Món khoái khẩu của nhiều người là thủ phạm hàng đầu gây gan nhiễm mỡ

Minh Nhật

(Dân trí) - Lạm dụng đường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, không chỉ có thể gây tiểu đường, bệnh tim mạch, mà còn dẫn đến hiện tượng tích tụ mỡ quá mức, vốn là nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Đường: Tác nhân hàng đầu gây gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ là bệnh gan mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh khoảng 10-30%.

Sự hình thành gan nhiễm mỡ có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. BS Ou Hanwen chỉ ra rằng, hầu hết mọi người đều nghĩ ăn quá nhiều dầu mỡ sẽ gây ra gan nhiễm mỡ, nhưng trên thực tế, ăn quá nhiều đường mới là nguyên nhân chính.

Món khoái khẩu của nhiều người là thủ phạm hàng đầu gây gan nhiễm mỡ - 1

Nếu bạn ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất bột đường, lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Lúc này, đường huyết sẽ được chuyển hóa thành glycogen dưới tác dụng của insulin. Nếu có quá nhiều glycogen, gan sẽ tích trữ lượng glycogen dư thừa dưới dạng triglyceride và theo thời gian, gan nhiễm mỡ sẽ được hình thành.

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, lượng đường fructose trong khẩu phần ăn ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu cao gấp 2 đến 3 lần so với của người bình thường. Do đó, giảm lượng đường nạp vào là chìa khóa để tránh xa gan nhiễm mỡ.

Hướng dẫn ăn uống lành mạnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2020 cũng chỉ ra rằng, nếu lượng đường nạp vào cơ thể hàng ngày có thể giảm xuống còn 5% tổng lượng calo hoặc ít hơn 25 gam thì sẽ giảm được nguy cơ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có gan nhiễm mỡ.

BS Ou Hanwen khuyến cáo cách tốt nhất để tránh xa gan nhiễm mỡ bao gồm kiểm soát cân nặng, tăng cường tập thể dục và thói quen ăn uống lành mạnh. Đặc biệt đối với những người trung niên và cao tuổi có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao thì một chế độ ăn uống điều độ và giảm lượng đường là thói quen tuyệt đối không thể thiếu.

Ung thư gan nếu chủ quan với gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ có thể tự khỏi bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp kiểm soát, nó có thể tiếp tục tiến triển thành viêm gan. 

Thống kê cho thấy, trong số bệnh nhân gan nhiễm mỡ, khoảng 10-20% sẽ tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, 25-50% tiếp tục tiến triển thành xơ hóa gan, thậm chí có thể phát triển nặng thành xơ gan và ung thư gan.

Món khoái khẩu của nhiều người là thủ phạm hàng đầu gây gan nhiễm mỡ - 2

Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ thường diễn tiến âm thầm và bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Bệnh thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối, khi đã tiến triển thành xơ gan, ung thư gan. Lúc này, phương pháp điều trị duy nhất là ghép gan. Do đó, chuyên gia khuyến cáo việc phòng ngừa sớm trở nên vô cùng quan trọng.

Khi chẩn đoán gan nhiễm mỡ, cần được bác sĩ khám để kiểm tra thêm những yếu tố hay bệnh lý liên quan như mỡ máu, chức năng gan, huyết áp, đái tháo đường, từ đó điều trị đúng mức và có chế độ ăn hợp lý. Người bệnh cần phải giảm cân nếu thừa cân, hạn chế năng lượng dư thừa, hạn chế chất béo (vẫn ăn cá, dầu thực vật vì có chất béo tốt), ăn đạm vừa phải, tăng rau củ, trái cây, ổn định đường huyết, gia tăng vận động cơ thể.

Chế độ ăn cho người bệnh gan nhiễm mỡ là chất bột đường theo nhu cầu, chất đạm vừa đủ, giảm chất béo và tăng cường rau trái.

Các loại thực phẩm như cơm, bún, mì, phở, bánh mì nên ăn ít thì tốt hơn là ăn thừa vì sẽ làm dư năng lượng, càng làm tăng mỡ trong cơ thể và trong gan.

Trong giai đoạn "gan còn khỏe" thì vẫn ăn chất đạm bình thường là khoảng 50g thịt, 100g cá hay một miếng đậu hũ trong một bữa ăn. Tuy nhiên, khi chức năng gan đã kém thì lượng đạm ăn vào phải giảm đi, giảm ít hay nhiều tùy thuộc vào mức độ suy gan.