Độ đạm trong sữa dê Danlait chỉ là 4%?

(Dân trí) - Ngay sau khi Cục An toàn thực phẩm yêu cầu đính chính hàm lượng Kali ghi nhầm trên giấy tờ của sản phẩm sữa dê Danlait, những hình ảnh sốc về kết quả kiểm nghiệm độ đạm, Kali, Natri của sản phẩm này cũng được truyền đi chóng mặt trên facebook.

Đạm trong sữa Danlait chỉ tương đương thức ăn gia súc!

 

Khoảng 10h sáng ngày 5/4, nick Hà Galaxie (tức chị Cao Ngân Hà, người tự nhận là trực tiếp đứng ra đứng ra chiến đấu với sản phẩm sữa dê đội lốt Pháp mang tên Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm) đã đăng tải trên facebook đầy đủ hình ảnh cùng những phân tích về kết quả in trên tờ phiếu kiểm nghiệm sữa dê Danlait 1 đã được thực hiện tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Theo đó, kết quả của phiếu kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng đạm chỉ đạt 4,13% (thông tin trên hộp sữa là 17,5%), hàm lượng Natri là 1606,2mg/l (cao gấp 4,2 lần so với tiêu chuẩn CODEX - Uỷ ban Kỹ thuật quốc tế) và Kali là 3553,7mg/l (cao gấp 2,9 lần so với tiêu chuẩn CODEX).

 
Những hình ảnh được truyền đi trên mạng xã hội

Những hình ảnh được truyền đi trên mạng xã hội
 
Chị Hà kêu gọi các ông bố bà mẹ không cho con sử dụng loại sữa cho trẻ sơ sinh có hàm lượng protein ngang thức ăn gia súc này và khẳng định sẽ không dừng mọi việc ở đây, sẽ tiếp tục đưa sữa Danlait đi kiểm nghiệm tại 7 địa điểm khác nhau tại Việt Nam và 1 địa điểm ở nước ngoài để có được kết quả công bằng nhất.

 

Còn anh Mai Chí Trung, 1 thành viên tích cực của diễn đàn Chung tay chia sẻ về sự dối trá của sữa dê Danlait thì cho biết, việc đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm này chỉ nhằm 1 mục đích hối thúc các cơ quan chức năng thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm này bởi nếu không, nhóm đã công bố kết quả này từ ngày 14/3 (thời điểm viện Pasteur trả kết quả) chứ không phải bây giờ.

 

Cho đến nay, thông tin này đã có gần 7.000 người chia sẻ trên mạng xã hội với khoảng gần 600 phản hồi ủng hộ như nick Hoang Hai Bang: “Rất ủng hộ bạn Cao Ngân Hà, hãy tiếp tục vạch mặt bọn bất lương đến cùng” cũng như đặt ra nghi vấn: “Thế này thì tất cả các loại sữa khác thì sao? Chưa có mẹ nào đứng ra phanh phui. Hiểm quá” của nick Linh Myty….

 

Cơ quan chức năng nói gì?

 

Trao đổi qua điện thoại, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, khẳng định: “Kết quả kiểm nghiệm này là sai và không có giá trị pháp lý”.

 

Ông Trung giải thích kết quả này sai vì phương pháp xét nghiệm sai. Cụ thể, kết quả độ đạm sữa 4,13% trong phiếu kiểm nghiệm là được thực hiện theo phương pháp TCVN 3705: 90 - đây là phương pháp thử nghiệm thuỷ sản chứ không phải cho sữa. Và phương pháp đúng phải là TCVN 5537:91.

 

Về giá trị của kết quả kiểm nghiệm này, ông Trung cho rằng có thể thấy điều này ngay trên dòng Ghi chú của phiếu kết quả kiểm nghiệm. Đó là kết quả chỉ có giá trị trên mẫu gửi thử nghiệm, tức là hoàn toàn không mang tính đại diện, không đánh giá đúng chất lượng cho cả lô sản phẩm.

 

Ông cũng cho biết đã từng có trường hợp người tiêu dùng mang 1 chai nước khoáng đã phơi nắng cả ngày đi kiểm nghiệm và 1 lỗ rất nhỏ trên sản phẩm không thể nhìn thấy bằng mắt thường đã được tạo ra trong quá trình này khiến kết quả kiểm nghiệm sai lệch hoàn toàn - nước nhiễm khuẩn… Như vậy, để có kết quả kiểm nghiệm mang tính pháp lý, việc lấy mẫu sản phẩm phải do cơ quan có thẩm quyền, cơ quan trọng tài đứng ra thực hiện.

 

Cục quản lý thị trường “giấu” kết quả kiểm nghiệm?

 

Trước câu hỏi: Cục An toàn thực phẩm có thực hiện kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm sữa dê Danlait hay không? Ông Trung khẳng định là không thực hiện vì việc này Cục Quản lý thị trường đã làm rồi.

 

Ông cũng cho biết trên thực tế, ông đã được Cục Quản lý thị trường thông báo về kết quả kiểm nghiệm là hoàn toàn không có vấn đề gì.

 

Một nguồn tin cho biết, kết quả kiểm nghiệm này đã có từ cách đây khoảng 3 tuần. Câu hỏi đặt ra là vì lý do gì mà Cục Quản lý thị trường đến nay vẫn chưa công bố kết quả kiểm nghiệm cũng như kết luận cuối cùng về 1 vụ việc đang rất được dư luận quan tâm này?

 

Tiếp theo: Viện Pasteur TPHCM và Cục quản lý thị trường nói gì?

 

 Dù tên gọi nào cũng phải kê khai giá!

 

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Trung trước 1 số dư luận và thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông về việc các hãng sữa đổi tên sản phẩm từ sữa thành thực phẩm bổ sung, thức ăn công thức dinh dưỡng… để nhằm tránh phải kê khai giá và khái niệm sữa của Bộ Tài Chính là dựa trên độ béo chứ không phải độ đạm.

 

Trên thực tế, việc đổi tên sản phẩm đã được thực hiện từ ngày 1/1/2011 (khi bắt đầu có quy chuẩn về sữa bột) chứ không phải bắt đầu từ đầu năm 2013 này. Và mọi tên gọi, dù là thực phẩm bổ sung, thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm công thức dinh dưỡng… cũng đều là thực phẩm bổ sung, do Bộ Y tế quản lý vì liên quan với sức khoẻ.

 
Trần Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm