Chất lượng sữa Danlait: Khó tìm được tiếng nói chung!

(Dân trí) - Những tranh luận tại cuộc họp báo mới đây đã cho thấy người tiêu dùng chưa tìm được tiếng nói chung với cơ quan chức năng và công ty Mạnh Cầm về nguồn gốc, chất lượng và thương hiệu sữa Danlait.

 Sau khi Quản lý thị trường tạm giữ gần 6.000 sản phẩm sữa Danlait để điều tra về vi phạm nhãn mác phụ ngày 20/2 (tới nay chưa có kết quả); Cục An toàn thực phẩm cùng Tổng cục thực phẩm Pháp có văn bản khẳng định nguồn gốc và chất lượng sữa Danlait là theo tiêu chuẩn Pháp... câu chuyện về nguồn gốc, chất lượng sữa Danlait tưởng như đã lắng xuống. Vậy nhưng việc người tiêu dùng công bố kết quả kiểm nghiệm tại viện Pasteur và rồi chính viện Pasteur lại đính đính về việc tính nhầm, ghi nhầm kết quả hàm lượng protein, kali và natri; hứa sẽ kiểm nghiệm lại khi mẫu thử không còn và cho đến nay cũng không hề đưa ra thêm ý kiến nào... đã thực sự làm dấy lên hoài nghi trong dư luận về chất lượng của sản phẩm này và nhiều vấn đề khác như thương hiệu cũng được đặt ra.

 

Cơ quan chức năng: Chất lượng bảo đảm!

TS. Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: Nguyen Nhung)

TS. Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: Nguyen Nhung)
 

Tại cuộc họp báo xoay quanh sản phẩm này sáng qua (23/3), một lần nữa ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tiếp tục khẳng định: “Cục An toàn thực phẩm Việt Nam là cơ quan đại diện và chịu trách nhiệm trước chính phủ, nhân dân và người tiêu dùng khẳng định rằng sữa Danlait này rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và an toàn. Một cơ quan thứ 2 quản lý thực phẩm là Tổng cục thực phẩm Pháp cũng khẳng định sản phẩm có nguồn gốc từ Pháp, đảm bảo chất lượng châu Âu và an toàn. Cụ thể là khi các lô hàng từ Pháp được xuất sang Việt Nam đều có phiếu xét nghiệm, kiểm nghiệm đồng thời phiếu kiểm nghiệm này cũng được kiểm tra một lần nữa trước khi thông quan tại Việt Nam”.

 

Với kết quả từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, TS Giang nhận định: “Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị trọng tài về lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng đã kiểm tra lại (theo yêu cầu của Đội quản lý thị trường số 12 – PV) và kết quả hoàn toàn phù hợp như đăng ký”.

 

Và đại diện cho Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là bà Lê thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng, 1 lần nữa khẳng định về trách nhiệm trọng tài kiểm tra hàng trong nước và hàng nhập khẩu, chứng nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn không, cũng như “chịu trách nhiệm trước chính phủ về kết quả mình đưa ra” trước câu hỏi nghi ngờ về việc liệu kết quả này có thể nhầm lẫn như của viện Pastuer.
 

Về việc vì sao trong hồ sơ chất lượng sản phẩm của Pháp, tên gọi sản phẩm là Goat milk baby food còn trong hồ sơ chất lượng của Việt Nam là Danlait, TS Giang cho biết các cơ quan chức năng đã tuân thủ theo đúng quy trình ISO về việc thẩm định và chứng nhận tiêu chuẩn cho thực phẩm nhập khẩu. “Nếu báo chí nghi ngờ thì cứ đến Cục An toàn thực phẩm, chúng tôi sẵn sàng giải đáp”, TS Giang nhấn mạnh.

 

Công ty Mạnh Cầm: Nguồn gốc rõ ràng

 

Ông Đặng Quang Mạnh (giữa) và ông Herve Lanoe (ngoài cùng bên phải) (Ảnh: N.D)

Ông Đặng Quang Mạnh (giữa) và ông Herve Lanoe (ngoài cùng bên phải) (Ảnh: N.D)

 
Không chỉ khẳng định bằng văn bản của Tổng cục thực phẩm, Đại sứ quán Pháp, Tổng giám đốc ông Herve Lanoe, Chủ tịch của công ty FIT, đơn vị đặt hàng và xuất khẩu sản phẩm sữa dê cho công ty này đã xuất hiện tại buổi họp báo.

 

Trả lời cho sự nghi ngờ sữa dê dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi không được cấp phép sản xuất cũng như lưu hành tại Pháp và châu Âu, ông Herve khẳng định: “Cả hai sản phẩm sữa dê Danlait 1(dành cho trẻ 0-12 tháng tuổi), 2 (dành cho trẻ 6-18 tháng tuổi) đều có đầy đủ freesale tại Pháp và chắc chắn 100% về chất lượng như công bố”.

 

Về việc bên Pháp có khuyến khích tiêu thụ sữa dê dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi không, ông Herve Lanoe cho biết: “Bác sĩ Nhi không thể khuyến khích trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng sữa công thức nhưng hiện nay, với trẻ bị dị ứng sữa bò thì bác sĩ có thể khuyến cáo dùng sữa dê”.

