TP HCM thêm một nạn nhân bị ngộ độc khi ăn pate Minh Chay

Vân Sơn

(Dân trí) - Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nhược cơ, ngay lập tức được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực. Người đàn ông này ăn khá nhiều pate Minh Chay.

8 trường hợp ngộ độc botulinum điều trị tại TPHCM

Tối 31/8, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết 5 bệnh nhân ngộ độc botulinum đã được ghi nhận từ ngày 24 đến 30/8 đang có diễn tiến tốt. Tuy nhiên, tại đây vừa phát hiện thêm 1 trường hợp nhiễm botulinum. Ca bệnh thứ 6 tại Chợ Rẫy và là ca bệnh thứ 8 đang điều trị tại TP HCM (2 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) là trường hợp nam bệnh nhân P.T.V. (54 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu).

Trước đó, ngày 24/8 ông V. có ăn khá nhiều thực phẩm pate Minh Chay. Đến đêm ngày hôm sau, ông có biểu hiện nôn ói, nuốt khó, nói khó, sụp mí mắt, yếu tứ chi. Ngày 26/8, bệnh nhân nhập viện Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 26/8, trong tình trạng yếu tứ chi, sụp mí hoàn toàn. Vì thế, ngày 27/8, ông được chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nhược cơ.

Các bác sĩ đã đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Bệnh nhân hiện vẫn tỉnh táo, không sốt, tình trạng yếu liệt chưa cải thiện. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, điều trị tích cực để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

TP HCM thêm một nạn nhân bị ngộ độc khi ăn pate Minh Chay - 1
Một trường hợp bị ngộ độc botulinum điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới cho biết hơn 30 năm qua, ông chưa từng gặp các ca bệnh ngộ độc tương tự. Tuy nhiên, qua trao đổi với các đồng nghiệp đàn anh thì thời gian sau năm 1975 những thế hệ bác sĩ đi trước đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng tương tự do bệnh nhân sử dụng các thức ăn đồ hộp của lính Mỹ còn sót lại sau chiến tranh. Tuy nhiên, thời đó cơ hội sống rất thấp vì điều kiện y tế thời điểm đó không đủ đáp ứng.

"Đây là nguyên nhân giải thích vì sao các bác sĩ tuyến dưới không lường trước được tình trạng của người bệnh do chưa từng tiếp nhận điều trị ca bệnh tương tự”, TS Quốc Hùng nói. 

“Ngay cả các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi tiếp nhận bệnh nhân cũng nghĩ đến tình trạng của bệnh lý khác. Tuy nhiên, sau 2-3 ngày bệnh nhân nằm tại bệnh viện, thực hiện các chẩn đoán với sự hỗ trợ của trang thiết bị y khoa hiện đại, các bác sĩ mới có thể phát hiện ra tình trạng liên quan đến ngộ độc do thực phẩm”, TS Quốc Hùng cho biết thêm. 

Bệnh lý trên do độc tố làm tổn thương đầu mút các dây thần kinh khiến sự dẫn truyền thần kinh tới các cơ không còn đó là nguyên nhân khiến người bệnh bị tê liệt. Điều quan trọng trong điều trị là chẩn đoán sớm và sử dụng các thuốc kháng độc tố sớm.

Tuy nhiên, theo TS Quốc Hùng, hiện nay các loại thuốc kháng độc tố không thể chữa hết ngay được các triệu chứng mà chỉ có thể làm thời gian bị liệt của bệnh nhân ngắn lại, giúp bệnh nhân không phải thở máy trong thời gian kéo dài dẫn tới các biến chứng nguy hiểm do viêm phổi. Bên cạnh đó, các bác sĩ đang tiến hành các biện pháp lọc máu, thay huyết tương, vật lý trị liệu, là giải pháp hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Khó phát hiện nhưng loại trừ dễ dàng

Theo TS Quốc Hùng, độc tố botulinum không màu không mùi, không vị, do đó bằng mắt thường hoặc cảm quan trực giác, con người không thể phát hiện được. Độc tố do một loại vi khuẩn yếm khí gây ra, chúng sống trong môi trường không cần không khí, nếu ra không khí chúng không thể hoạt động được.

Tuy nhiên, với môi trường yếm khí chúng sống khá dai trong các vỏ bọc, tồn tại trong đất, cát. Khi gặp điều kiện thuận lợi của môi trường yếm khí chúng sẽ phát triển theo cấp số nhân, sản sinh độc tố. Vi khuẩn không dễ diệt nhưng độc chất dễ diệt do chúng không bền với nhiệt, độc chất trên 80 độ C sẽ bị tiêu hủy, do đó ăn chín uống sôi có thể loại trừ được nguy cơ.

Hiện nay, trong các dây chuyền công nghiệp luôn có quá trình tiệt khuẩn sau khi đóng hộp để tiêu diệt các vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên, quy trình trên không được thực hiện với các đồ hộp tự đóng bằng tay tại nhà.

Vì thế, người dân cần cẩn thận với các thức ăn làm bằng thủ công, đóng gói thủ công bởi trong môi trường yếm khí khi thức ăn đã bị nhiễm khuẩn trước đó nhưng chưa được tiệt trùng sẽ tạo điều kiện cho chúng phát triển theo cấp số nhân gây ngộ độc cho con người khi sử dụng. Một lần nữa, TS.BS Quốc Hùng nhấn mạnh “dù botulinum có tồn tại nhưng người dùng đun sôi, giúp thức ăn chín trở lại sẽ loại trừ được độc tố”.

TP HCM thêm một nạn nhân bị ngộ độc khi ăn pate Minh Chay - 2

TS.BS Quốc Hùng thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc, nhược cơ đang thở máy

Sau khi có chùm ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 2 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn liên viện, có sự tham gia của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM để xác định chắc chắn về chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc botulinum và xác định nguồn gốc của độc tố. Kết quả cấy mẫu thực phẩm cho thấy có nguồn gốc của vi khuẩn botulinum trong pate Minh Chay.

Theo TS.BS Quốc Hùng, dấu hiệu để nhận biết người bị ngộ độc botulinum không dễ dàng. Trong giai đoạn đầu bệnh nhân có thể bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, nôn ói, mệt mỏi. Tuy nhiên, bệnh nhân có những biểu hiện mang tính đặc trưng như bệnh nhân không sốt (các bệnh viêm nhiễm thường đi kèm với sốt).

Ngoài ra, bệnh nhân có thể rối loạn tri giác. Những người nhiễm botulinum thường tỉnh táo hoàn toàn nhưng bị liệt cơ, khó thở, suy hô hấp diễn tiến nhanh trong 1-2 ngày. Các triệu chứng liệt cơ, suy hô hấp diễn ra rầm rộ, kèm theo các biểu hiện khó nói, khó thở, sụp mí mắt.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên sử dụng thức ăn đã quá thời hạn, không sử dụng thức ăn đóng hộp bằng tay nếu chưa nấu chín trước khi ăn. Trong trường hợp có biểu hiện sụp mí mắt, nói khàn giọng cần đến ngay trung tâm y tế để được chẩn đoán điều trị kịp thời. 

Dòng sự kiện: Ngộ độc pate Minh Chay

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm