Khánh Hòa:

“Không có lý do gì để xa lánh bệnh nhân Zika”

(Dân trí) - Làm việc với tỉnh Khánh Hòa, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh, vi rút Zika không lây qua các con đường thông thường như ăn uống, sinh hoạt, hô hấp… nên không có lý do gì mà "xa lánh" các bệnh nhân nhiễm virút Zika.

Khánh Hòa nỗ lực ứng phó với Zika

Bộ Y tế: “Vi rút Zika có nguy cơ lan rộng ở Khánh Hòa”

Trong buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa chiều 5/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, TP Nha Trang là thành phố du lịch nên “nguy cơ lan rộng vi rút Zika là rất lớn”. Lý do là việc giao lưu, tham quan, đi lại thường xuyên và Khánh Hòa là trọng điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), mà muỗi truyền bệnh SXH cũng là muỗi truyền vi rút Zika.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, biểu hiện của bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika là nhẹ, 80% là không có triệu chứng và việc phát hiện các trường hợp không có triệu chứng là rất khó. “Bệnh nhân nhiễm vi rút Zika không lây qua đường hô hấp, không lây qua đường tiếp xúc nên chúng ta không có vấn đề gì mà xa lánh với bệnh nhân. Chúng tôi rất sợ là sau sự kiện này, trong tổ dân phố, trong bà con, làng xóm… người ta xa lánh với người bệnh”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng lo ngại.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng không những Khánh Hòa mà các địa phương cần tổ chức các chiển dịch để “cắt đứt” các nguồn lây bệnh, véctơ lây bệnh. “Tổ chức phun hóa chất, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy một cách triệt để, càng làm tốt thì chúng ta mới cắt đứt bởi nếu có bệnh nhân mà không có muỗi thì cũng không sao”, ông Phu nêu phương án phòng, chống vi rút Zika.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định Khánh Hòa có nguy cơ thêm ca nhiễm mới vi rút Zika
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định Khánh Hòa có nguy cơ thêm ca nhiễm mới vi rút Zika

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá sau trường hợp một nữ bệnh nhân 64 tuổi ở TP Nha Trang bị nhiễm vi rút Zika thì nhiều khả năng Khánh Hòa sẽ có thêm các ca nhiễm Zika mới. Qua kiểm tra, đánh giá ban đầu, Thứ trưởng Long cho hay trường hợp này nhiễm vi rút Zika là do muỗi đốt và loại trừ bệnh nhân bị lây qua đường quan hệ tình dục. Hiện Viện Pasteur Nha Trang đã lấy mẫu để kiểm tra, đánh giá khả năng lây nhiễm ở khu vực này.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, nếu các phụ nữ mang thai dưới 3 tháng thấy có dấu hiệu bất thường thì đến các cơ sở y tế để xét nghiệm, với các phụ nữ mang theo ngoài 3 tháng cũng không nên lo lắng quá mức. “Trong thời điểm hiện nay cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt việc diệt lăng quăng, bọ gậy, đồng thời cần phun thuốc trên diện rộng hơn, ở nơi có mật độ muỗi cao, nơi có nhiều du khách nước ngoài lưu trú…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Khánh Hòa lập tức “khoanh vùng”, khống chế vi rút Zika

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở VH&TT&DL tỉnh Khánh Hòa, cho biết, từ trước khi ghi nhận ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên ở địa phương, ngành du lịch đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch thực hiện 4 nội dung, gồm: cập nhật thường xuyên về dịch bệnh từ Bộ Y tế; thực hiện các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của ngành y tế tại cơ sở kinh doanh của mình; chủ động trong truyền thông, hướng dẫn khách du lịch trong việc phòng, chống, tự bảo vệ mình và kịp thời trong việc phối hợp với các cơ quan của ngành y tế khi phát hiện du khách có biểu hiện nghi vấn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

“Chúng tôi nghĩ đã và đang vào cuộc một cách tích cực, nhanh chóng và dùng tất cả các biện pháp có thể được để hạn chế đến mức tối đa tác hại này. Và du khách cũng như người dân sẽ luôn thực hiện các biện pháp bảo vệ tốt nhất có thể được mà chính quyền địa phương đang làm”, bà Trúc nói.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã và đang tiến hành một chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng hết sức mạnh mẽ để phòng, chống virút Zika
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã và đang tiến hành một chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng "hết sức mạnh mẽ" để phòng, chống virút Zika

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, từ trước khi phát hiện ca nhiễm vi rút Zika, địa phương đã nâng mức độ cảnh báo lên mức 2 và thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trong cộng đồng để phòng chống SXH, phòng chống vi rút Zika. “Ngay khi phát hiện ca bệnh trên địa bàn TP Nha Trang, chúng tôi đã lập tức tiến hành khoanh vùng, dập dịch và có kế hoạch đồng loạt mở rộng can thiệp về phun thuốc, kiểm tra từng hộ gia đình trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy”, ông Nguyễn Đắc Tài cho biết.

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trong ngày 6/4, tỉnh sẽ tổ chức phun thuốc diệt muỗi, hóa chất ở một số địa bàn trọng điểm với phạm vi rộng hơn và tiếp tục làm mạnh mẽ ở một số địa bàn có khả năng lan rộng vi rút Zika. “Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các Ban chỉ đạo các cấp, từ xã đến huyện phải tập trung, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống, đặc biệt là tuyên truyền người dân diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng,… để hạn chế tình trạng phát sinh các nguy cơ có khả năng lây lan dịch bệnh”, ông Vinh cho biết.

Khánh Hòa công bố dịch Zika

Ngày 5/4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khẩn công bố dịch ở quy mô xã, phường. Theo đó, địa điểm xảy ra dịch bệnh virút Zika là phường Phước Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virút Zika.

Viết Hảo

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika