Một bệnh viện ở TPHCM 3 tháng dùng 90 tỷ đồng bảo hiểm y tế, sắp tăng thêm

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TPHCM, trung bình mỗi quý, bệnh nhân vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh sử dụng khoảng 90 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế chi trả.

Ngày 16/6, khoa Khám bệnh số 2, trực thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nằm trên cơ sở của Trạm y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) đã chính thức đi vào hoạt động.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trước đây nơi đặt khoa Khám bệnh số 2 là phòng khám vệ tinh, quy mô hoạt động nhỏ, các thuốc và trang thiết bị điều trị cũng bị hạn chế.

Một bệnh viện ở TPHCM 3 tháng dùng 90 tỷ đồng bảo hiểm y tế, sắp tăng thêm - 1

Khoa Khám bệnh số 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh vừa đi vào hoạt động (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong khi đó, khoa Khám bệnh ở trụ sở chính của bệnh viện mỗi ngày phải khám 3.200-3.500 bệnh nhân rải đều ở các chuyên khoa, gây nên tình trạng quá tải.

Do đó, đơn vị đã mạnh dạn đề xuất với Sở Y tế TPHCM được thực hiện mô hình khoa Khám bệnh số 2, trước mắt bố trí 6 phòng khám gồm các chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Mắt, Tai Mũi Họng. Ngoài ra còn có phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và khu vực tiếp nhận cấp cứu, tiêm ngừa

Theo bác sĩ Khanh, dù khoa Khám bệnh số 2 trực thuộc bệnh viện đa khoa hạng 1 nhưng về phương thức hoạt động tương đương một phòng khám hạng 3. Do đó, danh mục kỹ thuật phụ thuộc vào số lượng y bác sĩ, khả năng điều trị kèm các thuốc tương ứng.

Một bệnh viện ở TPHCM 3 tháng dùng 90 tỷ đồng bảo hiểm y tế, sắp tăng thêm - 2

Khu vực đặt các loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả của khoa Khám bệnh số 2, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh viện đã xin Sở Y tế được phép mở rộng thêm danh mục thuốc để phục vụ tốt nhất việc khám chữa bệnh của người dân.

Kể từ được thử nghiệm mô hình trên, trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh số 2 tiếp nhận 60-80 bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi và người mắc bệnh lý mạn tính. Khi bệnh nhân gặp trường hợp cấp tính, các nhân viên y tế sẽ xử lý ban đầu, sau đó tùy tình trạng sẽ điều xe cấp cứu đưa bệnh nhân đi bệnh viện.

Về quy mô, khoa Khám bệnh số 2 có tổng cộng 22 nhân sự, trong đó có 8 bác sĩ và 14 điều dưỡng, kỹ thuật viên, hầu hết đều là các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Một bệnh viện ở TPHCM 3 tháng dùng 90 tỷ đồng bảo hiểm y tế, sắp tăng thêm - 3

Khu vực tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu của khoa Khám bệnh số 2 (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, sắp tới đây đơn vị sẽ triển khai thêm dịch vụ khám bệnh tại nhà, giúp bà con ở khu vực xa được chăm sóc sức khỏe thuận tiện.

Đồng thời, người dân sống tại khu vực phường Thảo Điền hầu hết là người có điều kiện kinh tế, tại đây cũng có nhiều trường học quốc tế, nên có nhiều nhu cầu tiêm ngừa và thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng. Ngoài ra, khoa Khám bệnh số 2 cũng là nơi tiếp nhận đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Có mặt tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM cho biết, việc khoa Khám bệnh số 2 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đi vào hoạt động sẽ giúp thực hiện tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe theo hướng "gần dân".

Theo đó, người dân mắc bệnh mạn tính, tuổi cao, sức khỏe yếu sẽ có cơ hội tiếp cận y tế chất lượng tốt hơn mà không phải đi lại xa xôi.

Một bệnh viện ở TPHCM 3 tháng dùng 90 tỷ đồng bảo hiểm y tế, sắp tăng thêm - 4

Cô Hoàn, 64 tuổi (bệnh nhân phía trước) cho biết đã không còn di chuyển xa để khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như trước đây (Ảnh: Hoàng Lê).

Bà Hằng chia sẻ, hiện nay có khoảng 150.000 lượt người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi một quý Bảo hiểm xã hội chi trả 90 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh tại đây.

Sau khi khoa Khám bệnh số 2 của bệnh viện hoạt động, dự kiến chi phí trên sẽ tăng thêm hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Về vấn đề thuốc điều trị, bà Hằng cho biết, khoa Khám bệnh số 2 được dùng danh mục thuốc tương đương cơ sở y tế đa khoa hạng 3. Đây là tuyến khám bệnh ban đầu, nên danh mục thuốc nêu trên là phù hợp, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, theo Thông tư 20 của Bộ Y tế liên quan đến danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm y tế, nếu các đơn vị tuyến 3-4 được phê duyệt dịch vụ kỹ thuật như của bệnh viện hạng 1-2 thì vẫn được cấp các thuốc để thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó.