Vụ hơn 15 học sinh nghi ngộ độc ở TPHCM: Sushi lấy từ 1 nguồn?
(Dân trí) - Theo bác sĩ, qua điều tra ban đầu từ cơ quan chức năng, dù sushi cơm cuộn mà các học sinh đã ăn bán ở nhiều khu vực khác nhau nhưng được lấy từ một nguồn làm.
Trưa 3/5, đại diện Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã thông tin thêm về tình hình sức khỏe các bệnh nhân trong vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hàng loạt mà nơi này đang điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, từ sáng 2/5, nơi này đã tiếp nhận một số học sinh có các triệu chứng như ói nhiều và liên tục, mệt, đau bụng, đi tiêu lỏng, sốt nhẹ.
Khi được bác sĩ hỏi bệnh, các bé cho biết trước khi nhập viện ít giờ có sử dụng thức ăn bán ở cổng trường, như sushi cơm cuộn, bánh mì…
Tổng cộng, có 15 bệnh nhân đến từ 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức nhập viện. Theo bác sĩ, qua điều tra ban đầu từ cơ quan chức năng, dù món cơm cuộn trẻ đã ăn bán ở nhiều khu vực khác nhau, nhưng đều lấy từ một nguồn làm.
Sau thời gian được chăm sóc và theo dõi tích cực, truyền dịch, dùng kháng sinh, sức khỏe các bệnh nhi hiện đã ổn, tươi tỉnh hơn, ăn được, không sốt, hết ói và đau bụng, một vài trường hợp còn đi tiêu lỏng.
Đến trưa 3/5, theo cập nhật mới nhất, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tiếp nhận thêm một nam sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi nghi ngộ độc thực phẩm có liên quan đến chùm ca bệnh nêu trên.
Theo lời kể của mẹ cháu bé, con chị ăn món sushi cơm cuộn với nhân có trứng, xúc xích từ 6h15 trước cổng trường, đến 7h30 cùng ngày đã xuất hiện triệu chứng sức khỏe bất thường.
"Nhận thông tin nhiều trẻ phải nhập viện sau khi ăn sushi, tôi khá hoảng. Thỉnh thoảng tôi cũng mua món này cho cháu ăn và lâu nay không bị vấn đề gì cả. Bé đã ăn ở chỗ bán trước cổng trường 5 lần", người mẹ kể.
Một phụ huynh khác có con trai học trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi cho biết, hôm qua (2/5) bé M.H. có ăn sáng bằng món sushi cơm cuộn trước cổng trường, bán với giá 20.000 đồng/phần. Đến 9h cùng ngày, nam sinh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói.
Khi mẹ bé H. chạy đến trường thì thấy trẻ đã rất mệt, ngồi xe không vững nên lập tức đưa con đến bệnh viện. Lúc này, người phụ nữ phát hiện có nhiều trường hợp khác cũng bị giống con mình.
Cũng trong sáng 3/5, phía Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hỗ trợ Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong việc hội chẩn và lên kế hoạch chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Cơ quan chức năng vẫn đang tích cực điều tra, truy tìm nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Bác sĩ Trâm chia sẻ, nhiệt độ cao hiện nay tại TPHCM là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi trùng phát triển, nên các thực phẩm để ngoài trời lâu sẽ có nguy cơ hư hỏng và gây ngộ độc khi ăn phải.
Do đó, vấn đề lựa chọn thực phẩm trong mùa hè nắng nóng rất quan trọng. Người dân lẫn người kinh doanh, các cơ sở chế biến thức ăn cần mua nguồn thực phẩm tươi sống, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Khi chế biến, thực phẩm cần được rửa sạch, nên ăn chín uống sôi. Nếu thức ăn có mùi vị lạ phải ngừng sử dụng.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, như các triệu chứng ói nhiều, mệt đừ, phụ huynh cần đưa con em vào cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp. Trường hợp bé vẫn tươi tỉnh, ăn uống được thì có thể theo dõi tại nhà. Trong vòng vài giờ đồng hồ tự theo dõi, nếu thấy trẻ vẫn mệt và có dấu hiệu nặng hơn thì nên đi bệnh viện.
Trước đó như Dân trí thông tin, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã có báo cáo nhanh gửi Trung tâm y tế TP Thủ Đức, Sở Y tế TPHCM, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM về việc đang tiếp nhận điều trị hàng loạt trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, tính đến cuối ngày 2/5, có 15 học sinh thuộc 4 trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông, Nguyễn Văn Trỗi và học Lương Thế Vinh nhập viện. Các học sinh trong nhóm 7-11 tuổi, được chẩn đoán ban đầu là nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Đáng chú ý, khi bác sĩ khai thác dịch tễ để truy tìm nguyên nhân gây bệnh, có 10 em học sinh cho biết xuất hiện triệu chứng ói sau khi ăn sushi, một trường hợp bị chóng mặt và buồn nôn sau ăn bánh mì trước cổng trường.