1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem miễn phí tại điểm tiêm dịch vụ

(Dân trí) - Ngay trong ngày 10/3, Hà Nội đã triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại các điểm tiêm dịch vụ. Tính đến hết ngày đã có 50 trẻ đầu tiên được tiên vắc xin này tại điểm tiêm dịch vụ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.

Nhiều người đồng ý tiêm Quinvaxem

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng, Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế chiều 9/3, Hà Nội đã bắt tay vào chuẩn bị vắc xin, nhân lực để ngay ngày 10/3 bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin thay thế tại Trung tâm.

“Tại Trung tâm, chúng tôi đã đặt bảng thông báo và triển khai tiêm miễn phí vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại điểm tiêm 70 Nguyễn Chí Thanh để người dân có nhu cầu có thể tiêm. Hay với người dân, khi hỏi cán bộ tiêm chủng về vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 thì cũng được nhân viên y tế giới thiệu tiêm vắc xin Quinvaxem. Chỉ riêng trong buổi sáng đã có 50 trẻ được tiêm Quinvaxem”, TS Cảm cho biết.

Với quyết định cung cấp vắc xin miễn phí ngay tại điểm tiêm chủng dịch vụ, 
Với quyết định cung cấp vắc xin miễn phí ngay tại điểm tiêm chủng dịch vụ, Bộ Y tế hi vọng sẽ hạn chế được tình trạng xếp hàng chờ do khan hiếm vắc xin dịch vụ thời gian qua. Ảnh: H.Hải

Theo đó, ngày 10/3, tại điểm tiêm chủng dịch vụ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, lượng người dân đưa con đến tiêm các loại vắc xin dịch vụ vẫn diễn ra bình thường. Phần lớn các ca được tiêm chủng vắc xin Quinvaxem hôm nay đều “bất ngờ” khi được cán bộ y tế thuyết phục và đồng ý tiêm chủng, dù họ chủ đích đưa con đến tiêm một loại vắc xin khác.

“Có bé thì đến tiêm vắc xin cúm, uống vắc xin ngừa Rota vi rút, khi xem sổ, thấy trẻ qua hẹn tiêm vắc xin 5 trong 1 (6 trong 1) đến vài tháng nên chúng tôi chủ động giới thiệu, tại điểm tiêm chủng cung cấp vắc xin Quinvaxem có tác dụng tương đương vắc xin trẻ được tiêm dịch vụ. Lúc đầu các mẹ còn ngần ngừ, nhưng khi nghe bác sĩ nói thì đồng ý và thực hiện rất nghiêm túc việc khai thông tin của bé, khám sàng lọc và chờ tại điểm tiêm 30 phút sau tiêm chủng”, một cán bộ y tế cho biết.

10 tháng tuổi nhưng bé Nguyễn Ngọc Quyết (Trương Định, Hà Nội) vẫn chưa hoàn thành mũi tiêm nhắc thứ 3 vắc xin tổng hợp 6 trong 1. “Có thời điểm có vắc xin thì con ốm, lúc con khỏe thì “canh” mãi vẫn trượt. Hôm nay tôi đưa con đến tiêm vắc xin phòng cúm, cũng tranh thủ hỏi vắc xin của con nhưng bác sĩ nói không có và rất bị động, không biết bao giờ vắc xin mới về. Rồi bác sĩ nói tại đây cũng tiêm loại vắc xin có hiệu quả tương đương là Quinvaxem của Hàn Quốc được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí và con tôi chỉ cần uống thêm vắc xin bại liệt. Cũng băn khoăn lắm, nhưng bác sĩ khám sức khỏe bé nói sức khỏe bé tốt, không có tiền sử dị ứng, trẻ có thể tiêm vì hiệu quả tương đương, chỉ có điều con sẽ hơi sốt hơn so với vắc xin bé đã được tiêm. Rồi bác sĩ hướng dẫn theo dõi con, xử lý khi con sốt, đau nên tôi quyết định tiêm cho bé”, mẹ bé Quyết cho biết.

Chị cũng thành thật, đây là đứa con thứ 2 của chị mới bắt đầu tiêm vắc xin dịch vụ. Còn chị của bé năm nay 10 tuổi, trước đó còn không có Quinvaxem phải tiêm vắc xin 3 trong 1 bạch hầu - ho gà - uốn ván. Sáng tiêm, tầm 12 giờ trưa là bắt đầu sốt đùng đùng, quấy khóc, phải bế dong trên tay mà vẫn không yên, bú cũng rất ít nhưng sau một liều hạ sốt tầm 3 - 4 giờ chiều bắt đầu bé dễ chịu hơn. Thế mà bé vẫn xong đầy đủ các mũi tiêm nhắc, giờ có điều kiện hơn tôi mới cho con tiêm dịch vụ.

Cùng con gái đưa đứa cháu 4 tháng tuổi đi tiêm vắc xin viêm gan B và vắc xin ngừa rota vi rút lần 2, bà Hiền (Đê La Thành, Hà Nội) cho biết, khi bác sĩ tư vấn  cho bé tiêm Quinvaxem đúng lịch để phòng ho gà, tôi cũng khuyên con cho cháu tiêm.

