1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Không có cách nào kiềm chế sự sinh sản của lươn”

(Dân trí) - Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Không có chuyện dùng thuốc tránh thai để kiềm chế sự sinh sản, giúp lươn mau lớn vì lươn khác người. Lúc mới sinh, toàn bộ lươn là con cái và chúng sẽ tự chuyển thành lươn đực sau 1 lần sinh sản duy nhất.

Theo ông Tiêu, thông tin dùng thuốc tránh thai để hạn chế sinh sản của lươn và để lươn chuyển từ lươn cái sang lươn đực là không chính xác.

“Theo tôi, thuốc tránh thai chỉ dùng được trên người, tất nhiên cần có khoa học kết luận. Nhưng tôi nghĩ cho con vật ăn thì không có tác dụng, mà nếu có dùng thì khi nấu lên cũng hết tác hại,” ông Tiêu nói.

Khi sinh ra toàn bộ lươn là lươn cái, chúng sẽ tự chuyển thành lươn đực sau một lần sinh sản duy nhât (Ảnh minh họa)
Khi sinh ra toàn bộ lươn là lươn cái, chúng sẽ tự chuyển thành lươn đực sau một lần sinh sản duy nhât (Ảnh minh họa)

Ông cũng khẳng định rằng: Hiện nay không có cách nào để kiềm chế sự sinh sản của lươn. Lươn mới sinh ra đều là lươn cái, sau một lứa đẻ duy nhất chúng sẽ chuyển thành lươn đực, chứ không phát dục mãi như cá.

“Hiện nay chưa có nghiên cứu nào để làm tăng số lươn tự chuyển thành lươn đực,” ông nói.

Ông cũng cho biết thêm rằng: Trong quá trình nuôi lươn, người chăn nuôi được phép sử dụng các loại hóa chất khử trùng và kháng sinh có trong danh mục. Tuy nhiên, những chất này không để lại tồn dư gì trên con lươn vì theo quy định hướng dẫn của nhà sản xuất cũng như của Bộ NN&PTNT thì trước khi bán phải dừng kháng sinh 15 ngày để lươn thải hết chất kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ sử dụng khi lươn có bệnh. Nếu quản lý môi trường sống của lươn tốt thì lươn sẽ ít bị bệnh.

Theo ông Tiêu, yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng của lươn chính là chất lượng giống và chế độ chăm sóc và quản lý.

Hiện có hai phương pháp nuôi lươn: Nuôi có bùn và nuôi không có bùn, và nuôi lươn không bùn đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong thức ăn cho lươn, thường có 70% là cá tạp và 30% thức ăn công nghiệp. Người ta ta cũng có thể cho lươn ăn giun.

“Theo tôi thì hiện nay người nuôi lươn chưa ai dùng thuốc tránh thai nên người tiêu dùng cứ yên tâm mà dùng. Khi mua thì chọn con to, vàng, khỏe mạnh, đẹp bóng là được,” ông nói.

Tuân thủ quy trình nuôi lươn an toàn

Trao đổi với PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong bản tin sáng 14/10, ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Nghệ An, khẳng định: “Trước tin đồn về việc người nuôi lươn ở Nghệ An dùng thuốc tránh thai để “vỗ béo” lươn, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật đến để kiểm tra tại địa phương. Chúng tôi thấy các hộ nuôi lươn vẫn thực hiện tốt quy trình nuôi lươn không bùn và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, không sử dụng các chất cấm.”

Theo ông Học, mô hình nuôi lươn không bùn ở tỉnh mới phát triển hơn 3 năm nay với 65 hộ và diện tích là 2.000m2, sản lượng 3.200-3.500 tấn/năm. Những thông tin thất thiệt trên đã ảnh hưởng đến phong trào nuôi lươn của địa phương trong bối cảnh tỉnh đang chỉ đạo phát triển đối tượng có lợi thế của tỉnh, trong đó có con lươn.

Nguyên An