TP HCM: Rất khó thu hồi sản phẩm pate Minh Chay
(Dân trí) - Số lượng sản phẩm pate Minh Chay gây ngộ độc được thu hồi mới chỉ đạt chưa tới 10%. Đây là vụ việc đặc biệt nguy hiểm, nếu người dân đã sử dụng hết thì hậu quả rất khó lường.
Mới thu hồi chưa tới 10%
Chiều 1/9, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tổ chức cuộc họp báo thông tin về các ca bệnh và tình hình xử lý đối với các sản phẩm nhiễm độc tố botulinum của công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới.
PGS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM cho biết từ ngày 28/8 ngay sau khi Cục An toàn Thực phẩm có chỉ đạo, Ban đã khẩn trương vào cuộc xử lý, triển khai thu hồi và tuyên truyền cho người dân. Thực tế cho thấy, đây là dòng sản phẩm cao cấp với giá hàng trăm nghìn đồng mỗi hộp nên nguy cơ lan truyền, tiêu thụ ở TP HCM nơi có phân khúc khách hàng cao nhất.
Đa số các sản phẩm được bán qua online, Ban đã cơ bản nắm bắt thông tin về số người dân trên địa bàn đã mua sản phẩm. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 1.290 người đã mua 1.559 sản phẩm hộp pate Minh Chay, Ban đã yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý khẩn cấp, thực hiện xác minh, tuyên truyền cho người dân không sử dụng và thu hồi các sản phẩm.
Hiện nay, Ban đã liên hệ được 1.101 người, số còn lại chưa liên hệ được vì nhiều lý do khác nhau. Đến nay, mới chỉ thu hồi được 103 hộp thực phẩm pate Minh Chay, chưa đến 10% số lượng bán online. Thực tế xác minh cho thấy, nhiều người mua nhưng báo không còn sản phẩm, một số mua để bán lại, một số mua tặng cho người khác. Một trường hợp ở quận 5 mua 3 hộp mang 2 hộp đi biếu sư cô ở chùa ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là nguy cơ rất cao, Ban đã thông báo cho tỉnh Vũng Tàu cảnh báo nguy cơ thực hiện biện pháp cần thiết để thu hồi.
Bên cạnh những người rất hợp tác, mang sản phẩm đến Ban để giao nộp thì nhiều người không hợp tác vì muốn giữ lại làm bằng chứng để khởi kiện công ty hoặc không muốn bị làm phiền, không muốn bị đưa thông tin lên báo chí... Ban đang tiếp tục rà soát các cửa hàng, các nơi bán hàng nhỏ lẻ trên địa bàn, kiểm tra các cửa hàng bán thực phẩm chay.
Ban đang tiếp tục kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thu hồi. Những người đã mua sản phẩm, phải để riêng biệt, không để chung với các sản phẩm khác, thông báo đến cơ quan chức năng để có người đến thu hồi.
"Chúng tôi không chắc chắn việc sản phẩm chỉ bị nhiễm botulinum ở một lô duy nhất. Vụ việc này đặc biệt nguy hiểm, đến nay chưa thể biết chính xác bao nhiêu người dân đã sử dụng. Việc thu hồi đang rất khó, còn khoảng 1.400 hộp đang ở đâu? Nếu người dân đã ăn hết thì quá nguy hiểm. Chúng ta cần phải có những phản ứng quyết liệt, triệt để ngăn chặn, không thể để lặp lại trong tương lai", PGS Lan nhấn mạnh.
Có kháng thể cũng khó điều trị
TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP HCM cho biết đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 9 ca bệnh, tất cả đều đến từ các tỉnh thành khác gồm 6 ca tại Chợ Rẫy, 2 ca tại Nhiệt Đới, 1 ca tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nặng.
Độc tố botulinum khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công hệ thần kinh của người bệnh gây liệt cơ đối xứng 2 bên, gồm sụp mí mắt, nói khó, nuốt khó tình trạng liệt chuyển dần từ từ trên xuống dưới của cơ thể. Khởi phát của các ca bệnh đều có triệu chứng chung, sau khi ăn 1 ngày bệnh nhân có nôn ói (có thể thoáng qua), nhưng không sốt.
Việc điều trị cho những trường hợp bị ngộ độc botulinum, đến nay trên thế giới đã có huyết thanh kháng độc tố nhưng giá thành rất đắt, Việt Nam lâu nay không nhập về. Tuy nhiên, việc sử dụng huyết thanh muốn hiệu quả phải dùng trong 3 ngày đầu kể từ khi bệnh khởi phát. Đây là độc tố nguy hiểm, có thể gây chết người, tỷ lệ tử vong khoảng 20%.
Những ca bệnh nặng không có huyết thanh sẽ được điều trị triệu chứng, chờ cơ thể tự hồi phục nhưng thời gian sẽ rất dài. Những bệnh nhân phải thở máy nằm liệt một chỗ sẽ đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra trong quá trình điều trị.
PGS Phạm Khánh Phong Lan lưu ý những người đã sử dụng sản phẩm cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe. Người dân không tự ý mang sản phẩm đi tiêu hủy hoặc vứt bỏ vì nguy cơ phát tán mầm bệnh hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhặt lại sản phẩm mang về sử dụng khi đó hậu quả sẽ rất khó lường.