Từ vụ pate Minh Chay: Nhận biết và phòng tránh ngộ độc botulinum thế nào?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, độc tố botulinum tìm thấy trong pate Minh Chay có thể gây chết người chỉ với vài chục nanogam. Đáng nói, botulinum có thể xuất hiện ở bất kỳ loại thực phẩm đóng hộp nào.
Ngộ độc botulinum: Nguy cơ ở mọi thực phẩm đóng hộp
Nhìn từ vụ nhiều bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc botulinum, sau khi ăn pate Minh Chay, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, nguy cơ không chỉ dừng lại ở các sản phẩm chay.
Chuyên gia này phân tích rằng, vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra chất độc botulinum là vi khuẩn kị khí. Do đó, bất kỳ thực phẩm nào dưới dạng đóng kín, cũng có thể là môi trường cho vi khuẩn Clostridium botulinum phát triển.
“Nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium botulinum có liên quan trực tiếp đến khâu chuẩn bị, chế biến, đóng gói sản phẩm và ngay cả cách ăn của người tiêu dùng”, BS Cường nói.
Theo chuyên gia này, trong các công đoạn trước khi ra thành phẩm, nếu quy trình không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ bào tử của Clostridium botulinum có thể bay vào. Gặp điều kiện thuận lợi, nó sẽ sinh sôi và tiết ra chất độc botulinum.
Các loại thực phẩm chế biến tại hộ gia đình với quy trình thủ công có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum cao hơn vì thường không được kiểm soát chặt chẽ.
Botulinum: Loại độc tố mạnh hàng đầu
Botulinum được xem là một trong những loại độc tố mạnh nhất. Chỉ cần hấp thụ với liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng cũng đã có thể gây chết người.
Là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc botulinum, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Botulinum tấn công vào hệ thần kinh, gây nhiễm độc đối xứng, lan xuống. Bệnh nhân bị liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài. Trong trường hợp liệt hô hấp, bệnh nhân phải thở máy trung bình nhiều tháng”.
Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 1.000 ca ngộ độc botulinum. Thường gặp ở người trên 60 tuổi, khoảng 50% các ca bệnh phải đặt ống nội khí quản, tỷ lệ tử vong lên đến 7-10%.
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng các vụ ngộ độc botulinum không phải là mới. Vụ ngộ độc botulinum đầu tiên được ghi nhận vào năm 1822. Cách đây khoảng 100 năm, cũng từng xảy ra vụ việc 23 người châu Âu dự tiệc bị ngộ độc botulinum, sau khi ăn thịt nguội, trong đó có 3 người đã tử vong.
Trong vài năm trở lại đây, ở Thái Lan từng ghi nhận vụ ngộ độc botulinum quy mô lớn, xuất phát từ các sản phẩm măng ngâm bị nhiễm khuẩn. Ở Trung Quốc cũng có trường hợp ngộ độc botulinum vì ăn sản phẩm đậu lên men.
Dấu hiệu nhận biết sớm ngộ độc botulinum
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, đối với ngộ độc botulinum, thời gian ủ bệnh thường nằm trong khoảng 12-36 tiếng sau khi ăn. Tuy nhiên có thể giao động lên đến 2 tuần.
Để nhận biết sớm tình trạng ngộ độc botulinum, người dân có thể dựa vào các triệu chứng điển hình sau:
- Yếu tay, chân, không làm được việc nặng.
- Khó nuốt, yếu cơ mặt, sụp mí, nhìn mờ, rung nhãn cầu.
- Bí tiểu, táo bón vì bị giảm nhu động.
- Khó thở, nói không tròn vành, rõ chữ.
- Khô miệng, đau bụng, buồn nôn.
Cần lưu ý rằng, bệnh nhân bị ngộ độc botulinum không bị rối loạn ý thức, cảm giác và không sốt. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân bị liệt cơ hô hấp thì có thể tử vong chỉ trong 24h. Do đó, cần đến bệnh viện để thăm khám ngay sau khi ghi nhận các triệu chứng bất thường vừa đề cập.
Phòng tránh nguy cơ ngộ độc botulinum
BS Đỗ Duy Cường chia sẻ, độc tố botulinum sẽ bị phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C chỉ trong 15 phút. Do đó, tốt nhất nên chế biến nhiệt các loại sản phẩm đóng hộp trước khi sử dụng.
Cũng theo chuyên gia này, vì vi khuẩn Clostridium botulinum không thể sinh sôi trong môi trường có độ pH<4,6. Vì vậy, cần cảnh giác với các loại thực phẩm được bảo quản trong môi trường axit yếu (có thể cảm nhận bằng cách nếm thấy chưa đủ vị chua).
Trên hết là ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất đáng tin cậy. Bao bì sản phẩm còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu căng lên hoặc móp méo. Màu sắc và mùi vị của món ăn bên trong không có dấu hiệu bất thường.