(Dân trí) - Tại kho dự trữ máu lớn nhất cả nước, ánh điện bật sáng 24/24h và guồng quay công việc của những "shipper" đặc biệt vẫn luôn hối hả bất kể là ngày hay đêm, để đảm bảo dòng chảy liên tục của sự sống.
Những "shipper" vận chuyển sự sống tại kho dự trữ máu lớn nhất cả nước
Tại kho dự trữ máu lớn nhất cả nước, ánh điện bật sáng 24/24h và guồng quay công việc của những "shipper" đặc biệt vẫn luôn hối hả bất kể là ngày hay đêm, để đảm bảo dòng chảy liên tục của sự sống.
21h, tại Khoa Lưu trữ và Phân phối máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đường dây nóng reo vang.
"Alo Viện Huyết học xin nghe" - Cán bộ trực đường dây nóng.
Phía đầu dây bên kia, một nhân viên y tế Bệnh viện E đề nghị cấp khẩn 6 đơn vị tiểu cầu. Chỉ 30 phút sau, các túi tiểu cầu đã sẵn sàng để cấp cứu cho người bệnh.
1h sáng, tiếp tục là một cuộc gọi từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Một sản phụ trở dạ trong đêm, sau sinh bị băng huyết cần truyền máu gấp.
Chỉ trong chưa đầy 10 tiếng đồng hồ xuyên đêm của kíp trực, đã có 5 cuộc gọi khẩn từ các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đổ về đường dây nóng này.
Yêu cầu cung cấp máu cấp cứu từ các cơ sở y tế được xử lý xong cũng vừa kịp giờ chuẩn bị cho những chuyến xe vận chuyển máu đi tỉnh.
Đồng hồ lúc này điểm 5h sáng.
Hôm nay, từ Hà Nội, 2 chiếc xe chuyên dụng sẽ vận chuyển hàng trăm đơn vị máu cho các cơ sở y tế trên khắp miền Bắc, từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cho đến Lạng Sơn…
Ngày khác, chuyến xe ấy lại lên tận Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái…
Những "shipper" vận chuyển sự sống
Khoa Lưu trữ và Phân phối máu có nhiệm vụ lưu trữ các chế phẩm máu an toàn đã được điều chế và cấp cho các cơ sở y tế khi có yêu cầu.
Toàn bộ hoạt động của khoa được vận hành bởi 21 cán bộ y tế, chia làm các bộ phận: nhập, xuất, vận chuyển; mỗi người đều luân phiên thực hiện công việc ở các vị trí này. Nhiệm vụ đặc thù khiến các cán bộ tại khoa được ví như những người vận chuyển "giọt sống".
Theo ThS Hoàng Nhật Lệ - Trưởng khoa Lưu trữ và Phân phối máu, máu từ người được hiến tặng sau khi được Khoa Điều chế tách thành các chế phẩm máu như: khối hồng cầu, huyết tương, tiểu cầu… và có kết quả xét nghiệm an toàn sẽ được chuyển xuống Khoa Lưu trữ và Phân phối máu. Toàn bộ quá trình này sẽ mất khoảng 24 giờ.
Các chế phẩm máu khi được chuyển xuống đều đã được Khoa Điều chế dán nhãn có thông tin nhóm máu và mã vạch. Khi tiếp nhận chế phẩm máu này, nhân viên y tế Khoa Lưu trữ và Phân phối máu sẽ quét mã vạch để nhập kho, đảm bảo nhận đủ số lượng máu theo kế hoạch.
Mỗi ngày, Khoa Lưu trữ và Phân phối máu tiếp nhận trung bình hơn 1.000 đơn vị chế phẩm máu. Số lượng máu này được chia thành nhiều đợt giao. Nhìn chung, trong một ngày có ít nhất 30 lần tiếp nhận bàn giao như vậy.
Tất cả các chế phẩm máu, sau đó, đều được đưa vào kho lưu trữ theo nguyên tắc: chế phẩm hạn sử dụng ngắn hơn sẽ được để lên trước để sử dụng trước.
Dựa trên dự trù máu của các bệnh viện được báo về qua phần mềm hoặc yêu cầu máu khẩn cấp qua hotline, cán bộ Khoa Lưu trữ và Phân phối máu sẽ xuất máu từ kho bảo quản để cấp phát.
Bên trong kho dự trữ máu lớn nhất cả nước
Là ngân hàng máu lớn nhất cả nước, nơi đây hiện đang lưu trữ đến hơn 30.000 đơn vị chế phẩm máu các loại, trong đó khối hồng cầu khoảng 14.000 đơn vị.
Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho bảo quản máu, kho lưu trữ hồng cầu có nhiệt độ luôn duy trì ở mức 2 - 6 độ C.
Trong khi đó kho lưu trữ huyết tương có nhiệt độ thậm chí xuống đến - 25 độ C.
Với nhiệt độ âm, để làm việc bên trong kho lạnh bảo quản huyết tương, các cán bộ y tế bắt buộc phải mặc trang phục chuyên dụng để chống mất nhiệt.
2 phía của lớp rèm nhựa PVC ngăn lạnh trước cửa kho lưu trữ huyết tương như 2 thế giới khác biệt.
Được giữ nhiệt bởi lớp trang phục rất dày nhưng chỉ sau 10 phút, nhiệt độ -25 độ C của kho lạnh đã khiến chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh thấu xương. Những khu vực da hở hay được bao bọc ít như: quanh mắt, bàn tay đều tê cóng.
