Diệt một loại muỗi phòng được hai loại bệnh nguy hiểm
(Dân trí) - Muỗi Asdes là vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, nó cũng truyền loại bệnh Zika mới nổi gây teo não ở trẻ sơ sinh. Ngành y tế kêu gọi cộng đồng chung tay tiêu diệt muỗi để phòng cùng lúc hai loại bệnh trên, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Khí hậu của Việt Nam đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam rất thuận lợi cho loài muỗi Asdes aegypti sinh sôi phát triển. Đây là loài đã và đang gây ra dịch sốt xuất huyết hoành hành dữ dội nhiều thập kỷ qua nhưng chưa có vắc xin cũng như giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2015, sốt xuất huyết đã khiến gần 82.000 người trên cả nước mắc bệnh với 52 ca tử vong.
Từ cuối năm 2015 đến nay, thế giới đang quay cuồng trong nỗi khiếp sợ với căn bệnh mang tên Zika gây teo não ở trẻ sơ sinh và ảnh hưởng đến thần kinh ở người trưởng thành cũng có nguồn lây nhiễm từ vật chủ trung gian là muỗi Asdes. Đây là bệnh đã được phát hiện từ năm 1947, tuy nhiên trong nhiều năm chỉ ghi nhận một số trường hợp rải rác ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh Zika lần đầu tiên được phát hiện tại Thái Bình Dương, đến nay bệnh tiếp tục lây lan sang châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương, châu Á. Nguy cơ vi rút Zika bùng phát trên toàn cầu đang đe dọa sức khỏe nhân loại.
Tại khu vực châu Á, bệnh đã xuất hiện ở Thái Lan và Trung Quốc – quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, Việt Nam có sự sinh sống rất phổ biến của loài muỗi Asdes nên nguy cơ bùng phát dịch Zika đặc biệt lớn. Mặc dù thời gian qua, ngành y tế đã nỗ lực phòng chống dịch bệnh từ xa qua các hình thức kiểm soát sức khỏe của hành khách nhập cảnh qua sân bay, cửa khẩu. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận, bệnh Zika đã từng được phát hiện ở một số quốc gia với nguồn lây bản địa, hoàn toàn không có yếu tố ngoại nhập.
Để đẩy lùi dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, đồng thời ngăn chặn bệnh Zika ngày 5/3, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch kêu gọi: “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: “Cũng như sốt xuất huyết, vi rút Zika hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Để tránh nguy cơ mắc phải hai căn bệnh nguy hiểm trên, giải pháp hiệu quả và đơn giản nhất là diệt muỗi. Bà con nhân dân hãy thả cá bảy màu, vệ sinh những dụng cụ chứa nước, thu dọn vật phế thải và dọn dẹp các hố, hốc tự nhiên chứa nước,… không cho muỗi có môi trường thuận lợi để đẻ trứng.”
Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu ngành y tế thành phố cần tăng cường các biện pháp truyền thông, nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh; thực hiện triệt để công tác giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất; sẵn sàng mọi vật tư y tế và trang thiết bị để ứng phó khi có ca bệnh xuất hiện.
Tại buổi lễ phát động chiến dịch, Sở Y tế thành phố và UBND các quận huyện đã thực hiện ký cam kết,tăng cường chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức, ban ngành trên địa bàn, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống Zika và sốt xuất huyết theo thông điệp của Bộ Y tế. UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế thành phố, các bệnh viện; UBND các quận huyện phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chủ động phòng chống bệnh Zika và sốt xuất huyết. Chủ động triển khai các chiến dịch cao điểm diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh trong cộng đồng.
Sau lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát về thực trạng muỗi lưu hành ở một số hộ gia đình ngụ tại huyện Bình Chánh. Bộ trưởng Kim Tiến đã bày tỏ mối quan ngại trước tình trạng các công trình xây dựng còn dang dở, nhiều bể chứa nước, vật phế thải ngổn ngang, ngay trong thời điểm mùa khô vẫn xuất hiện lăng quăng, bọ gậy. Bộ trưởng kêu gọi cộng đồng hãy nâng cao ý thức và tình thần trách nhiệm chung, tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Vân Sơn