Những cái chết vì bạch hầu đã được cảnh báo từ trước

(Dân trí) - Những năm gần đây, bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch trong cộng đồng không đạt kết quả, bệnh đang tăng nhanh khiến nhiều ca tử vong.

Bác sĩ bất lực nhìn trẻ mắc bạch hầu tử vong

Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP HCM là nơi liên tiếp có 2 ca bạch hầu nặng từ Tây Nguyên chuyển đến. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng không thể giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Chỉ trong thời gian ngắn, 2 ca bệnh tử vong khiến chính những người làm công tác chuyên môn bùi ngùi.

TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em chia sẻ: “Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi 9 tuổi, được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu đêm 20/6. Cháu vào viện trong tình trạng rất nặng, chúng tôi gần như chưa kịp làm gì thì bé đã tử vong sau 2 giờ vào viện vì biến chứng, tim, thận. Ca bệnh thứ 2 là cháu bé 13 tuổi cũng được Bệnh viện Đắk Nông chuyển đến cấp cứu, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể nhưng cháu cũng không qua được nguy kịch”.

Những cái chết vì bạch hầu đã được cảnh báo từ trước - 1
TS.BS Phan Tứ Quí thăm khám cho một bệnh nhi ở Gia Lai bị bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim xảy ra năm 2019

Theo BS Tứ Quí, cả 2 bệnh nhi trên đều chưa được chích ngừa bệnh bạch hầu, khi có biểu hiện nhiễm bệnh thì phát hiện trễ. Mặt khác, ở thời điểm các bé phát bệnh, thuốc kháng độc tố bạch hầu chưa kịp đáp ứng nên diễn tiến bệnh trở nặng. Trẻ bị độc tố bạch hầu tấn công vào cơ tim, thận, thần kinh. Ca bệnh thứ hai đã được đặt máy tạo nhịp, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, thở máy… nhưng diễn tiến ngày càng nặng.

Thông tin từ BS Tứ Quí cho biết, những năm trước bệnh bạch hầu cũng xuất hiện rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên, tập trung ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Ở những khu vực này, việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, văn hóa, ý thức của người dân trong việc phòng bệnh còn hạn chế khiến việc tuyên truyền các giải pháp phòng bệnh trở nên khó khăn. Hai yếu tố trên là các nguyên nhân cơ bản khiến cho việc chích ngừa trong cộng đồng không đầy đủ, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển, sản sinh độc tố, gây bệnh.

Nguy hiểm đã được cảnh báo từ nhiều năm 

Cùng quan điểm trên, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Những năm trước, bệnh bạch hầu đã rải rác xảy ra, điều đó cho thấy bệnh đã tiềm tàng trong cộng đồng. Năm nay, việc tầm soát đã phải hiện nhiều ca bạch hầu, trong đó có những ca nặng, tử vong. Thực tế trên cho thấy, bệnh đã lưu hành trong cộng đồng nhưng độ phủ vắc xin yếu quá, không đủ tạo miễn dịch cộng đồng”.

Phân tích chuyên môn của BS Hữu Khanh chỉ ra: “Nguyên tắc của bệnh bạch hầu khi chích ngừa không phải là chích ngừa bệnh mà chích ngừa để phòng cho những người mang vi khuẩn không phát triển để tiết độc tố gây bệnh, khi đó người mang mầm bệnh sẽ không lây truyền cho người khác. Do đó, độ phủ của vắc xin trong cộng đồng đối với bệnh bạch hầu là rất quan trọng trong việc phòng bệnh”.

Những cái chết vì bạch hầu đã được cảnh báo từ trước - 2
Các ca bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện rải rác nhiều năm qua nhưng không có giải pháp phòng ngừa hiệu quả

Trên thực tế, sau khi khảo sát, Bộ Y tế xác định, độ bảo phủ của vắc xin bệnh bạch hầu tại các vùng có bệnh đang lưu hành ở mức rất thấp so với những khu vực khác. Tại ổ dịch xảy ra ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52% các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Hiện, bệnh bạch hầu đã cướp đi sinh mạng của 2 trẻ ở Đắk Nông và 1 trẻ ở Gia Lai. Các ổ dịch khác tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum với hàng chục trường hợp được xác định dương tính với bạch hầu, số ca bệnh nguy cơ tiếp tục tăng cao.

BS Hữu Khanh cho biết: “Phát hiện sớm, điều trị kịp thời là khâu đặc biệt quan trọng để hạn chế nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện sớm bệnh bạch hầu khá khó khăn do những ca bạch hầu khi khởi phát thường không sốt. Người mắc bệnh thường chủ quan, người thân cũng khó nhận biết, phát hiện để chuyển tới bệnh viện. Khi các dấu hiệu đau họng, chưa có biểu hiện sốt bị bỏ qua bệnh nhân sẽ rơi vào giai đoạn nặng, vi khuẩn gây bệnh tiết ra độc tố tấn công cơ thể khiến các bác sĩ trở tay không kịp”.  

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo: bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Vân Sơn