Thế nhưng môi trường khắc nghiệt lại không làm giảm đi nhịp độ làm việc vốn có của những "shipper" đặc biệt này.
Trong không gian khoảng 40 mét vuông của kho lạnh, 4 cán bộ của Khoa Lưu trữ và Phân phối máu hối hả sắp xếp lại các đơn vị máu. Huyết tương có hạn sử dụng ngắn hơn sẽ được chuyển ra để sử dụng trước; tiếp đó, huyết tương có hạn kế cận được lấp vào vị trí của các đơn vị vừa xuất kho. Cách sắp xếp này cũng được áp dụng cho các chế phẩm máu khác, đảm bảo máu được truyền cho bệnh nhân luôn được ở trong khoảng thời hạn tối ưu.
Với khối hồng cầu, thời gian bảo quản là 42 ngày, tiểu cầu là 5 ngày còn với huyết tương thời hạn này lên đến một năm. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả truyền máu, với hồng cầu chỉ khoảng 20 - 30 ngày là đã được xuất kho để cấp phát cho các bệnh viện. Trong khi đó, với huyết tương thời gian lưu kho tối đa ở khoa chỉ khoảng 3 tháng.
Một nhiệm vụ khác chính là sắp xếp các đơn vị máu mới vào sọt để nhập kho. Các thông tin cần thiết được ghi rõ trên nhãn của mỗi sọt để phục vụ cho việc xuất/nhập và sắp xếp.
Vừa sắp xếp xong số huyết tương của ngày 23/10 lên kệ, nữ cán bộ y tế tranh thủ dùng tay chùi sạch lớp sương mờ đọng trên mắt kính. Chị chia sẻ rằng, những ngày đầu vừa vào khoa, kho huyết tương là một trong những thử thách khó nhằn nhất. Tuy nhiên, cũng như nhiều anh chị em khác trong khoa, sau nhiều năm "mài dũa", cái rét -25 độ C đã không còn đáng ngại.
Sự khắc nghiệt của môi trường làm việc trong kho huyết tương được thể hiện rõ qua những giọt nước đóng băng trên lông mày và tóc của cán bộ y tế.
Theo Khoa Lưu trữ và Phân phối máu, nhóm máu B và AB luôn nằm trong nhóm "dồi dào" nhất trong kho lưu trữ. Ngược lại, nhóm máu O thường xuyên trong tình khan hiếm.
Khi lượng máu dự trữ trong kho xuống dưới 5.000 đơn vị máu cũng đồng nghĩa với việc vượt giới hạn an toàn.
"Nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện là rất lớn. Với lượng xuất kho hơn 1.000 đơn vị máu, thậm chí lên đến 2.000 đơn vị mỗi ngày, 5.000 đơn vị máu dự trữ chỉ có thể đủ dùng chưa đến một tuần. Trong giai đoạn năm 2020, khi việc giãn cách được thực hiện nghiêm ngặt trên cả nước vì Covid-19, kho máu cũng đã nhiều lần rơi vào tình trạng "báo động đỏ", một cán bộ chia sẻ.
Những chuyến xe chở hàng đặc biệt, hối hả 24/7
Vừa hoàn tất quy trình để xuất máu cho Bệnh viện K, các nhân viên y tế của Khoa Lưu trữ và Cấp phát máu lại nhanh chóng bắt tay vào xử lý "đơn hàng" hơn 500 đơn vị chế phẩm máu của Bệnh viện Bạch Mai. Đây cũng là một trong những đầu việc nặng nhất trong ngày.
"Chỉ tính riêng Bệnh viện Bạch Mai, dự trù máu mỗi năm đã lên đến 100.000 đơn vị. Vì tủ chứa máu của cơ sở y tế này có hạn, nên ngày nào Khoa Lưu trữ và Cấp phát máu cũng xuất đi 400 - 500, thậm chí có hôm lên đến 1.000 đơn vị chế phẩm máu, bao gồm cả huyết tương, khối hồng cầu và tiểu cầu", ThS Lệ chia sẻ.
Mỗi ngày, Khoa Lưu trữ và Phân phối máu cấp máu đi hơn 30 cơ sở y tế trên khắp miền Bắc. Bên cạnh Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… cũng là những đơn vị cần cấp máu nhiều nhất.
Mỗi đơn vị máu trước khi xuất đi đều cần được trải qua một quy trình nghiêm ngặt cả về cập nhật thông tin lẫn xử lý, bảo quản. Do đó, việc xuất kho bình quân hơn 1.000 đơn vị máu mỗi ngày để cấp cho các cơ sở y tế tạo ra áp lực công việc rất lớn lên lực lượng của khoa.
Những bước chân gấp gáp, tiếng chuông đường dây nóng liên tục reo vang và những túi máu được luân chuyển không ngừng… đã bộc lộ rõ "sức nóng" tại nơi đây.
2h chiều, hàng trăm đơn vị máu đã nằm ngay ngắn trong các thùng vận chuyển nhanh chóng được sắp xếp vào 6 xe chuyên chở.
Từ đây, những giọt máu quý giá sẽ được tỏa đi khắp các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội, để đến với điểm dừng chân cuối cùng: Những người bệnh cần máu.
Tại kho dự trữ máu lớn nhất cả nước này, ánh điện bật sáng 24/24h và guồng quay công việc của những "shipper" đặc biệt vẫn luôn hối hả như vậy, bất kể là ngày hay đêm, để đảm bảo dòng chảy liên tục của sự sống.
Bài: Minh Nhật
Ảnh: Minh Nhân