì sẽ phải chọn cách đặt tên khác.
Trả lời về việc có quá nhiều cách gọi khác nhau trên, ThS. Lê Văn Giang cho biết: Bộ Y tế đang xây dựng quy chuẩn cho tên nhóm trên các sản phẩm thực phẩm, tức là quy định về tên gọi trên các sản phẩm thực phẩm sẽ càng ngày càng chặt chẽ hơn. |
Trần Phương