Bình Định lo ngay ngáy chống "đại dịch tả" lợn châu Phi, Hậu Giang phát hiện thêm ổ dịch mới
(Dân trí) - Đánh giá tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, điểm dịch đang tiến gần địa bàn tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải quyết liệt, không được thờ ơ với dịch tả lợn châu Phi trong tình hình mới. Trong khi đó Hậu Giang tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch mới buộc phải tiêu hủy hơn 1.200 con lợn.
Bình Định lo ngay ngáy chống "đại dịch tả" lợn châu Phi
Ngày 21/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì cuộc họp “nóng” cùng các sở ngành liên quan để triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh này.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến nay, dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại 34 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1.4 triệu con. Đặc biệt, ngày 19/5 vừa qua, phát hiện thêm 2 ổ dịch bệnh tại tỉnh Quảng Nam, khiến nguy cơ dịch xâm nhập địa bàn tỉnh Bình Định đang ở mức báo động cao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT nhận định, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát. Đặc biệt, nguy hiểm hơn bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp, không được thờ ơ, chủ quan trước dịch bệnh.
“Khi chưa biết dịch bệnh này lan truyền bằng hình thức nào, có khi qua vận chuyển, chuyên chở, giao dịch… Do vậy, chúng ta phải ứng dụng bằng biện pháp đa phương để ngăn chặn dịch bệnh. Phải dùng biện pháp tiêu độc, khử trùng khi chưa có vắc xin. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho người chăn nuôi có ý thức để tự bảo vệ mình, bảo vệ tài sản của họ…”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng cho rằng đây là một “đại dịch”, nếu chính quyền các cấp thờ ơ, chủ quan thì không riêng gì đàn lợn bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng đến đàn gia cầm, đàn súc vật và có khi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến con người.
Theo ông Châu, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của tất cả các sở, ngành, các đơn vị liên quan chứ không phải của riêng ai.
“Nếu huyện nào để xảy ra dịch bệnh thì trung tâm dịch vụ ở đó phải chịu trách nhiệm chính, đến Phòng Kinh tế, rồi mới đến Chủ tịch UBND huyện đó. Còn ở tỉnh thì chịu trách nhiệm đầu tiên là Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh, rồi đến Giám đốc Sở Nông nghiệp và cuối cùng mới đến tôi”, ông Châu khẳng định.
Tại cuộc họp ông Châu cũng phê bình Sở Công thương “bình chân như vại” trước tình hình diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa hướng dẫn cho người dân trong việc tiêu hủy như thế nào để đảm bảo môi trường.
“Tôi khẳng định là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm đến hôm nay. Nhân cuộc họp này, tôi đề nghị Sở Công thương điều tiết thị trường không để lái buôn khống chế giá cả, điều này người dân của mình sẽ bị thiệt”, ông Châu nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp, ông Châu yêu cầu ngay sau cuộc họp này, đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh ra quân kiểm tra ngay các chốt chính kiểm soát động vật; đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp thành lập tổ phòng chống dịch khẩn cấp thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường. Tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ cho người dân, các trang trại và đề xuất hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
“Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang lây lan mạnh, nghiêm cấm không được tăng tổng đàn; không cho phép chở lợn con (kể cả lợn lớn) từ tỉnh khác vào tỉnh Bình Định. Với người buôn bán lợn, việc vận chuyển đi phải phun khử trùng tất cả các xe, thậm chí khử trùng cả tài xế…”, ông Châu yêu cầu.
Trước đó, hôm qua (20/5), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác tổ chức ngăn chặn xâm nhập bệnh dịch tả lợn châu Phi và phòng chống dịch bệnh động vật tại các huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn.
Hậu Giang: Phát hiện thêm ổ dịch mới, tiêu hủy hơn 1.200 con lợn
Trong tháng 4, tỉnh Hậu Giang phát hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi và được xem là tỉnh duy nhất ở miền Tây xuất hiện loại dịch tả này. Nhưng mới đây, ngành chức năng vừa tiếp tục phát hiện và tiêu hủy hơn 1.200 con lợn dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Ổ dịch tả lợn Châu Phi Hậu Giang vừa phát hiện là vào ngày 18/5, tại hộ ông Phạm Thanh Tâm (chủ một trang trại heo ở ấp Láng Sen, xã Hiệp Lợi). Vào thời gian này, ông Tâm phát hiện có 88 con heo bị bệnh chết bất thường. Ngay lập tức, gia đình báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng thị xã đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.
Đến 19/5, kết quả xét nghiệm cho thấy đàn heo trong trang trại của ông Tâm bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu phi. Ngành chức năng địa phương đã tiến hành đem 1.221 con lợn của ông Tâm tiêu hủy theo đúng quy trình.
Đàn lợn ngã bệnh bất thường của gia đình ông Phạm Thanh Tâm, sau đó ngành chức năng xét nghiệm thì dương tính với dịch tả lợn Châu Phi
Chiều 21/5, ông Lê Hùng Chiến - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), thông tin đơn vị đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành tiêu hủy hơn 1.200 con lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi.
Sau khi phát hiện ổ dịch ở hộ ông Tâm, ngành chức năng đã lập 2 chốt kiểm dịch ở 2 đầu ổ dịch để hạn chế phương tiện mua bán, vận chuyển lợn ở khu vực lân cận. Song song đó, tiến hành phun xịt tiêu độc khử trùng phạm vi 3km xung quanh khu vực phát hiện ổ dịch.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Hậu Giang, cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã phát hiện ổ dịch tả lợn Châu phi.
Tuy nhiên, 2 ổ dịch phát hiện tại huyện Châu Thành A (phát hiện ổ sau cùng vào 20/4) đã hết dịch do sau 30 ngày nhưng không phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi mới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang phát hiện 5 ổ dịch ở 6 xã thuộc 4 huyện thị xã của Hậu Giang
Trước đó, tuần đầu tháng 4, Hậu Giang đã phát hiện một đàn lợn 50 con ở xã Nhơn Nghĩa A(huyện Châu Thành A) dương tính với dịch tai xanh và dịch tả lợn Châu Phi.
Đến ngày 5/5 trên địa bàn xã Vĩnh Tường (huyện Vị Thủy). Tại đây có 18 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Ngay sau đó, địa phương đã tiến hành khử trùng, phun thuốc và chôn lấp số lợn nhiễm bệnh.
Đến ngày 15/5, ngành chức năng huyện Châu Thành phát hiện đàn lơn 27 con của một hộ dân ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành cũng dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Hậu Giang là tỉnh duy nhất ở miền Tây xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên từ đầu tháng 4 đến nay, tỉnh này đã phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi ở 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã (huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy và thị xã Ngã Bảy) với tổng số lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy trên 1.300 con.
Hiện nhiều tỉnh ở miền Tây, như An Giang, TP Cần Thơ, Đồng Tháp... tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phí, nhất là từ khi Hậu Giang phát hiện loại dịch tả khó ngăn chặn này.
Doãn Công - Nguyễn Hành