1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phó Thủ tướng: Chấn chỉnh tình trạng lơ là việc chống dịch tả lợn châu Phi

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng và chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Sáng nay (13/5), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Phó Thủ tướng: Chấn chỉnh tình trạng lơ là việc chống dịch tả lợn châu Phi - 1

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tính đến ngày 12/5, bệnh DTLCP đã và đang xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố, với 2.296 xã, 204 huyện, số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Điều đáng nói, trong khi dịch diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục phát sinh rất cao trong thời gian tới thì ở một số địa phương vẫn còn tình trạng lơ là chủ quan.

Theo Thứ trưởng Tiến, thực tế kiểm tra của các đoàn công tác do Bộ NN&PTNT tổ chức thời gian qua cho thấy, tại một số địa phương, việc chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Công tác tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa triệt để, chưa bố trí đủ lực lượng tiêu hủy lợn đảm bảo đúng thời gian quy định, để người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường…gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh. Một số địa phương còn chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy và chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh đến những yếu tố là nguyên nhân khiến nguy cơ dịch bệnh DTLCP diễn biến phức tạp và phát sinh rất cao thời gian tới như: thời tiết diễn biến trái quy luật, nóng ẩm bất thường; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 55%, không gian chăn nuôi chật hẹp,...

"Bên cạnh việc số đông các địa phương làm tốt, nhưng cũng có những nơi làm chưa tốt, có những khâu làm chưa tốt. DTLCP về lý thuyết đã đề cập rồi, nhưng khi nó xảy ra có những điểm chúng ta phải rút kinh nghiệm để xoay hướng chỉ đạo. Do đó, dự báo tới đây là dịch bệnh này sẽ lan truyền một cách phức tạp, vì vậy phải xiết lại công tác chỉ đạo cùng với các nhóm giải pháp khác làm sao trước mắt phải hạn chế thấp nhất thiệt hại, hạn chế quy mô lây truyền, đặc biệt trong khu vực chăn nuôi lớn - hạt nhân của ngành chăn nuôi tới đây sau khi bệnh đi vào ổn định và chúng ta có những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy tái đàn bước sau này" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Phó Thủ tướng: Chấn chỉnh tình trạng lơ là việc chống dịch tả lợn châu Phi - 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Từ tháng 8, tháng 9 năm 2018, Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm các biện pháp của Thủ tướng và Bộ NN&PTNT đề ra. Thành phố hiện đứng thứ hai cả nước về số đàn lợn với hơn 1,9 triệu con.

Theo ông Sửu, đến nay, Hà Nội đã tiêu hủy 10 vạn con lợn, với giá hỗ trợ 38.000đ/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ đồng. 

"Hà Nội có một số kiến nghị như sau: Bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia chống dịch còn thấp, chỉ có 100.000 đồng/ngày, mà cứ đêm khuya có báo động là phải đi. Lao động tự do còn 250-300.000 đồng /ngày. Các chủ tịch xã của Hà Nội hôm nay cũng trực tuyến. Vì vậy, Hà Nội đề nghị chính phủ và Bộ NN&PTNT có hỗ trợ về bồi dưỡng cho lực lượng thú y" - ông Sửu nói.

Ngoài ra, theo ông Sửu, hiện nay nhà nước mới có chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi có lợn nhiễm bệnh, còn các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi lớn lại chưa nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Ông Sửu cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ những đối tượng này.

Tại hội nghị, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Đồng Nai là tỉnh có đàn heo lớn nhất cả nước, khoảng 2,5 triệu con, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc xảy ra dịch bệnh là cực kỳ nguy hiểm. 

"Hiện nay tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định hỗ trợ, chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ cùng tỉnh. Vì Đồng Nai là tỉnh tự cân đối nguồn ngân sách, nếu có nhiều hộ có lợn dịch khi DTLCP bùng phát thì tỉnh rất khó tìm kiếm nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân" - ông Chánh cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Trước kiến nghị của một số địa phương và các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng đã có nghiên cứu để đề xuất nhà nước có cơ chế hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đối với các cơ sở và doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn".

Phó Thủ tướng: Chấn chỉnh tình trạng lơ là việc chống dịch tả lợn châu Phi - 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Tại hội nghị, ngoài ý kiến của các địa phương, các đại biểu còn được nghe những kiến nghị, đóng góp của đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Masan Group phát biểu tại hội nghị: Tại quyết định 4527 quy định nghiêm cấm việc vận chuyển mua bán lợn vào vùng dịch bị uy hiếp sẽ có những rủi ro như sau: Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ công nghiệp theo quy mô lớn thì hầu hết đều tuân thủ, nhưng rất khó kiểm soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì lực lượng phòng chống dịch mỏng. 

Thứ hai, quy định đối với vùng dịch bệnh bị uy hiếp, chỉ được phép giết mổ, phân phối trong vùng dịch là rất bất cập. Ví dụ, với công suất giết mổ khổng lồ của nhà máy chế biến thịt của Masan tại Hà Nam, làm sao có thể tiêu thụ hết trong nội vùng Kim Bảng, Hà Nam.

"Khi nguồn thịt lợn sạch bị khan hiếm, đó là nguy cơ nhãn tiền cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta không thể ngăn người tiêu dùng sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu, Barazil...Thịt ngoại sẽ tràn vào, gây tạo ra tình trạng khó khăn kép trong chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn" - ông Nam nhận định.

Vì lý do trên, Masan đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm soát vấn đề dịch bệnh theo 3 tuyến: Tuyến 1 là đảm bảo không cho bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại. Tuyến hai, đảm bảo không có bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ. Tuyến 3, kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn mất an toàn nào đến tay người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao những ý kiến xác đáng, phù hợp với tình hình thực tiễn của Masan. Tới đây, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ lợn quy mô công nghiệp trong bối cảnh DTLCP diễn biến phức tạp, khó lường.

Phó Thủ tướng: Chấn chỉnh tình trạng lơ là việc chống dịch tả lợn châu Phi - 4

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng lơ là, chủ quan trong phòng chống DTLCP.

Phó Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo thành lập ngay các Đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Dương