Người lớn, trẻ nhỏ lâm nguy vì nuốt vật nguy hiểm nhưng không đi viện ngay
(Dân trí) - Sau khi nuốt dị vật vào miệng, các bệnh nhân không được đưa đi khám ngay, khiến một thời gian sau lâm vào tình trạng khó thở, đau bụng, tính mạng nguy hiểm.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ nơi này vừa cứu thành công một trường hợp bé trai 6 tuổi bị hóc dị vật nguy hiểm ở đường thở.
Bệnh nhi là bé A. (6 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang). Theo lời kể người nhà, cách nhập viện 7 ngày, bé đang cười thì bị em gái quăng đầu bút bi vào miệng. Sau khi sự việc xảy ra, bé ho sặc sụa, không tím tái nên không được can thiệp ngay.
Một tuần sau, vì tình trạng khó thở của bé không giảm, gia đình quyết định đưa trẻ đi khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Kết quả được chụp CT tại đây nghi ngờ bệnh nhi có dị vật trong phế quản gốc trái.
Nhờ sự phối hợp của ekip phẫu thuật và gây mê giàu kinh nghiệm, bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Phạm Hoàng Vinh, khoa Tai Mũi Họng đã soi đường thở, gắp ra dị vật là đầu bút dài khoảng 1cm ở phế quản bệnh nhi. Sau can thiệp, đường thở bé ổn, không chảy máu.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé bình thường, không còn khó thở và ăn uống được.
Theo bác sĩ Vinh, dị vật đường thở rất nguy hiểm, có thể làm tắc nghẽn hô hấp, gây khó thở cho bệnh nhân, thậm chí tử vong. Do vậy, người nhà cần tránh cho trẻ thói quen ngậm đồ vật trong miệng.
Còn tại một bệnh viện khác ở TPHCM, anh D. (29 tuổi, quê Tây Ninh) đến khám trong tình trạng đau bụng dồn dập, trầm trọng. Người bệnh cho biết cách đây 3 tháng đã vô tình nuốt 1 chiếc đũa. Nghĩ rằng chiếc đũa sẽ tự ra ngoài bằng cách đại tiện, anh không đi khám cho đến ngày bị biến chứng phải đi cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu khẩn trương chụp CT, phát hiện có một dị vật giống que gỗ tại tá tràng người bệnh. Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa được triển khai, giúp ekip điều trị đi đến thống nhất cho bệnh nhân nội soi đường tiêu hóa trên bằng ống mềm để lấy dị vật.
Quá trình can thiệp, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Nhã, Trưởng khoa Nội soi phát hiện dị vật là một chiếc đũa tre dài, một đầu cắm sâu và gây thủng tá tràng. Ekip nội soi bắt buộc phải tìm được một đầu của chiếc đũa thì mới rút được ra. Tuy nhiên, nguy cơ gây xâm lấn các vùng tạng xung quanh là rất lớn.
Có lúc, phương án mổ mở được đưa ra, để tiếp cận và lấy dị vật trong người bệnh nhân dễ dàng hơn. Nhưng với tinh thần cố gắng hết sức để giúp hạn chế tối đa tổn hại về sức khỏe cho người bệnh, các bác sĩ khoa Nội soi kiên nhẫn dịch chuyển nhẹ nhàng để lộ ra một đầu đũa.
Thông qua ống nội soi, các bác sĩ đưa vào một đầu dây thòng lọng, thắt chiếc đũa và rút ra qua đường thực quản, miệng. Chiếc đũa sau khi lấy ra ngoài có chiều dài đo được là 18cm, là loại đũa ăn dùng một lần. Ngay sau khi rút được dị vật, các bác sĩ phát hiện một lỗ thủng lớn, sâu ở tá tràng người bệnh.
Ekip điều trị tiến hành đặt ống thông dạ dày nuôi ăn đường tĩnh mạch và chuyển bệnh nhân qua khoa Ngoại tổng quát để tiếp tục theo dõi điều trị vùng tá tràng thương tổn. Hiện tại, sức khỏe anh D. đã ổn định.
Bác sĩ Nhã cho biết, nếu không điều trị kịp thời, dị vật để lâu trong ổ bụng sẽ gây nhiễm trùng nặng do viêm phúc mạc, thậm chí dẫn đến tử vong.
Qua những trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân, nếu chẳng may nuốt dị vật cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám và chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện sớm và xử lý dị vật, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho người bệnh.