DMagazine

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM

(Dân trí) - Không dừng lại ở việc sức khỏe bị đe dọa, điều làm chị Huệ xót xa nhất là khi chứng kiến người bệnh lâm vào nguy kịch, tìm sự sống.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm trưởng y tế ở TPHCM

(Dân trí) - Không dừng lại ở việc sức khỏe bị đe dọa, điều làm chị Huệ xót xa nhất là khi chứng kiến người bệnh lâm vào nguy kịch, quờ quạng tìm sự sống. "Những cái chết như vậy thật sự rất ám ảnh với người làm ngành y" - chị Huệ chia sẻ.

Những ngày cuối năm, khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp trở lại sau quãng thời gian TPHCM đi vào bình thường mới, áp lực với tuyến y tế cơ sở lại tăng lên. Gác lại nỗi buồn với thông tin gần 1.000 đồng nghiệp xin nghỉ trong 10 tháng đầu năm, những nhân viên trạm y tế phường lại lao mình vào cuộc chiến với Covid-19, dù vất vả khó khăn chất chồng.

Trực đường dây nóng F0 đến nhức tai, ám ảnh

Điều dưỡng Lê Thị Huệ (40 tuổi), Trưởng Trạm y tế phường 7, quận Tân Bình cho biết, những tuần gần đây, số ca F0 phát hiện ở địa phương tăng cao. Ngày 3/12, có số lượng ít nhất, với 6 trường hợp nhiễm bệnh được thống kê. Các ngày trước đó, có khi lên tới 20, thậm chí 30 trường hợp F0 phát hiện qua test nhanh.

Kể từ thời điểm lực lượng quân y rời đi, phường của chị Huệ không còn trạm y tế lưu động. 5 thành viên nhưng phải lo tất tần tật các công việc như điều tra, lập hồ sơ, lấy mẫu xét nghiệm, cấp phát thuốc, chăm sóc sức khỏe cho F0 tận nhà, áp lực công việc với các nhân viên Trạm y tế phường 7 là rất lớn.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 1

Nhân viên y tế phường 7, quận Tân Bình hỗ trợ người dân mùa dịch.

Căng thẳng nhất là vào tháng 8, cả trạm phải căng mình làm từ 6h sáng đến 22h khuya. Hậu quả của việc trực đường dây nóng 24/24h, khiến tai chị Huệ bị ù và đau nhức dữ dội, tâm lý dẫn đến bất ổn. Nhiều đêm chỉ cần nằm xuống nhắm mắt, hình ảnh F0 mệt mỏi, cầu cứu lại hiện lên khiến chị giật mình.

Không thể đi bệnh viện vì không có thời gian và nơi nào cũng quá tải, chị Huệ cùng đồng nghiệp tự tìm những cách gần gũi nhất để gắng vượt qua sự ám ảnh.

"Mình sắm một cái micro nhỏ, khi nào mệt thì tự bật lên hát vài bài xả stress. Trong lúc làm việc, mọi người cũng cố gắng trò chuyện, tâm sự nhiều về những chuyện vui để tinh thần được giải tỏa" - chị Huệ chia sẻ.

Không dừng lại ở việc sức khỏe bị đe dọa, thứ làm chị Huệ xót xa nhất là khi chứng kiến người bệnh lâm vào nguy kịch, quờ quạng tìm sự sống.

"Thời điểm tháng 8, tôi từng nhận những cuộc gọi từ các F0 trong tình trạng khủng hoảng tinh thần. Có người phụ nữ 60 tuổi, sống ở đường Nghĩa Phát bị suy hô hấp nặng cầu cứu, nhưng việc tiếp cận gặp khó khăn vì quá nhiều bệnh nhân. Đến khi chạy được đến nơi, cô ấy đã tắt thở.

Những cái chết như vậy thật sự rất ám ảnh với người làm ngành y" - chị Huệ chia sẻ.

Theo Trưởng Trạm y tế phường 7, hiện tại đa số người dân đã tiêm 2 mũi vaccine nên tình hình dù còn phức tạp nhưng đã lạc quan hơn. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, nghĩ mình chỉ bị cảm sốt nhẹ mà không trình báo, không test Covid-19, để đến khi trở nặng bất ngờ có thể dẫn đến hậu quả đau lòng.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 2
Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 3

Áp lực chồng áp lực khi "bình thường mới"

Những ngày "bình thường mới", ngoài theo dõi sát sao sức khỏe hàng trăm trường hợp đang cách ly tại nhà, trạm y tế của chị Huệ còn phải trở lại các hoạt động thường ngày như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân thông thường.

