Muỗi vằn nuôi ở Nha Trang áp chế được Zika?

Nhiều thông tin trái chiều về việc muỗi vằn nuôi ở Nha Trang, Khánh Hòa có khả năng áp chế hoặc là trung gian truyền vi rút Zika gây teo não

Ngày 2/3, trong khuôn khổ cuộc họp các sở ngành, địa phương bàn về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng việc nuôi muỗi vằn mang tác nhân sinh học Wolbachia (gọi tắt là muỗi W) để diệt trừ muỗi SXH Dengue ở đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hy vọng sẽ áp chế được cả vi rút Zika gây teo não

Như Báo Người Lao Động đã đăng tải, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa yêu cầu Sở Y tế kiểm tra thông tin cho rằng loại muỗi W ức chế và giảm khả năng lây truyền vi rút SXH ở muỗi Aedes aegypti (gọi tắt là muỗi A) mà một dự án đang thực hiện ở đảo Trí Nguyên có thể làm phát sinh hoặc trung gian lây truyền vi rút gây teo não Zika.

Ông Lâm Quang Chứng, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết sở đang chờ Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (chủ trì dự án) làm rõ mới có thể thông tin chính thức.

Nuôi muỗi mang tác nhân Wolbachia ở đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa- ảnh Viện VSDT TW
Nuôi muỗi mang tác nhân Wolbachia ở đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa- ảnh Viện VSDT TW

Tuy vậy, nhiểu chuyên gia tham gia cuộc họp cho rằng muỗi W có khả năng ức chế được vi rút Dengue thì cũng có thể ức chế được cả vi rút Zika.

Theo ông Chứng, năm 2015, Khánh Hòa có gần 9.200 ca mắc SXH Dengue, trong đó 3 ca tử vong, cao nhất trong 12 năm qua. Tuy vậy, ở đảo Trí Nguyên, nơi đang triển khai nuôi muỗi W để loại trừ bệnh SXH, chưa ghi nhận ca bệnh nào. Như vậy, hiệu quả dự án đã có, dự án đang khảo sát, đánh giá để triển khai cho toàn TP Nha Trang. Về vius Zika, theo ông Chứng, phương thức lây truyền như SXH Dengue thông qua muỗi A.

Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc vi rút Zika. Bản thân muỗi mới sinh ra không mang các loài vi rút trên, không tự phát sinh ra vi rút. Nó chỉ đóng vai trò trung gian truyền bệnh từ người đã bị nhiễm vi rút sang người khác.

Ông Lê Trung Nghĩa, Trưởng Khoa kiểm soát vector – Viện Pasteur Nha Trang, cho rằng thông tin về việc muỗi W trung gian truyền virus Zika ở đảo Trí Nguyên là không đúng. Vì muỗi A truyền bệnh SXH Dengue cũng là muỗi trung gian truyền virus Zika gây bệnh teo não người. Loại muỗi này ở Việt Nam rất nhiều. Việc nuôi muỗi W ức chế được vi rút Dengue đang được hy vọng sẽ ức chế được cả Zika.

Cùng quan điểm trên, bác sĩ Lê Hồng Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 87, cho biết: “Muỗi A mang được 3 loại vi rút Dengue, Chikungunya và Zika. Hy vọng rằng nếu cùng một vật chủ trung gian, loại muỗi W khống chế được vi rút Dengue ở Trí Nguyên thành công thì có thể ứng dụng để áp chế được cả vi rút Zika”.


Nghiên cứu muỗi mang tác nhân Wolbachia ức chế được vi rút Dengeu kỳ vọng ức chế được Zika

Nghiên cứu muỗi mang tác nhân Wolbachia ức chế được vi rút Dengeu kỳ vọng ức chế được Zika

Với TP du lịch như Nha Trang, mỗi ngày có hàng ngàn du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng thì việc tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi rút Zika rất lớn. “Việc ngăn chặn Zika tuyệt đối là không thể. Do đó, cần có phương án sớm phát hiện, xác định ca bệnh, cách ly ngay các cửa khẩu. Việc diệt được muỗi vằn chính là cách phòng ngừa Zika hữu hiệu nhất” - bác sĩ Quang nhận xét.

7 Quốc gia ứng dụng Wolbachia diệt Dengue

Ông Lâm Quang Chứng cho biết Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia” đang triển khai giai đoạn khảo sát đánh giá tình hình SXH Dengue ở Nha Trang chứ chưa thả loài muỗi này ra toàn TP. Dự án đưa vào nghiên cứu từ năm 2005, do Úc là nước đi tiên phong. Hiện có 7 quốc gia chính thức tham gia dự án: Úc, Brasil, Indonesia, Trung Quốc, Colombia, Singapore và Việt Nam.

Theo Kỳ Nam

Người lao động

Dòng sự kiện: Ứng phó với bệnh Zika