Có dấu hiệu này, bệnh nhân Covid-19 cần cảnh giác bệnh diễn biến nặng
(Dân trí) - Khoảng 15-20% bệnh nhân tiến triển dần nặng lên. Vì thế, nếu cảm thấy có những dấu hiệu khác thường dưới đây, bệnh nhân cần báo cho nhân viên y tế.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), một trong các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết khi biết bản thân mắc Covid-19, việc đầu tiên là người bệnh cần thật bình tĩnh, cố gắng theo dõi sức khỏe của mình. Cụ thể là đo nhiệt độ xem có sốt không, đồng thời theo dõi các triệu chứng khác như mệt mỏi, vấn đề ăn uống, dấu của tiêu chảy, nôn trớ…
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà chủ yếu điều trị triệu chứng.
Cụ thể, theo TS Thường, nếu sốt trên 38 độ 5, có thể dùng paracetamol, liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn. Trẻ em không uống quá 4 lần trong một ngày.
Nếu bị ho, người bệnh có thể dùng các thuốc giảm ho thông thường (thảo dược hay quất hấp mật ong…). Đồng thời cần báo với nhân viên y tế nếu ho tăng lên nhiều.
Trong quá trình cách ly, để tăng cường miễn dịch, bệnh nhân cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, đủ vitamin (có thể uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, B, PP…), uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể (răng miệng…).
"Người bệnh có thể tập các động tác thể dục vừa sức như đi bộ vẩy tay…, lưu ý không tập thể dục nặng. Bên cạnh đó, cần cố gắng suy nghĩ tích cực, đọc sách đọc báo, xem tin tức…", TS Thường nói.
Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, vẫn có 15-20% các trường hợp tiến triển dần nặng lên. Diễn tiến bệnh tùy theo cơ địa của mỗi bệnh nhân, song những yếu có thể là làm tăng nguy cơ bệnh nặng là người cao tuổi, người có bệnh nền, béo phì… Bệnh thường tiến triển nặng vào tuần thứ 2 kể từ khi phát bệnh.
"Vì thế, bên cạnh sự theo dõi chặt của nhân viên y tế, người bệnh cũng lắng nghe cơ thể mình. Có mệt mỏi quá, có đau ngực hay không, đặc biệt là tăng lên sau khi hoạt động thể lực. Chẳng hạn sau đi vệ sinh nặng, đi bộ trên 10 mét… mà thấy hụt hơi thì phải báo cho nhân viên y tế", TS Thường nhấn mạnh.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được các cán bộ y tế theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng, tiến triển của tổn thương phổi trên phim X-quang và/hoặc CT phổi, đặc biệt trong khoảng ngày thứ 7-10 của bệnh, để phát hiện các dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh như suy hô hấp, suy tuần hoàn, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời.
TS Thường cũng lưu ý bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 thì đi khám, hạn chế tối đa việc tích trữ ôxy, máy đo độ bão hòa ôxy tại nhà. Lý do vì khi cơ thể đã tụt ôxy cần can thiệp thì phải đến bệnh viện, việc ở nhà sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Diễn biến lâm sàng của bệnh
- Khởi phát: Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
- Diễn biến:
Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện…Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
- Thời kỳ hồi phục: Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có ARDS bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.