Đặc biệt, áp lực nhất trong những ngày gần đây là việc giải quyết hồ sơ nhận bảo hiểm nghỉ ốm đau cho các trường hợp người lao động F0. Có ngày, cả chục người liên hệ xin giấy xác nhận nghỉ việc vì Covid-19, khiến các nhân viên y tế phường phải dán mặt vào màn hình xuyên suốt nhiều giờ đồng hồ.

Làm ở tuyến y tế cơ sở 10 năm, lương thực nhận của chị Huệ hơn 8 triệu đồng. Với mức thu nhập này, nữ nhân viên y tế chỉ có thể ở trọ. Từ ngày sinh em bé, gánh nặng với nữ nhân viên y tế phường càng tăng lên khi phải một mình nuôi con.

Khi dịch ở TPHCM bùng lên căng thẳng, chị Huệ phải gửi con trai 8 tuổi về nhà ngoại ở Hà Tĩnh. Mỗi tháng vừa căng mình với Covid-19, người mẹ vừa cố gắng gói ghém vài triệu chuyển về quê. Hy vọng của chị Huệ hiện giờ dồn hết vào tương lai của con. Nhắc đến núm ruột của mình, nữ nhân viên y tế phường có chút chạnh lòng. 4 tháng qua, chị chỉ có thể nhìn con qua màn hình điện thoại.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 4

Mùa dịch, chị Huệ cùng đồng đội đến tận nhà hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân.

Huệ kể, từng thấy nản lòng nhiều lần, khi công việc cứ ập đến liên tục làm chị quá mệt mỏi, phải lo quá nhiều việc mà đồng lương lại thấp. Nhưng mỗi lần trong đầu thoáng qua 2 từ "nghỉ việc", chị lại gạt ngay đi.

Nữ trưởng trạm y tế phường tâm sự, bản thân tự thấy đã lớn tuổi, nếu tìm việc mới sẽ khó khăn. Nhưng lý do lớn hơn cả vì chị vẫn tâm huyết với nghề, bản thân không thể ra đi khi việc chống dịch ở địa phương mà chị gắn bó đang rất ngổn ngang.

Nói về mong muốn, chị Huệ cho rằng, thứ mà tuyến y tế cơ sở cần nhất bây giờ là việc tăng cường nhân sự để hỗ trợ đầy đủ cho người dân, bởi lực lượng hiện tại quá mỏng. Nếu đồng lương cải thiện một chút để lo cho cuộc sống thì mừng hơn, còn không cũng chấp nhận.

"Ai cũng có lúc nản, nhưng mọi người động viên nhau cùng vượt qua. Người dân nếu vì chậm được hỗ trợ mà trách móc nhân viên y tế phường, chúng tôi cũng đành chịu và sẽ cố gắng từng ngày, tới đâu hay tới đó. Ít nhất, tôi phải theo nghề cho đến khi hết dịch" - chị Huệ khẳng định.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 5
Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 6

Một nhân viên y tế gánh 150 F0

Cũng trong tâm thế gắng bám trụ, chị An (tên đã thay đổi), làm việc ở một trạm y tế tại TP Thủ Đức kể, trung bình mỗi ngày gần đây, phường của chị An phát hiện đến 50-60 F0 mới, hiện có khoảng 600 bệnh nhân Covid-19 đang cách ly tại nhà.

Trạm y tế phường chỉ có 5 người nhưng hiện một người đã mắc Covid-19, tức là mỗi nhân viên y tế gánh trung bình 150 F0. Chị An kể, chỉ cần tiếp nhận chậm hoặc thuốc chưa về kịp để cấp phát, nhưng bị người dân phản ánh lên tổng đài 1022, chị cùng các đồng nghiệp sẽ bị cấp trên khiển trách.

