Đi khám vì nói lắp mới phát hiện não bị nhiễm độc do gan yếu

Minh Nhật

(Dân trí) - Người phụ nữ bất ngờ xuất hiện tình trạng nói lắp, nhưng khi đến bệnh viện thăm khám lại không phát hiện bệnh xuất huyết não hay đột quỵ.

Não bị nhiễm độc vì gan suy yếu

Bà Zhang, 65 tuổi, người Trung Quốc là chủ của một quầy tạp hóa nhỏ. Thường ngày bà rất hoạt ngôn, thường xuyên trò chuyện với khách hàng và người thân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mọi người đều nhận thấy bà Zhang ít nói hơn hẳn. Đến khi nói chuyện, bà lại thường hay nói lắp (tật không hề có trước đây).

Nhận thấy tình trạng bất thường này, con trai đã đưa bà đi thăm khám ở bệnh viện trong khu vực.

Đi khám vì nói lắp mới phát hiện não bị nhiễm độc do gan yếu - 1

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra não bộ của bà Zhang cho thấy cơ quan này không hề có tổn thương, không chảy máu hay có cục máu đông.

Đến khi tiến hành xét nghiệm máu, bác sĩ đã phát hiện bà Zhang bị viêm gan C. Tiếp tục siêu âm phát hiện gan đã bị xơ hóa.

TS.BS Xiao Dunren, người trực tiếp thăm khám cho bà Zhang giải thích: "Vì gan của bệnh nhân bị suy giảm chức năng do xơ gan, dẫn tới giải độc kém. Tình trạng này khiến nồng độ amoniac trong cơ thể cao ảnh hưởng đến não và gây bệnh não gan, từ đó dẫn đến các hành vi bất thường".

Bệnh lý não gan là một tình trạng rối loạn tâm thần thần kinh phức tạp thường xuyên xảy ra trên bệnh nhân có bệnh gan cấp hay mạn tính tiến triển có suy tế bào gan.

Đặc trưng bệnh là thay đổi nhân cách, ý thức, chức năng vận động và hành vi. Biểu hiện thay đổi tâm thần từ mức dưới lâm sàng đến hôn mê.

Mặc dù bệnh học của bệnh não gan không được biết chính xác nhưng những chất có vai trò quan trọng trong bệnh sinh bệnh não gan có thể kể đến như: NH3, benzodiazepines, acid béo chuỗi ngắn, mercaptan, aromatic amino acid, mangan.

Nhận diện các tín hiệu cảnh báo của viêm gan C

Vì không phát hiện kịp thời thời bệnh viêm gan C để có biện pháp điều trị, lá gan của bà Zhang đã bị xơ hóa. Viêm gan C là một bệnh gan nguy hiểm do virus viêm gan C gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng như xơ gan, ung thư gan…

Thông thường, virus viêm gan C không truyền qua đường không khí, ăn uống hay những tiếp xúc hàng ngày như ôm, hôn, bắt tay… Tuy nhiên viêm gan C lại có nguy cơ lây nhiễm rất cao qua đường máu, cụ thể là qua truyền máu, người cấy ghép nội tạng hoặc sử dụng các chế phẩm từ máu. Một số hoạt động liên quan đến máu như xăm hình, xỏ khuyên tai, tiêm chích ma túy cũng là những yếu tố nguy cơ làm lây lan viêm gan C. Không những thế, viêm gan C còn lây lan qua đường tình dục và mẹ truyền sang con.

Đi khám vì nói lắp mới phát hiện não bị nhiễm độc do gan yếu - 2

Sau khi virus viêm gan C vào cơ thể, chúng có thời kỳ ủ bệnh khá dài (khoảng từ 7 - 8 tuần), tiếp sau giai đoạn này là thời kỳ khởi phát. Các trường hợp viêm gan C cấp tính thông thường ít có triệu chứng đặc biệt, chỉ thấy nhức đầu, mệt mỏi và có một số biểu hiện giống như bị cảm cúm.

Một số ít trường hợp có biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa như chán ăn, đau bụng, đau tức vùng hạ sườn phải (vùng gan). Để xác định rõ hơn, có thể ấn vào kẽ liên sườn 11 - 12 bên phải người bệnh sẽ thấy khó chịu, đau tức. Lý do bị đau là gan bị sưng, viêm, làm cho màng ngoài gan bị căng ra. Kèm theo những triệu chứng trên có thể xuất hiện chứng vàng mắt, vàng da, nước tiểu có màu như nước vối do gan bị viêm làm đường dẫn mật trong gan bị ảnh hưởng và làm cho sắc tố mật ứ trệ.

Tuy nhiên, triệu chứng đau tức và vàng mắt, vàng da đôi khi chỉ nhẹ, người bệnh không để ý nên dễ bỏ qua dù gan đang ở trong giai đoạn viêm rất nặng. Giai đoạn bệnh toàn phát có thể kéo dài khoảng 6 - 8 tuần rồi bệnh sẽ tự hết mà không cần điều trị. Tuy vậy, trường hợp khỏi chỉ chiếm 15 - 30% các trường hợp mắc bệnh.