1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khánh Hòa:

Muỗi nuôi ở Nha Trang ức chế sự phát triển của vi rút Zika

(Dân trí) - Ngày 6/3, ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có văn bản phúc đáp, thông tin chính xác về muỗi Aedes aegypti đang nuôi thử nghiệm tại Nha Trang, có phải là trung gian truyền vi rút Zika hay không.

Đảo Trí Nguyên, Nha Trang, nơi thả muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia
Đảo Trí Nguyên, Nha Trang, nơi thả muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản giao Sở Y tế Khánh Hòa làm việc cụ thể với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xác định, làm rõ thông tin chủng muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn có tác nhân sinh học Wolbachia để loại trừ bệnh sốt xuất huyết (đang triển khai ở đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang) có thể mang vi rút Zika gây bệnh teo não ở người hay không và đề xuất phương án giải quyết. UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản trên sau khi một trang báo cho rằng loại muỗi này có thể phát sinh hoặc trung gian lây truyền vi rút Zika.

Theo văn bản phúc đáp của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, muỗi vằn tự nhiên có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở nước ta. Loại muỗi này có thể truyền vi rút Dengue (gây bệnh SXH), vi rút Chikungunya và vi rút Zika khi chúng hút máu người bệnh có vi rút nêu trên. Tuy nhiên, muỗi vằn chỉ là trung gian truyền bệnh chứ không thể làm phát sinh vi rút SXH hay Zika.

Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sử dụng tại đảo Trí Nguyên trong khuôn khổ dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam” (một dự án thành phần của Chương trình “Loại trừ SXH” toàn cầu do Đại học Monash của Australia chủ trì) có nguồn gốc từ đảo Trí Nguyên, có khả năng khống chế sự phát triển của vi rút Dengue trong chủng muỗi này, an toàn với con người và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng cho hay, qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia còn có khả năng “ức chế sự phát triển của vi rút Chikungunya, vi rút Zika”. Tại thực địa đảo Trí Nguyên, nơi đã được ứng dụng thả muỗi mang tác nhân sinh học Wolbachia từ tháng 5/2014 đến tháng 11/2014, kết quả bước đầu cho thấy không có dịch SXH trên đảo Trí Nguyên kể từ năm 2014 cho tới nay, trong khi đó năm 2015 là năm tại TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa có dịch SXH lớn.

Trong một diễn biến khác, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, địa phương đã ghi nhận hơn 2.300 ca mắc SXH, trong đó đã ghi nhận 1 ca tử vong ở TP Cam Ranh. Sở Y tế Khánh Hòa nhận định, vào tháng 6-7/2016, tình hình dịch SXH có thể tăng trở lại vì hàng năm dịch SXH ở Khánh Hòa chủ yếu bùng phát vào khoảng tháng 6-7 và tháng 9-10 do các yếu tố khí hậu thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa…

Trước đó, trong năm 2015, toàn tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 9.000 ca mắc SXH, tăng 8,6 lần so với năm 2014, trong đó có 3 ca tử vong ở huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, số ca mắc SXH trong năm 2015 cao nhất trong vòng hơn 1 thập niên qua. Cụ thể từ năm 2004 đến 2015, đã xảy ra 5 vụ dịch SXH nhưng vụ dịch có số ca mắc SXH cao nhất là gần 7.000 ca.

Viết Hảo

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika