Vẫn căng thẳng vắc xin dịch vụ!
(Dân trí) - Bộ Y tế cho biết trong năm 2015 chắc chắn vẫn diễn ra tình trạng căng thẳng vắc xin dịch vụ. Hiện Bộ Y tế đang tính đến phương án thu gọn điểm tiêm dịch vụ nếu số lượng vắc xin nhập về quá thấp với nhu cầu.
PGS.TS Trần Đắc Phu (ảnh trên), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Thưa ông, trong năm 2014 tại khu vực tiêm chủng dịch vụ đã tái diễn liên tiếp tình trạng “cháy” vắc xin, khiến trẻ phải chờ đợi rất nhiều tháng mới được tiêm. Trong năm 2015 tình trạng này sẽ như hế nào, thưa ông?
Khác với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) luôn được cung ứng đủ dựa vào số trẻ được sinh ra hàng năm, vắc xin dịch vụ là nhu cầu tự phát của người dân, nên các đơn vị tiêm dịch vụ phải dự tính nhu cầu này để đặt vắc xin. Nếu cung không đủ cầu sẽ dẫn đến tình trạng “cháy” vắc xin.
Bộ Y tế đang yêu cầu các công ty báo cáo về số lượng vắc xin dịch vụ có thể có trong năm 2015 và kế hoạch 2016 từ đó có hướng chỉ đạo với công tác tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, tình hình cung ứng rất khó khăn, do nhà sản xuất không cung ứng đủ.
Cụ thể tình hình cung cứng nhiều vắc xin dịch vụ như 6 trong 1, 5 trong 1, thủy đậu, hay vắc xin dại... năm nay rất khó khăn. Ví dụ, theo báo cáo bước đầu trong năm nay chỉ có khoảng 30.000 liều vắc xin 6 trong 1. Nguyên nhân từ phía bản thân nhà sản xuất, thay đổi công nghệ, nhu cầu tăng lên... nên dù có đặt hàng vẫn không được đáp ứng đủ.
Trước nguy cơ này, Bộ Y tế tính đến phương án như thế nào để không còn xảy ra tình trạng “sốt” vắc xin dịch vụ, đặc biệt là tránh tình trạng đợi vắc xin dịch vụ và xảy ra nguy cơ dịch bệnh với trẻ, thưa ông?
Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các công ty báo cáo kế hoạch 2015 lộ trình cung cấp đến 2016 như thế nào để đưa ra chỉ đạo. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh phải căn cứ vào số lượng vắc xin nhập vào để cung cấp cho một số điểm tiêm nhất định, rút gọn điểm tiêm dịch vụ chứ không thể cung cấp tràn lan cho tất cả các điểm tiêm dịch vụ. Vì nếu cung cấp tràn lan cho nhiều điểm rất nguy hiểm, trẻ tiêm được mũi 1 nhưng mũi 2,3 lại không có, trẻ lại đợi tiêm dẫn đến tình cảnh như thời gian qua. Các điểm tiêm dịch vụ cũng phải tuyên truyền để bà mẹ đưa con đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch.
Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng “sốt” vắc xin dịch vụ trong thời gian qua và ông có khuyến cáo gì với người dân về vấn đề này, thưa ông?
Tôi cho rằng, người dân cần phải thay đổi nhận thức giữa tiêm dịch vụ và mở rộng. Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tổ chức tiêm đầy đủ trong tháng, đảm bảo số lượng theo nhu cầu và an toàn. Tính an toàn này đã được chứng minh bằng kiểm nghiệm lâm sàng, trên thực tế tiêm chủng. Tại Việt Nam hiện đến hơn 90% trẻ được tiêm các vắc xin trong chương trình TCMR.
Đặc biệt qua một số vụ dịch sởi, ho gà hay một số bệnh truyền nhiễm thời gian qua, qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt thời gian gần đây có nhiều trẻ mắc bệnh sớm như bệnh ho gà ở trẻ 2-4 tháng tuổi, bệnh sởi khi trẻ trong khoảng thời gian 9 tháng -12 tháng tuổi (trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi –rubella nhưng lại không được tiêm vắc xin sởi khi trẻ đến 9 tháng tuổi). Vì thế, khi mà nguồn vắc xin dịch vụ chưa đảm bảo, việc chờ đợi tiêm rất nguy hiểm, trẻ có thể bị mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này.
Năm 2014, khi tôi đến bệnh viện, trực tiếp hỏi các bà mẹ có con 10 tháng mắc sởi, các bà mẹ đã vô cùng hối lỗi vì quyết định sai, con đến tuổi tiêm sởi nhưng lại chờ tròn 1 tuổi để tiêm vắc xin dịch vụ. Vậy làchưa đến thời điểm tiêm, con đã mắc sởi nguy kịch.
Với tiêm chủng phòng bệnh, hiệu quả nhất là cho trẻ đi tiêm đúng lịch. Để phòng bệnh cho trẻ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các bà mẹ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, gữi ấm cho trẻ đúng cách để trẻ không bị ốm tránh bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch. Đặc biệt thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ phòng bệnh theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, trẻ em cần phải được tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với trẻ hoãn tiêm cần liên hệ với cán bộ y tế xã, phường để được tiêm bù ngay trong thời gian sớm nhất có thể. Đặc biệt để phòng bệnh ho gà trẻ cần được tiêm vắc xin lúc 2 tháng tuổi, phòng bệnh sởi trẻ cần được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1 lúc 9 tháng tuổi.
Việc tiêm vắc xin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Hồng Hải (ghi)