Làm gì để ngăn bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng?
(Dân trí) - Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phát hiện sớm ca có nguy cơ diễn biến nặng (chưa có biểu hiện về lâm sàng), can thiệp sớm thì việc điều trị sẽ rất hiệu quả.
Là chuyên gia được Bộ Y tế điều động tăng cường đến hỗ trợ nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho rằng vai trò của tuyến cơ sở, cụ thể tầng một của tháp điều trị là vô cùng quan trọng. Nếu phát hiện sớm được những ca có nguy cơ diễn biến nặng, từ đó điều trị để ngăn chặn xu hướng diễn tiến nặng lên thì tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng sẽ giảm đi và nó làm giảm áp lực cho tầng 2.
Tương tự như vậy, ở tầng 2 khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện dấu hiệu nặng mà được can thiệp sớm, đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế, được kiểm soát tốt các rối loạn thì tỷ lệ xấu diễn biến phải thở máy sẽ thấp đi.
"Việc này cực kỳ có ý nghĩa vì hệ thống hồi sức của chúng ta, ở tỉnh nào cũng vậy, không phải là quá mạnh. Với một số lượng bệnh nhân nặng vừa phải, chúng ta mới đảm bảo được việc chăm sóc, điều trị tốt. Còn nếu lượng bệnh nhân nặng phải thở máy, phải ECMO quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị, chúng ta sẽ không đảm bảo được hiệu quả điều trị cao", BS Cấp chia sẻ.
Cụ thể, theo bác sĩ cần phát hiện rất sớm từ khi mới chỉ là các rối loạn thể hiện trên các xét nghiệm. Khi đó, nếu can thiệp sẽ rất hiệu quả và giảm thiểu được rất nhiều. Ngược lại, nếu như không thể phát hiện được từ giai đoạn đó để sang giai đoạn bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện lâm sàng thì can thiệp sẽ ít hiệu quả hơn so với giai đoạn trước.
Các dấu hiệu lâm sàng để có thể nhận biết được bệnh nhân đang diễn biến nặng lên là bệnh nhân có thể cảm thấy mệt lả đi, giảm khả năng vận động so với trước, bệnh nhân có thể thấy tức ngực, khó thở…
"Muộn hơn nữa là bệnh nhân có tình trạng tụt SpO2 hoặc cảm giác khó thở, nhịp thở nhanh trên 25 lần/phút. Đó là những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân cần được can thiệp khẩn cấp", BS Cấp lưu ý.
BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng nhấn mạnh với bệnh Covid-19 có đến 80% không cần điều trị gì mà chỉ nghỉ ngơi, theo dõi sức khỏe, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày… Về thuốc, chỉ dùng thuốc hạ sốt như paracetamol khi sốt, thuốc kháng virus, có thể uống bổ sung một số loại vitamin…
Về các loại thuốc chống đông, thuốc corticoid cần được sử dụng theo đúng chỉ định của các bác sĩ, dùng đúng thời điểm thì mới có tác dụng.
Chẳng hạn, như thuốc corticoid dùng sớm ngược lại không tốt vì nó ức chế hệ miễn dịch, như vậy virus càng bùng phát mạnh hơn; chưa kể thuốc có nhiều tác dụng phụ. Hay như thuốc chống đông được dùng khi bệnh nhân có dấu hiệu tăng đông, nghi ngờ tắc mạch phổi…
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu điều trị triệu chứng.
Cụ thể, nếu sốt trên 38 độ 5, có thể dùng paracetamol, liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn. Trẻ em không uống quá 4 lần trong một ngày.
Nếu bị ho, người bệnh có thể dùng các thuốc giảm ho thông thường (thảo dược hay quất hấp mật ong…). Đồng thời cần báo với nhân viên y tế nếu ho tăng lên nhiều.
Trong quá trình cách ly, để tăng cường miễn dịch, bệnh nhân cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, đủ vitamin (có thể uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, B, PP…), uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể (răng miệng…).
Người bệnh có thể tập các động tác thể dục vừa sức như đi bộ vẩy tay…, lưu ý không tập thể dục nặng.