Tuần qua: TPHCM là điểm nóng nhất nước về Covid-19, "nước rút" tiêm vắc xin
(Dân trí) - Số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch mới đã vượt mốc 11.000 ca, TPHCM trở thành điểm nóng nhất cả nước. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin đang được triển khai "nước rút" để chạy đua với diễn biến dịch.
TPHCM ghi nhận tới 667 ca dương tính chỉ trong 24h
Số bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch mới ở nước ta đã vượt mốc 11.000 ca. Trong khi tình hình dịch tại Bắc Giang đang có dấu hiệu hạ nhiệt, thì TPHCM lại trở thành điểm nóng nhất cả nước khi nhiều ngày liên tiếp đều có hơn 100 bệnh nhân Covid-19 mới.
Đặc biệt, chỉ trong vòng 24h, từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, địa phương này đã ghi nhận tới 667 ca dương tính SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Bình Dương, Long An, Đà Nẵng cũng là những địa phương có dịch diễn biến phức tạp.
Chiến dịch tiêm chủng "thần tốc" tại TPHCM
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại TPHCM đang chạy đua cùng diễn biến của dịch bệnh.
Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, từ ngày 21/6, thành phố này chính thức bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 đại trà toàn dân. Với mục tiêu thần tốc tiêm hết 836.000 liều cho người dân trên địa bàn chỉ trong vòng 5 ngày, TPHCM đã thiết lập khoảng 1.000 điểm tiêm chủng.
Nhà thi đấu Phú Thọ là điểm tiêm lớn nhất TPHCM trong chiến dịch tiêm chủng lịch sử. Khu vực tiêm được chia thành 45 đội, bố trí người dân đi theo sơ đồ một chiều để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Chỉ trong một ngày, đã có khoảng 8.000 người là dân cư ở các quận trung tâm, người lao động, công nhân viên chức của thành phố được tiêm chủng tại điểm tiêm này.
Hà Nội: Dự kiến 200.000 người có thể được tiêm vắc xin mỗi ngày
Hà Nội đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, dự kiến sẽ vào nửa cuối tháng 7. CDC Hà Nội nhận định, chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lần này rất lớn với mục tiêu tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, cao điểm đạt 200.000 mũi tiêm/ngày trên toàn thành phố.
Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vắc xin sản xuất trong nước
Chiều 24/6, tới thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế, Thủ tướng Chính phủ khẳng định quyết tâm cao nhất trong chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vắc xin sản xuất trong nước.
Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm "vốn mồi" cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19.
Vắc xin Covid-19 Việt Nam dự kiến có giá rẻ nhất thế giới
Nanocovax của Công ty Nanogen là vắc xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Trong giai đoạn này, vắc xin sẽ được thử nghiệm trên 13.000 tình nguyện viên. Hiện tại, 1.000 tình nguyện viên đã hoàn thành mũi tiêm thứ nhất.
Dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nanocovax đạt 99,4%. So sánh với các loại vắc xin khác trên thế giới là không hề thua kém. Dù vậy, giá bán dự kiến hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.
Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, đến tháng 12 năm nay, Nanogen dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều và vào năm 2022 là 100 triệu liều vắc xin.
Bộ Tài chính: Gần đủ tiền tiêm vắc xin Covid-19 cho 75 triệu dân
Trong cuộc họp ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, được sự ủng hộ của UB Thường vụ Quốc hội, ngân sách có 14.000 tỷ đồng được bố trí vào dự toán để tiêm vắc xin. Quỹ vắc xin hiện có khoảng 8.000 tỷ đồng, tổng cộng là 22.000 tỷ, nghĩa là gần đủ để tiêm cho 75 triệu dân mỗi người 2 mũi.
Nhật Bản viện trợ thêm cho Việt Nam một triệu liều vắc xin Covid-19
Sáng 25/6, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu thông báo, nước này tiếp tục viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thêm một triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Đây là vắc xin của hãng AstraZeneca.
Trước đó, ngày 16/6, lô vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên do Chính phủ Nhật hỗ trợ Việt Nam đã về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Số vắc xin này được chủ yếu phân bổ cho TPHCM.