Người đàn ông ngứa, lở loét vùng sinh dục, phát hiện ổ rận
(Dân trí) - Người đàn ông hơn 30 tuổi đến khám trong tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ở cơ quan sinh dục, vùng tổn thương bị chảy máu, lở loét. Các bác sĩ phát hiện rận mu làm ổ ở vùng lông mu, khu vực tổn thương.
Đây là một bệnh nhân đến khám tại khoa Nam học, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gần đây. Theo bác sĩ, tình trạng ngứa ngáy của bệnh nhân càng trở nên nghiêm trọng hơn vào buổi tối.
Sau khi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định xét nghiệm tìm ký sinh trùng ký sinh trên cơ thể. Kết quả hình ảnh cho thấy rận mu nhiều chân bám rất chắc vào vùng lông mu và các vùng tổn thương.
Rận mu thường lây qua con đường quan hệ tình dục và phổ biến nhất ở người lớn. Đôi khi, bệnh có thể lây qua tiếp xúc cá nhân hoặc qua các vật dụng như quần áo, khăn trải giường hoặc khăn tắm mà người bị nhiễm bệnh đã sử dụng.
Theo thống kê, tỷ lệ nam giới mắc bệnh có xu hướng cao hơn, do lông của họ dày, rậm hơn nhiều so với nữ giới. Đây là điều kiện thuận lợi để rận sinh sôi, phát triển và lây lan sang những người xung quanh.
TS Nguyễn Văn Dũng, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện một số trường hợp người dân bị rận bẹn hay rận mu. Đây không phải là bệnh quá phổ biến nhưng cũng khá nhiều người ở Việt Nam gặp phải. Rận mu có thể gặp ở bất kỳ ai, độ tuổi nào.
"Loài rận này thường sống ký sinh trên những vùng cơ thể có lông, ở vùng ẩm ướt như vùng mu. Một số trường hợp như trẻ em chưa có lông mu nhưng vẫn bị rận mu tấn công và xuất hiện ở mi mắt", TS Dũng nói.
Theo ông, nhiễm rận mu là một trong những bệnh tế nhị. Con đường truyền bệnh là qua đường quan hệ tình dục. Vì thế, người bệnh thường ngại đi khám và tự mày mò tìm cách chữa trị. Bệnh có thể truyền qua cả trẻ em do bố mẹ truyền cho con trong quá trình sinh hoạt hằng ngày.
Triệu chứng của người bị nhiễm rận mu
TS Dũng cho biết, đa phần người bị rận mu không biết mình bị nhiễm bệnh bởi loại côn trùng này không dễ phát hiện. Rận mu nhỏ hơn chấy, hơi tròn tròn, có màu sáng, sau khi hút máu người thì sẽ chuyển sang màu nâu đỏ. Khi nó xuất hiện ở vùng mắt, mọi người chỉ nghĩ đó là gỉ mắt hoặc khi thấy ngứa nhiều ở vùng mu, thấy rận bò ra thì mới biết đó là côn trùng.
Vòng đời của rận mu bắt đầu từ khi là trứng và trở thành con trưởng thành hút máu thì thường kéo dài khoảng 7 ngày.
"Người bệnh thường thấy ngứa rất khủng khiếp bởi ngoài cắn và hút máu ra, rận mu có hai càng như càng cua bám chắc vào da của người gây ngứa. Rận mu khi bám vào cơ thể người sẽ rất khó rơi ra ngoài", TS Dũng phân tích.
Đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về khả năng gây bệnh rận mu. Tuy nhiên điều nó gây phiền toái nhất chính là ngứa, khó chịu.
TS Dũng khuyên người dân nếu gặp trường hợp ngứa ở vùng mi mắt nhưng xét nghiệm không phải viêm kết bờ mi thì nên đến những cơ sở chuyên môn về ký sinh trùng để khám, điều trị.
Thông thường chỉ một liệu trình điều trị là khỏi. Thuốc điều trị bệnh rất rẻ, tuy nhiên, người dân tuyệt đối không được tự ý tự bôi thuốc này lên mi mắt. Thay vào đó, bác sĩ phải gắp rận và trứng rận mu bằng kính hiển vi.
Sử dụng sữa rửa mặt, sữa tắm không diệt được rận mu. Sữa tắm hay các loại xà phòng tẩy rửa chỉ làm rận mu tạm thời không hoạt động, người bệnh đỡ ngứa chốc lát.