Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân

Minh Nhật

(Dân trí) - Tại Hà Nội đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc do ăn pate Minh Chay. Trong đó, một bệnh nhân 70 tuổi bị liệt toàn thân, phải thở máy, tiên lượng nặng.

Liệt toàn thân, thở máy vì ăn pate Minh Chay

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện cơ sở y tế này đang tiếp nhận điều trị nội trú 2 bệnh nhân bị nhiễm độc botulinum, sau khi cùng ăn pate Minh Chay.

Cụ thể, 2 bệnh nhân này là ông Đ.G.T (70 tuổi) và bà T.B.L (68 tuổi), là vợ chồng. Vào tháng 7, ông T. và bà L. đã mua online sản phẩm pate Minh Chay về để sử dụng.

Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân - 1

Bệnh nhân Đ.G.T, 70 tuổi

Theo thông tin thu thập được từ bệnh nhân và người nhà, khi ăn lọ pate thứ nhất thấy bình thường, nhưng đến lọ thứ 2 lại thấy có mùi khác thường. Lọ thứ 2 này các bệnh nhân đã ăn vài lần, lần ăn cuối cùng vào khoảng cuối tháng 7. Các triệu chứng xuất hiện sau đó một thời gian ngắn.

2 bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Chống độc đề điều trị vào ngày 18/8, với tình trạng liệt ngoại biên đối xứng toàn thân kiểu lan xuống, đồng tử giãn. Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn tỉnh táo và không có rối loạn cảm giác.

Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân - 2

Bệnh nhân T.B.L, 68 tuổi

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: “Thời điểm vừa nhập viện, ông T. liệt hoàn toàn các cơ từ đầu đến chân, không thở được, phải phục thuộc vào máy thở. Trong khi đó, người vợ nhẹ hơn, bị liệt toàn bộ các cơ, không thể tự ngồi dậy, ho khạc kém, không thể tự ăn, nguy cơ suy hô hấp”.

Khẩn cấp nhập thuốc giá 8000 USD để giải độc cho bệnh nhân

Chuyên gia này thông tin thêm, trước đó 2 bệnh nhân vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương để điều trị. Qua hội chẩn, các bệnh nhân có biểu hiện rất giống với bệnh cảnh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum. Do đó, 2 bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Chống độc để điều trị.

Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân - 3

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc

Về tình hình điều trị, BS Nguyên cho biết, ngay khi vừa nhập viện, các bệnh nhân được điều trị cấp cứu hồi sức; thực hiện các biện pháp giải độc. Đến nay các bệnh nhân vẫn tiên lượng nặng. Riêng bệnh nhân T. có thể phải thở máy từ 2 – 10 tháng nữa, trong quá trình thở máy có thể xảy ra biến chứng.

“Các trường hợp ngộ độc botulinum rất hiếm ở nước ta. Đặc điểm của botulinum là rất độc với thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ, liệt kéo dài. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân phải thở máy trung bình nhiều tháng, và mất nhiều tháng tiếp theo để có thể hồi phục” – BS Nguyên cho hay.

Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân - 4

Thuốc Botulism antitoxin heptavalent được đưa về từ Trung tâm Chống độc Thái Lan, có hạn sử dụng 8 năm

Theo BS Nguyên, vì hiếm gặp nên hiện tại Việt Nam không có thuốc giải độc botulinum. Để có thuốc cấp cứu kịp thời cho 2 bệnh nhân nặng, Bệnh viện Bạch Mai đã phải cấp tốc gửi công văn lên Bộ Y tế, đồng thời liên hệ các Trung tâm Chống độc tại Thái lan, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Thái Lan.

BS Nguyên chia sẻ: “Loại thuốc giải độc botulinum rất hiếm, những loại thuốc như vậy được gọi là “thuốc mồ côi”. Chỉ được lưu giữ ở một số kho dự trữ quốc gia. Bệnh viện, Bộ Y tế, WHO đã phải làm việc rất gấp rút để có thể đưa được 2 lọ thuốc giải độc từ một Trung tâm Chống độc của Thái Lan về Việt Nam trong 10 ngày”.

Được biết, 2 lọ thuốc giải độc mang tên Botulism antitoxin heptavalent đã được vận chuyển bằng đường hàng không từ Thái Lan về Việt Nam vào ngày 29/8, và được sử dụng ngay cho 2 bệnh nhân.

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, giá bán của mỗi lọ thuốc này tại Thái Lan lên đến 8000 USD, và toàn bộ chi phí hiện do WHO chi trả.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng vô cùng trăn trở bởi nếu xuất hiện thêm những ca bệnh như vậy, thì nguồn cung thuốc điều trị sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh 2 ca bệnh nặng, đến hôm nay cũng có 4 trường hợp khác đến khám kiểm tra vì ngộ độc, sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay. Đây đều là những trường hợp biểu hiện bệnh nhẹ như: mệt mỏi, yếu tay chân không thể làm việc nặng nhưng chưa cần nhập viện điều trị nội trú.

Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân - 5

Chị N.T.L đến tái khám vì ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay

Về botulinum, BS Nguyên thông tin, đây là loại độc tố được sản sinh bởi vi khuẩn Clostridium botulinum. Clostridium botulinum là loại vi khuẩn kị khí, có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm đóng hộp, lọ, túi, chai kín. Vi khuẩn sẽ phát triển khi các yếu tố môi trường trong thực phẩm không đủ để kiềm chế chúng, ví dụ như không đủ độ chua (độ pH),  không đủ độ mặn. Đặc biệt, các loại thực phẩm chế biến tại hộ gia đình, thủ công, vốn thường không được kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ cao nhiễm loại vi khuẩn này.

Vụ pate Minh Chay: Khẩn cấp nhập thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân - 6

Lọ pate mà chị L. đã sử dụng trước đó

Tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây cũng đã ghi nhận 7 trường hợp bị ngộ độc nặng botulinum, sau khi ăn sản phẩm pate Minh Chay. Các bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhân đều có chung triệu chứng liệt, khó nói, sụp mi mắt, khó nuốt, khó thở, yếu tứ chi. Cả 7 trường hợp đều rơi vào tình trạng suy hô hấp và phải thở máy.

Về việc liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm độc nghi do độc tố botulinum, ngày 31/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã ra công văn hỏa tốc gửi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị:

- Các Bệnh viện thống kê danh sách các ca bệnh

- Báo cáo bài học kinh nghiệm trong công tác phát hiện ca bệnh, chẩn đoán và điều trị.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổng hợp, có văn bản hướng dẫn chung cho các cơ sở khám, chữa bệnh để sớm phát hiện và xử lý khi tiếp nhận ca bệnh mới.

Dòng sự kiện: Ngộ độc pate Minh Chay