Tai nạn khi ăn uống khiến nhiều người lâm nguy, tử vong

Biên Thùy

(Dân trí) - Chỉ vì một khoảnh khắc sơ ý trong sinh hoạt và ăn uống, nhiều người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm. Thậm chí, có trường hợp không qua khỏi.

Ngày 7/7, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trọng Tường, chuyên khoa Nội soi cho biết, bệnh viện nơi ông làm việc vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp hóc dị vật nguy hiểm.

Bệnh nhân là ông L.H.H. (48 tuổi, quê Đồng Tháp). Khai thác bệnh sử, trước đó bệnh nhân ăn sáng rồi lấy thuốc uống. Do sơ ý,  người đàn ông uống luôn viên thuốc còn nguyên vỏ có cạnh sắc nhọn. Hậu quả, khi bệnh nhân phát hiện vướng vỏ thuốc đã đau nhiều vùng cổ, nên nhanh chóng vào bệnh viện cấp cứu.

Tai nạn khi ăn uống khiến nhiều người lâm nguy, tử vong - 1

Hình ảnh nội soi cho thấy viên thuốc nằm trong thực quản bệnh nhân (Ảnh: BV).

Qua nội soi, bác sĩ phát hiện cách cung răng trên của bệnh nhân khoảng 23cm có dị vật là viên thuốc còn vỏ, kích thước khoảng 16mm. Ekip điều trị khoa Nội soi dùng dụng cụ chuyên dụng gắp dị vật ra ngoài an toàn. Hậu can thiệp, bệnh nhân hết nuốt vướng, hết khó chịu và về nhà ngay trong ngày.

Theo bác sĩ Tường, uống thuốc chưa bóc vỏ rất nguy hiểm, vì viên thuốc kẹt có thể gây viêm loét hoặc thủng thực quản, thậm chí biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng nếu không gắp ra kịp thời.

Trước đó vào đầu tháng 7, ông T.V.H. (61 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ăn cơm chiều cùng cá biển thì phát hiện bị mắc xương, có cảm giác nuốt vướng, đau nhiều vùng cổ. Người đàn ông nuốt cơm nguội với hy vọng xương sẽ trôi xuống. Nhưng sau hành động này, bệnh nhân cảm thấy đau họng, đau sau xương ức ngày càng nhiều.

Tai nạn khi ăn uống khiến nhiều người lâm nguy, tử vong - 2

Hóc xương cá sắc nhọn là tình huống cấp cứu rất phổ biến (Ảnh: BV).

Thời điểm vào viện cấp cứu, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định nội soi, phát hiện có dị vật thực quản đoạn 1/3 dưới, loét nông niêm mạc thực quản tại vị trí dị vật kẹt và đoạn 2/3 trên thực quản, có mủ.

Bệnh nhân cũng được tiến hành gắp dị vật bằng dụng cụ chuyên dụng kịp thời, nên thoát khỏi nguy cơ thủng thực quản.

Tương tự, một bệnh nhân nam 43 tuổi (ngụ tỉnh Vĩnh Long) cũng bị đau vùng cổ và sau xương ức khi ăn cà ri vịt. Nếu không kịp thời gắp mảnh xương kích thước 25x5mm do vô ý nuốt phải, bệnh nhân có thể bị biến chứng nặng ở thực quản - dạ dày.

Còn tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), thời gian qua nơi này tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân lớn tuổi hít sặc thức ăn, nước uống (trung bình mỗi ngày 1-2 ca). Thậm chí, có 2 trường hợp đã tử vong vì hít sặc thức ăn trước khi vào viện, hoặc biến chứng nguy hiểm gây suy hô hấp, phải điều trị hồi sức tích cực.

Tai nạn khi ăn uống khiến nhiều người lâm nguy, tử vong - 3

Bệnh nhân bị hít sặc điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (Ảnh: BV).

Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Trang, khoa Cấp cứu, người cao tuổi thường gặp phải tình trạng sa sút trí tuệ hay đãng trí, nhiều bệnh lý nền, dẫn đến giảm khả năng phản xạ nuốt, nên nguy cơ bị hít sặc khi ăn uống rất lớn.

Với người trẻ, việc lạm dụng rượu bia, say xỉn cũng khiến cơ thể mất kiểm soát, gây rối loạn chức năng nhai nuốt. Ngoài ra, việc ăn uống không tập trung ăn, "vừa ăn vừa xem" hoặc nói chuyện cũng rất dễ gây ra hiện tượng sặc.

Các bác sĩ cảnh báo, việc hóc dị vật có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Trường hợp mắc các dị vật có kích thước lớn, nhiều góc cạnh, sắc nhọn như xương, sợi kẽm, vỏ thuốc, cây tăm… người bệnh không nên tự ý dùng tay lấy ra hoặc nuốt cơm theo lời dân gian, rất dễ làm cho dị vật đi sâu vào trong và khó gắp ra.

Thay vào đó, người dân nên đến ngay bệnh viện, để được xử lý an toàn và hiệu quả.