Phi công người Anh mắc Covid-19 đã mỉm cười sau gần 2 tháng nguy kịch

(Dân trí) - Chiều 2/6, Bộ Y tế cho biết nam phi công mắc Covid-19 tiến triển tốt sau gần 2 tháng nguy kịch. Hiện bệnh nhân đã ăn đường miệng, ngón tay động đậy, mấp máy môi và mỉm cười khi được động viên.

Bộ Y tế cho biết, diễn biến sức khoẻ của nam phi công người Anh mắc Covid-19 được cập nhật theo giờ, theo dõi rất sát sao.

Trước  đó, ngày 29/5, nam phi công đã có thể ăn bằng miệng khi được bác sĩ, điều dưỡng bón sữa. Bệnh nhân đã có thể làm theo yêu cầu của bác sĩ như động đậy ngón tay, muốn mấp máy môi để nói chuyện, nháy mắt và những giọt nước mắt lăn dài, nụ cười đã nở trên môi bệnh nhân khi được các y bác sĩ động viên, thăm hỏi.

Phi công người Anh mắc Covid-19 đã mỉm cười sau gần 2 tháng nguy kịch - 1

Dù có những tiến triển tích cực, nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn còn nặng do thể trạng yếu, yếu cơ hô hấp và phổi nhiễm vi khuẩn khó điều trị.

Tuy vậy, bệnh nhân dần được giảm các thông số ECMO. Đánh giá sơ bộ về thần kinh cho thấy bệnh nhân tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và sức cơ tăng: Chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động nhưng còn yếu. Bệnh nhân có hội chứng cai thuốc an thần và fentanyl nên hơi bứt rứt và thở nhanh.

Đặc biệt, sự hồi phục phổi của bệnh nhân khiến các bác sĩ có thêm hi vọng. Từ chỗ 90% phổi đông đặc, nay oxy bệnh nhân cải thiện thêm, thông khí phổi tăng và ổn định hơn so với các ngày trước, vùng phổi hoạt động lên 40%. Dù vậy vẫn chưa thể cai ECMO do cơ hô hấp còn yếu và còn thở nhanh.

Về chức năng thận, bệnh nhân đã ngưng lọc máu từ ngày 27/5, có cho furosemide để duy trì lượng nước tiểu, chức năng thận đã hồi phục, BUN, creatinin máu không tăng 3 ngày nay.

Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân 91 là ca mắc Covid-19 nặng nhất tại Việt Nam. Với diễn biến nặng nhiều lần thập tử nhất sinh, phổi đông đặc (chỉ 10% phổi hoạt động), nay vùng phổi hoạt động đã tăng lên 40%, bệnh nhân tỉnh táo hơn, đây là một kỳ tích với bệnh nhân này.

Từ thời điểm phát hiện bệnh đến nay (18/3) bệnh nhân đã trải qua 76 ngày điều trị.

Trong đó, bệnh nhân bắt đầu suy hô hấp nặng từ ngày 6/4 và phải đặt ECMO (tim phổi nhân tạo).

Với yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, diễn biến bệnh nhân liên tục trầm trọng. Các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị cho bệnh nhân này. Bệnh nhân cũng có chỉ định ghép phổi.

Hiện song song với việc điều trị tích cực nội khoa, nhiễm trùng phổi, từng bước cai ECMO cho bệnh nhân, các Bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức tiếp tục theo dõi người bệnh, Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người nỗ lực tìm kiếm nguồn tạng phù hợp để ghép cho bệnh nhân khi đủ điều kiện.

Về diễn biến dịch Covid-19, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 2/6: 47 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong 328 ca mắc Covid-19, có tổng cộng 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.333, trong đó:- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 73- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.223
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.037

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Như vậy hiện cả nước đã có 298/328 bệnh nhân khỏi bệnh. Trong số 30 bệnh nhân đang điều trị, đã có 10 ca âm tính từ 1-2 lần với SARS-CoV-2.

Hồng Hải