1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Mở cửa" trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch?

Minh Nhật

(Dân trí) - Việc mở cửa trường học trở lại trong bối cảnh học sinh chưa được tiêm vắc xin vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát các vụ dịch. Giải pháp là gì?

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ khi học sinh chưa tiêm vắc xin

Sau nhiều tuần liền tình hình dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt, Hà Nội đã dần "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội. Một số hoạt động, loại hình kinh doanh được cho phép như: bán đồ ăn mang về, cửa hàng thời trang, trung tâm thương mại, các hoạt động thể thao ngoài trời…

Mở cửa trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch? - 1

Học sinh Hà Nội đã trải qua một thời gian dài học online vì dịch (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các trường học tại Hà Nội vẫn chưa có thời gian cụ thể về việc mở cửa trở lại. Nhiều học sinh và phụ huynh mong muốn trường học sớm mở lại hình thức dạy học trực tiếp sau một thời gian dài việc học chỉ được tiến hành qua "màn hình". Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ bùng dịch, bởi các học sinh vẫn chưa được tiêm vắc xin Covid-19 .

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa tiến hành tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dưới 18 tuổi . Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trẻ em mặc dù chưa được tiêm vắc xin nhưng tỷ lệ mắc thấp hơn người lớn và tỷ lệ tử vong là rất thấp. Tổng kết tình hình dịch của nước ta từ đầu vụ dịch đến nay cho thấy số bệnh nhân ở nhóm trẻ dưới 18 tuổi chiếm khoảng 15% và tỷ lệ tử vong chiếm 0,4%.

Mở cửa trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch? - 2

Hiện tại trẻ em vẫn chưa nằm trong đối tượng tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại trường học khi các học sinh chưa được tiêm vắc xin Covid-19 cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những vụ dịch Covid-19 trong nhà trường. Các ổ dịch tại trường học được ghi nhận ở Hà Nam trong vụ dịch vừa qua là ví dụ điển hình.

"Khi chưa bao phủ vắc xin cho trẻ em, điều quan trọng nhất là đảm bảo tuân thủ 5K trong và ngoài nhà trường. Đồng thời giám sát phát hiện và thông báo sớm các trường hợp trẻ ho, sốt hoặc gia đình trẻ có người ho, sốt. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh có vai trò rất quan trọng", PGS Hùng phân tích.

Những giải pháp để mở cửa trường học an toàn

Theo PGS Hùng, nhà trường cần xây dựng tiêu chí an toàn phòng chống dịch và cần có sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để đảm bảo các quy định phòng chống dịch ở học sinh được tuân thủ nghiêm, cả trong khi ở trường cũng như khi ở gia đình và ngoài cộng đồng.

PGS Hùng nói: "Phải xây dựng tiêu chí rõ ràng theo 2 phía: "Nhà trường phải làm gì?" và "học sinh và phụ huynh phải làm gì?". Chủ yếu vẫn là từ phía nhà trường".

Chuyên gia này đề xuất các tiêu chí quan trọng cần xây dựng để Hà Nội có thể mở cửa trường học an toàn:

Về phía nhà trường

Mở cửa trường học tại Hà Nội: Làm thế nào để không bùng dịch? - 3

Học sinh khi đến trường cần được kiểm tra thân nhiệt (Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

- Giáo viên và những nhân viên phục vụ trong trường phải được tiêm vắc xin. Ai chưa tiêm chưa được vào làm việc.

- Nhà trường phải xây dựng nội quy an toàn phòng, chống dịch, thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết và được dán ở mọi lớp học.

- Tổ chức kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát việc mang khẩu trang và khử khuẩn tay tại cổng trường, trước khi học sinh vào trường. Những học sinh có ho sốt hoặc không mang khẩu trang, không khử khuẩn tay không được vào trường.

- Phương tiện vệ sinh tay phải luôn có sẵn ở mọi lớp học, nơi vệ sinh.

- Sau mỗi buổi học phải lau khử khuẩn bàn ghế, sàn nhà, cửa sổ cửa ra vào.

- Đảm bảo giữ khoảng cách trong và ngoài lớp học. Mỗi bàn chỉ bố trí tối đa 2 học sinh, có đánh số vị trí ngồi rõ ràng.

- Có phương án giám sát tuân thủ phòng chống dịch cụ thể. Có tổng kết hàng ngày các lỗi vi phạm của học sinh để gửi bố mẹ học sinh và cơ quan quản lý.

- Buổi học đầu tiên hàng tháng phải dành một tiết học về an toàn phòng chống dịch.

"Bên cạnh các tiêu chí chủ chốt này, nhà trường cũng cần xây dựng các phương án liên quan đến phòng chống dịch và y tế học đường để phù hợp với trạng thái "bình thường mới", PGS Hùng nhận định.

Về phía học sinh và phụ huynh

- Phụ huynh phải thực hiện khai báo y tế cho học sinh hoặc giám sát học sinh khai báo y tế. Hình thức khai báo y tế theo quy định chung. Cam kết không để học sinh đến trường nếu học sinh hoặc người trong gia đình có biểu hiện sốt.

- Tiếp nhận các lỗi vi phạm phòng chống dịch của học sinh khi ở trường, phối hợp cùng nhà trường nhắc nhở học sinh tuân thủ.

- Trang bị khẩu trang, dung dịch cồn sát khuẩn cho học sinh.

- Đảm bảo học sinh luôn mang khẩu trang khi từ nhà tới trường và ngược lại, không đến khu vực đông người.

"Nhìn chung, các tiêu chí nên được xây dựng theo hướng trách nhiệm của các chủ thể, nêu rõ trách nhiệm của nhà trường, học sinh và phụ huynh để đảm bảo tính hiệu quả", PGS Hùng nhấn mạnh.

Như Dân trí đã đưa tin, để chuẩn bị cho việc đón học sinh quay trở lại trường học khi điều kiện cho phép, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa xây dựng Bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Cụ thể Dự thảo gồm 15 tiêu chí, với 3 giai đoạn: Trước khi học sinh đến trường, khi đến trường và kết thúc buổi học.

Tiêu chí này được áp dụng khi mở cửa trường học trở lại nếu điều kiện cho phép.

Cùng với Dự thảo tiêu chí đánh giá an toàn trường học, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng xây dựng Dự thảo hướng dẫn chi tiết công tác phòng, chống Covid-19. Trong đó, có các nhiệm vụ cụ thể từ cấp quản lý đến cán bộ, giáo viên và học sinh, áp dụng tại các nhà trường khi học sinh quay trở lại học khi điều kiện cho phép.