“Tôi sinh 5 đứa con, chỉ có 2 đứa ở Hà Nội là vất vả gọi điện, xếp hàng tìm vắc xin dịch vụ. Chứ 6 đứa cháu nội ngoại ở quê (đứa bé nhất giờ 5 tháng tuổi) cứ mùng 5 hàng tháng, khi loa phát thanh thông báo là bố mẹ cho con ra tiêm. Trẻ con tiêm vắc xin vào đứa nào chẳng quấy khóc, hơi hâm hấp sốt nhưng đứa nào cũng được tiêm vắc xin. Mới nhất hôm mùng 5/3 vừa rồi cháu nội được tiêm mũi Quinvaxem đầu tiên, gọi về mẹ nó nói bé chỉ hâm hấp 38,3 độ, còn chẳng dùng thuốc hạ sốt, sau gần một ngày cũng hết”.

“Nghe bác sĩ khuyên, rồi không biết bao giờ vắc xin của Pháp, Bỉ mới về, bản thân cũng có các cháu đã từng tiêm nên tôi cũng đồng ý cho con tiêm. Thực sự, chỉ ngại nhất con sốt, đau nhưng bác sĩ đã hướng dẫn theo dõi con nên cũng tin tưởng bác sĩ”, chị Thủy (Đội Cấn) nói.

TS Nguyễn Nhật Cảm cho biết, điều các mẹ băn khoăn nhất ngoài lo sợ các phản ứng phụ sau tiêm như sốt, quấy khóc... thì đều lo lắng đang tiêm vắc xin dịch vụ chuyển sang vắc xin khác có hiệu quả không. TS Cảm khẳng định vắc xin vẫn hiệu quả như bình thường.

“Cá nhân tôi thấy việc sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiêm thay thế vắc xin dịch vụ là hợp lý, cần thiết, tránh tình trạng trẻ bị lỡ mũi tiêm, tiêm không được đúng lịch. Cha mẹ có thể thực hiện mũi tiêm này ngay tại phường. Trước đây Hà Nội chỉ triển khai tiêm miễn phí trong 1 ngày nhưng hiện nay tổ chức thành tuần. Dù tiêm ở đâu chất lượng vắc xin đều đảm bảo, trẻ đều được khám sàng lọc kỹ trước tiêm”, TS Cảm nói.

Số lượng vắc xin dịch vụ chỉ bằng 8% Quinvaxem

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 10/3, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong năm 2015 nhà sản xuất chỉ cung cấp tổng khoảng 300 nghìn liều vắc xin dịch vụ 6 trong 1 Infanrix Hexa và 5 trong 1 Pentaxim.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, số trẻ được tiêm vắc xin 5 (6) trong 1 dịch vụ 
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, số trẻ được tiêm vắc xin 5 (6) trong 1 dịch vụ chỉ chiếm 8% so với số trẻ sử dụng Quinvaxem trong chương trình TCMR. Ảnh: H.Hải

“Mỗi trẻ tiêm 3 liều thì số vắc xin này chỉ đủ nhu cầu cho 100 nghìn trẻ, một số lượng vô cùng nhỏ so với lượng trẻ em phải tiêm chủng hiện nay. Một năm Việt Nam có 1,6 triệu trẻ ra đời. Tỉ lệ tiêm của Việt Nam đạt trên 95%, tổng số lượng tiêm là 4,5 triệu trẻ tiêm liều Quinvaxem”, TS Phu cho biết.

Điều này cho thấy, cơ bản trẻ em tiêm vắc xin TCMR, trong đó có Quinvaxem, chỉ có Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số thành phố khác có một bộ phận tiêm dịch vụ nhưng rất ít như đã nói ở trên. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014, số trẻ tiêm vắc xin 6 trong 1(Infanrix Hexa) và 5 trong 1 (Pentaxim) chỉ bằng 8% so với vắc xin Quinvaxem trong TCMR.

“Vắc xin Quinvaxem đã được Tổ chức Y tế thế giới kiểm định là an toàn. Minh chứng trong thực tế, mỗi năm 1,6 triệu trẻ em Việt Nam được tiêm vắc xin trong TCMR, trong đó có Quinvaxem, có sởi, tỉ lệ phản ứng là rất thấp. So với 100 nghìn trẻ sử dụng vắc xin dịch vụ thì con số này quá khiêm tốn. Tôi dám khẳng định, vắc xin Quinvaxem hiệu quả, an toàn tương đương vắc xin dịch vụ. Phản ứng tại chỗ như đau, quấy khóc, sốt là nhiều hơn so với vắc xin dịch vụ, nhưng phản ứng nặng là tương đương, hiệu quả phòng bệnh là tương đương và đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, khẳng định. Đến nay vắc xin này đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều”, TS Phu nói.

“Việc quyết định tổ chức tiêm vắc xin trong chương trình TCMR tại các điểm tiêm dịch vụ là một quyết định mạnh mẽ của Bộ Y tế. Điều này có thể khiến các điểm tiêm chủng dịch vụ vất vả hơn nhưng chủ trương này Bộ Y tế đưa ra để đảm bảo quyền lợi của trẻ em, mọi trẻ em đều được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch mới mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất”.

Hồng Hải