 

Về quy định rằng chỉ có 3 nguồn protein cho trẻ dưới 12 tháng tuổi là protein sữa bò, protein đậu nành và protein thuỷ phân vẫn có hiệu lực, ông Herve cho rằng: “Đúng là nghị định đưa ra vào tháng 4/2006 liên quan đến việc không cho phép sản xuất sữa dê cho trẻ dưới 12 tháng tuổi từ sữa dê nhưng thông cáo mới nhất vào tháng 12/2012 đã cho phép sản xuất sữa công thức cho trẻ dưới 12 tuổi từ sữa dê. Và luật đôi khi rất chậm nhưng chắc chắn sẽ phải thay đổi (cho phép sản xuất sữa dê – PV)”.

 

Về vấn đề giá cả, ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc công ty Mạnh Cầm, cho rằng, thay vì đặt câu hỏi giá sữa Danlait có phải là 4 euro không nên hỏi giá sữa Danlait có quá cao so với thị trường Việt Nam. “Bởi thực tế là có loại sữa dê có cùng trọng lượng hộp với Danlait, giá đắt hơn Danlait tới 40% mà chưa chắc chất lượng đã tốt hơn”, ông Mạnh viện dẫn. Trong khi đó, ông Herve khẳng định: “Danlait chắc chắn không phải là 1 sản phẩm rẻ tiền”.

 

Người tiêu dùng: Vẫn sẽ kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm
 

Vợ chồng chị Cao Ngân Hà (Ảnh: Ngọc LĐ)

Vợ chồng chị Cao Ngân Hà (Ảnh: Ngọc LĐ)
 

Trong khi phía cơ quan chức năng, công ty Mạnh Cầm liên tục khẳng định nguồn gốc và chất lượng Danlait đúng như công bố thì chị Cao Ngân Hà, người tiêu dùng sản phẩm Danlait và đưa vụ việc này lên mạng, cùng một số cơ quan truyền thông lại quan tâm tới vấn đề thương mại (giá cả, tên gọi trước và sau khi nhập khẩu vào Việt Nam), thông tin quảng bá, tính hợp pháp của sản phẩm Danlait dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng như sự nhầm lẫn về kết quả kiểm nghiệm của viện Pasteur.

 

Việc phía công ty Mạnh Cầm thừa nhận website www.danlait.fr không thuộc sở hữu của công ty FIT (thuộc sở hữu của riêng ông Mạnh); thương hiệu Danlait là của công ty Mạnh Cầm (không phải là thương hiệu của công ty Pháp); Mạnh Cầm kiên quyết không thực hiện kiểm nghiệm chất lượng 1 lần nữa ở 1 cơ quan kiểm nghiệm thứ 3 ngoài Việt Nam (bởi Mạnh Cầm cho rằng sản phẩm đã kiểm nghiệm nhiều lần do các cơ quan chức năng Pháp và Việt thực hiện); sự nhầm lẫn “đáng ngờ” của viện Pasteur (thừa nhận là nhầm, tính sai và hứa kiểm nghiệm lại khi mẫu kiểm nghiệm không còn); cơ quan chức năng hoài nghi kết quả kiểm nghiệm do người tiêu dùng tự thực hiện…. là những lý do  khiến chị Cao Ngân Hà không tin vào kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Quốc gia và quyết tâm đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm ở 1 cơ quan kiểm nghiệm độc lập ở nước ngoài và 4 chỉ tiêu chị quan tâm là hàm lượng chì, protein, kali và natri.

 

Chị Hà cho biết không tin vào các viện kiểm nghiệm trong nước, không tin vào bên liên quan nào khi nhiều câu hỏi của chị chưa được trả lời thoả đáng và việc “nhầm lẫn” hoàn toàn có thể lặp lại. Do đó, chị Hà sẽ đưa sản phẩm Danlait đi kiểm nghiệm ở nước ngoài và đây sẽ là việc làm cuối cùng của chị cho dù kết quả có như thế nào.

 

Như vậy, từ việc nghi ngờ nguồn gốc sữa Danlait có phải xuất xứ từ Trung Quốc, câu chuyện niềm tin đã trở thành vấn đề chính của cuộc khủng hoảng kéo dài này khi các bên liên quan không công nhận kết quả của nhau cũng như nghi ngờ tính minh bạch của các đơn vị kiểm nghiệm ngay cả khi đó là đơn vị trọng tài.

 

Và trong khi chờ đợi sự trung thực thông tin của các công ty kinh doanh trong quảng bá, giới thiệu về sản phẩm, có lẽ cách tốt nhất là cơ quan chức năng phải có quy chế, chế tài minh bạch thông tin đối với các công ty tương tự để người tiêu dùng có thể phân biệt được sản phẩm sản xuất tại nước ngoài là sản phẩm thương hiệu Việt hay thương hiệu ngoại.

 

 Xin lỗi về sai nhãn mác phụ

 

Ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc công ty Mạnh Cầm đã chính thức xin lỗi người tiêu dùng do đã in thiếu thông tin trên nhãn mác.

 

Trước đó, tại buổi họp liên ngành đầu tháng 4, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cũng đã nêu ra 3 sai phạm của công ty Mạnh Cầm:  Thứ nhất về giấy chứng nhận hàng hóa. Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép cho sản phẩm “thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait dành cho trẻ” , tuy nhiên trong nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm các hộp sữa lưu thông trên thị trường, công ty này không ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung” mà lại ghi mỗi từ “sữa dê”. Thứ hai, nhãn gốc của hàng hóa này là “sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait”, trong khi đó, Mạnh Cầm chỉ ghi là “sữa dê Danlait”, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Thứ 3, nhãn phụ không ghi dòng ghi chú: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ” trên nhãn phụ theo quy định trong Nghị định số 21/NĐ-CP (năm 2006) của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.

 
Trần Phương