Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn bệnh bạch hầu, không để lây lan
(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu trước tình hình bệnh bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vắc xin và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu.
Hiện nay, bệnh đang có diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vắc xin bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó cần xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu để người dân thực hiện. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.
Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.
Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Nặng thì hôn mê, sau đó tử vong.
Nam Phương