Ung thư túi mật khó điều trị: Nhận biết sớm như thế nào?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư túi mật hiếm gặp nhưng điều trị khó do lan rộng, nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là vào gan làm cho việc cắt bỏ vô cùng khó khăn.

Ung thư túi mật có những giai đoạn nào?

Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, ung thư túi mật là ung thư xuất phát từ các tế bào ở túi mật. Túi mật là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa, nằm ở ổ bụng bên phải, ngay dưới gan. Đây là nơi lưu trữ và điều tiết dịch mật để tiêu hóa chất béo.

Ung thư túi mật có khá nhiều dạng khác nhau tùy thuộc vào các tế bào bị ảnh hưởng. 85% số bệnh nhân ung thư túi mật là do sự nhân lên bất thường của các tế bào tuyến trong niêm mạc túi mật (ung thư tế bào tuyến - adenocarcinoma). 15% còn lại bắt đầu từ các dạng tế bào khác nhau như: tế bào vảy hình thành lớp niêm mạc túi mật (ung thư tế bào vảy), tế bào cơ túi mật (ung thư mô liên kết - sarcoma)…

Đây là một loại ung thư hiếm gặp nhưng điều trị khó do ung thư lan rộng, nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là vào gan làm cho việc cắt bỏ vô cùng khó khăn.

Ung thư túi mật khó điều trị: Nhận biết sớm như thế nào? - 1

Dựa vào tính chất của khối u cùng mức độ ảnh hưởng đến các vùng cơ quan khác mà có thể chia ung thư túi mật thành 5 giai đoạn chính như sau:

- Giai đoạn 1: Những khối u chỉ hình thành và tập trung ở túi mật, không ảnh hưởng đến các vùng hoặc các cơ quan khác.

- Giai đoạn 2: Khối u bắt đầu phát triển và có dấu hiệu xâm lấn tới các lớp mô liên kết lân cận nhưng chưa gây di căn.

- Giai đoạn 3: Các khối u dần có hiện tượng phát triển mạnh hơn và lấn ra bên ngoài túi mật. Điều này gây ra những ảnh hưởng gián tiếp tới các vùng cơ quan khác nhưng chưa gây ra di căn hạch, di căn xa.

- Giai đoạn 4: Bắt đầu phát triển thành các khối di căn hạch ở một số vùng lân cận nhưng chưa gây ảnh hưởng trực tiếp tới động - tĩnh mạch. Chưa xuất hiện di căn xa.

- Giai đoạn 5: Xuất hiện hiện tượng xâm lấn các nhóm động mạch và tĩnh mạch gần khu vực túi mật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan khác và tới cả hệ thần kinh.

Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư túi mật

Ung thư túi mật khó điều trị: Nhận biết sớm như thế nào? - 2

Nguyên nhân ung thư túi mật hiện nay chưa được biết rõ. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

Sỏi mật: Sỏi mật là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư túi mật. Sỏi mật cũng là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp nhất ở Mỹ và 75-90% bệnh nhân ung thư túi mật có tiền sử sỏi mật. 

Polyp túi mật: Các polyp túi mật lớn hơn 1cm được khuyến cáo cắt bỏ bởi vì có khả năng cao tiến triển thành ung thư.

- Tuổi: Đa số bệnh nhân ung thư túi mật được chẩn đoán lớn hơn 70 tuổi

- Giới tính: Ung thư túi mật xảy ra ở nữ gấp 2 lần ở nam

- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường mật.

- Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư túi mật là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Triệu chứng cảnh báo ung thư túi mật

Ung thư túi mật khó điều trị: Nhận biết sớm như thế nào? - 3

Dấu hiệu ung thư túi mật thường gặp bao gồm:

- Đau bụng: Đau thường bắt đầu từ vùng hạ sườn phải sau lan ra khắp bụng.

- Chướng bụng: Bụng chướng do dịch.

- Sốt.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Giảm > 10% trọng lượng cơ thể mà không rõ nguyên nhân.

- Nôn, buồn nôn: Có thể nôn ra dịch mật màu vàng, vị đắng.

- Vàng da và củng mạc mắt vàng.

- Bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối ở vùng bụng phải.

Ngoài ra khi ung thư túi mật di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể sẽ có các biểu hiện tại cơ quan đó:

- Di căn phổi: Khó thở, ho ra máu, tràn dịch màng phổi…

- Gan: Đau hạ sườn phải, vàng da, …

- Xương: Đau xương, gãy xương bệnh lý

- Não: Đau đầu, rối loạn ý thức, động kinh, liệt..

Chẩn đoán ung thư túi mật như thế nào?

Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay nhờ phương tiện siêu âm, chụp cắt lớp tỉ trọng, chụp đường mật ngược và đặc biệt với sự phổ biến của phẫu thuật nội soi, ngày càng có nhiều báo cáo về ung thư mà trước đó hoàn toàn không có dấu hiệu nào nghi ngờ trước và trong khi mổ.

Dưới đây là những phương pháp giúp chẩn đoán ung thư túi mật:

Siêu âm: Giúp chẩn đoán trong khoảng 70% trường hợp với các biểu hiện sau: dày thành túi mật, khối u trong túi mật kèm túi mật to với cấu trúc tăng âm hoặc hỗn hợp, đôi khi thấy được hình ảnh sỏi với bóng lưng.

CT scanner bụng giúp cho việc chẩn đoán với hình ảnh khối u ở vùng túi mật với bờ không đều hoặc hình ảnh di căn vào gan.

Ngoài ra, siêu âm và CT scanner còn giúp hướng dẫn chọc kim sinh thiết khối u giúp chẩn đoán tế bào học.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiến hành siêu âm nội soi, độ nhạy của kỹ thuật này cao hơn hẳn siêu âm thông thường. Kỹ thuật này cũng giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán sự lan rộng của ung thư, đặc biệt là phát hiện các hạch di căn quanh tế bào gan hoặc di căn vào đường dẫn mật chính.

- Ở giai đoạn đầu của bệnh: Có thể được chỉ định tiến hành phẫu thuật nhằm cắt bỏ túi mật. Trường hợp nếu ung thư đã lan rộng thì cần phải cắt cả một phần của gan.

- Ở giai đoạn muộn của bệnh: Thực hiện hóa trị, bức xạ trị liệu hoặc các thủ tục làm giảm tắc đường mật.