TPHCM: Bệnh sởi tấn công trẻ nhỏ, “đánh úp” người lớn
(Dân trí) - Theo phân tích của Viện Pasteur, nạn nhân của bệnh sởi đủ các lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành. Trong đó, số trẻ chưa kịp chích ngừa mũi đầu tiên (dưới 9 tháng tuổi) nhiễm bệnh chiếm tới 25%; số trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi chiếm 25%.
Bệnh sởi nhập viện ngày càng tăng
Tiếng khóc rưng rức của bé Trần Huỳnh Minh Khang (6 tháng tuổi, ngụ tại huyện Nhà Bè) khiến cha mẹ cháu càng thêm xót xa. “Tôi đọc báo, xem ti vi thấy nhiều trẻ bị sởi nên chỉ chờ con đủ tháng để mang đi chích ngừa, ngờ đâu chưa kịp chích thì thằng bé đã bị bệnh. Khu vực gia đình tôi sống không có trẻ bị bệnh, con còn nhỏ nên tôi cũng không mang đi chơi chẳng hiểu mầm bệnh từ đâu khiến con tôi bị nhiễm”.
“Trước, trong và sau tết bệnh nhi mắc sởi vẫn nhập viện đều đều. Tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, ngày 10/2 chúng tôi đang điều trị cho 26 bệnh nhân. Một số ca bị viêm phổi phải thở máy, nhiều trẻ khác chưa đến 9 tháng tuổi đã nhiễm bệnh, diễn tiến của bệnh sởi mỗi ngày một khó lường hơn. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, bệnh có nguy cơ tràn về các tỉnh quanh thành phố”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, bày tỏ sự lo lắng.
Không chỉ bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đang phải gồng mình đương đầu với bệnh sởi. BS Trịnh Hữu Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Thời điểm trước tết số ca bệnh còn thưa thớt nhưng gần đây mỗi ngày chúng tôi phải tiếp nhận từ 3-4 trẻ nhập viện. Ngày 10/2, bệnh viện đang điều trị nội trú cho 20 trường hợp mắc sởi, bệnh đang có dấu hiệu tăng nhanh kể từ sau Tết”.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại phía Nam
“Để phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả, giải pháp tối ưu là chích ngừa. Nhưng phụ huynh phần vì thiếu nhận thức, phần vì sợ những rủi ro xảy đến với con khi đi chích ngừa, một phần khác vì bận công việc nên không quan tâm đến sức khỏe của con… là những nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện cho bệnh sởi quay trở lại”, BS Trương Hữu Khanh nhận định.
Theo phân tích của Viện Pasteur, nạn nhân của bệnh sởi đủ các lứa tuổi từ trẻ em đến người trưởng thành. Trong đó, số trẻ chưa kịp chích ngừa mũi đầu tiên (dưới 9 tháng tuổi) nhiễm bệnh chiếm tới 25%; số trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi chiếm 25% số còn lại rơi vào nhóm trẻ từ 3-8 tuổi, một số ít ca bệnh cũng được ghi nhận ở người lớn từ 17-36 tuổi. Khai thác bệnh sử ghi nhận có tới 85% trường hợp mắc sởi chưa được chích ngừa sởi hoặc chưa đến tuổi chích ngừa.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: “Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 đến 11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch.
Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%.
Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời”. |
Vân Sơn