Cũng theo nữ nhân viên y tế, với số lượng hàng trăm F0 đang cách ly tại nhà hiện tại trong khi lực lượng quá mỏng, ngoài việc cố gắng của các y bác sĩ, mấu chốt vẫn là sự tự giác, ý thức chống dịch của người dân. Hiện có một bộ phận người dân ở tỉnh lên ở với con và người nhà, chưa được tiêm vaccine đã nhiễm bệnh và thường trở nặng, phải chuyển viện điều trị.

"Mỗi ngày, sau khi đến nhà F0 nắm tình hình, xét nghiệm, hỗ trợ đến 7-8 giờ tối, tôi về trạm nhập hồ sơ tiếp. 5-6 tháng qua không hề có một ngày thứ bảy, chủ nhật. Áp lực quá, một số anh chị em đã viết đơn chờ nghỉ sẵn, nhưng vẫn còn cố chờ xem có chế độ gì cải thiện hơn không", chị An kể.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 7

Áp lực công việc mùa dịch cao, đồng lương ít ỏi nhưng nhiều nhân viên y tế phường vẫn cố bám trụ (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo chị An, có rất nhiều cơ hội khi ra làm việc cho hệ thống y tế tư nhân, nhưng trong hoàn cảnh TPHCM đang căng mình chống dịch khó khăn, nếu bỏ trạm lúc này, chị thấy trong lòng áy náy.

"Hiện nay thành phố đã kêu gọi y tế tư nhân vào cuộc, bác sĩ đến tận nhà chăm sóc F0 sẽ được chi trả chế độ rõ ràng. Trong khi đó chúng tôi làm tất cả đều miễn phí, làm ngày, làm đêm, phục vụ bà con nhưng vẫn bị quở trách. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bỏ y tế công để tìm con đường khác", chị An lý giải.

Bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng Trạm Y tế phường Tam Bình, TP Thủ Đức cho biết, các nhân viên của trạm vừa được UBND phường Tam Bình giải ngân tiền hỗ trợ chống dịch cho lực lượng tuyến đầu, theo Nghị quyết 16 của Thủ tướng Chính phủ đến tháng 9/2021. Số tiền còn lại, địa phương sẽ chuyền trong thời gian sớm nhất.

Trước đó vào tháng 11, báo điện tử Dân trí đã có bài viết "5 tháng chống dịch, nhân viên y tế ở TPHCM mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ". Bài viết phản ánh tình cảnh khó khăn của y bác sĩ tuyến cơ sở tại TPHCM, trong đó có Trạm Y tế phường Tam Bình.

Ông Lê Hữu Hảo, Chủ tịch UBND phường Tam Bình thông tin với Dân trí, quá trình lập dự toán kéo dài khiến việc giải ngân chậm. Địa phương thừa nhận có thiếu sót, đã lập danh sách các trường hợp nằm trong diện nhận hỗ trợ và khẳng định, khi TP Thủ Đức bổ sung ngân sách sẽ chi sớm cho các nhân viên y tế.

Tại phiên chất vấn trong kỳ họp HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra ngày 8/12, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện tại, thành phố có chỉ số bác sĩ/10.000 dân là 20, cao gấp đôi cả nước nhưng vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới. Sự hạn chế này khó nhìn thấy lúc bình thường nhưng bộc lộ rõ trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Trong năm qua, thành phố ghi nhận khoảng 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc vì nhiều lý do. Trong đó có nhiều trường hợp kiệt sức sau gần 8 tháng không nghỉ ngơi ngày nào, thu nhập thấp...

Trước bối cảnh đó, Sở Y tế đã có tờ trình gửi UBND TPHCM đề xuất một số cơ chế, chính sách củng cố, nâng cao hiệu quả nguồn lực y tế cơ sở. Nhiệm vụ trước mắt là thành phố cần kéo giảm số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc bằng cách nâng cao thu nhập, tạo ra các chính sách hỗ trợ.

Ngoài ra, Sở Y tế TPHCM cũng đưa ra phương án thu hút nhân viên y tế về công tác tại trạm y tế cơ sở. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ một phần chi phí công tác đối với các bác sĩ mới tốt nghiệp về các trạm y tế để được cấp chứng chỉ hành nghề.

Ám ảnh cuộc điện thoại F0 cầu cứu trong cơn hấp hối tới trạm y tế ở TPHCM - 8