1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ em, thai phụ cần cẩn trọng trong ăn uống ngày Tết

(Dân trí) - Ngộ độc thực phẩm là một tai nạn rất hay gặp trong ngày Tết, có thể xảy đến bất cứ đối tượng nào, đặc biệt ở phụ nữ có thai và trẻ em do sức đề kháng yếu.

Bà bầu phải rất chú ý trong ăn uống để phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.
Bà bầu phải rất chú ý trong ăn uống để phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, trong đợt Tết dương lịch 2013, bên cạnh các ca ngộ độc rượu, ngộ độc thuốc lắc đa phần là nam giới, thì có hai trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đều rơi vào phụ nữ có thai.

Cả hai bệnh nhân nữ này bị ngộ độc thực phẩm, một người mang thai ở tuần 29, một người mang thai ở tuần thứ 32. Bệnh nhân đều xuất hiện tình trạng đau bụng, đi ngoài phân lỏng và có sốt. Đáng nói, khi hỏi nguy cơ do thực phẩm nào thì cả hai bệnh nhân này đều không biết chính xác, bởi ăn quá nhiều loại thực phẩm trong ngày Tết.

“Ngộ độc thực phẩm ở phụ nữ có thai không đơn giản như ở người thường. Bởi có hai nguy cơ, đó là bệnh nhân bị ngộ độc gây nôn, đi ngoài nhiều, gây ra mất nước, giảm thể tích cơ thể và có thể gây ảnh hưởng đến thai. Thứ hai là do bệnh nhân có sốt, tức là ngộ độc do vi khuẩn gây ra buộc phải dùng kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh không thận trọng có thể ảnh hưởng đến thai nhi”, BS Chính nói.

Vì thế, BS Chính đưa ra lời khuyên, phụ nữ có thai cần thận trọng ăn uống trong ngày Tết, phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tuyệt đối không uống rượu bia, các chất kích thích. Cần nấu chín thức ăn, chọn thực phẩm tươi. Ăn có chọn lọc, không ăn món ăn lạ, món ăn đã để lưu trữ lâu ngày, không ăn quá nhiều loại thực phẩm khác nhau trong một ngày…

Trẻ em cũng là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết: “Nhiều người nghĩ ngày Tết có thể tận dụng để cho con ăn uống phong phú, đa dạng các loại thực phẩm do bữa ăn ngày Tết các gia đình thường chế biến rất nhiều món ăn. .Về lý thuyết, ăn nhiều món trong một bữa ăn, tí cơm, tí thịt, tí cá, tí rau… rất tốt. Tuy nhiên lại có một nguy cơ, đó là ăn nhiều món như thế trong tình huống thức ăn lưu trữ, bảo quản trong cùng tủ lạnh, nấu đi nấu lại nhiều lần... dễ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn và lây chéo sang nhau. Khi đó, ăn càng nhiều món càng dễ bị ngộ độc, bởi không bị món này thì lại bị món khác”, TS Dũng cảnh báo.

Ở trẻ em cũng như phụ nữ mang thai, sức đề kháng yếu hơn người bình thường. Với cùng thức ăn đó, người bình thường ăn không sao nhưng phụ nữ mang thai, trẻ em ăn có thể gây đi ngoài. Hơn nữa, ngoài các loại thực phẩm thông thường còn có nhiều loại bánh kẹo, trái cây, nước ngọt. Bình thường, chỉ số tiêu hóa hấp thu của mỗi người rất tốt, nhưng những ngày Tết ăn nhiều quá, hấp thu không được tốt, tiêu hóa kém… rất dễ gây ngộ độc.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm