1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bàn thêm về “nghi án” sử dụng thuốc tránh thai trong nuôi lươn ở Nghệ An

(Dân trí) - Đến nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, những thông tin về một hộ nuôi sử dụng thuốc tránh thai trong nuôi lươn ở Nghệ An rõ ràng cần thẩm định lại. Những dư luận đồn thổi về tác hại khi ăn các món lươn ở Nghệ An là hoàn toàn vô căn cứ. Tuy nhiên, hậu quả gây ra cho nghề nuôi lươn thì đã có thể nhìn thấy được, không chỉ tại Nghệ An.

 


Tiêm thuốc kích thích sinh sản cho lươn

Tiêm thuốc kích thích sinh sản cho lươn

Về sự tồn dư của hoóc môn tránh thai trong thịt lươn nuôi (nếu có)

Hoóc môn xuất hiện tự nhiên trong tất cả các loài động vật, con người và thực vật. Chúng rất cần thiết cho sự phát triển bình thường, tăng trưởng và sinh sản. Vì vậy, không có thực phẩm hoàn toàn miễn nhiễm hoóc môn. Có điều, các hoóc môn thường chỉ thể hiện chức năng khi đến được với cơ quan đích và khớp nối với thụ thể đặc trưng của chúng. Chẳng hạn ở người, hoóc môn sinh dục cái chỉ có tác dụng với phái nữ.

Theo bản chất hóa học, có ba nhóm hoóc môn chính gồm hoóc môn peptid, hormon steroid, hoóc môn dẫn xuất từ acid amin là tyrosin. Ngoài ra còn có một số hoóc môn dạng eicosanoid. Trong chăn nuôi, các hoóc môn được đưa vào với nhiều mục đích khác nhau như kích thích tăng trưởng, kích thích và đồng hóa chu kỳ sinh sản (bò, cá,…), tác động vào sự biệt hóa giới tính (cá, tôm,…) và chữa bệnh. Lượng hoóc môn bổ sung vào thức ăn chăn nuôi thường là rất nhỏ so với lượng hoóc môn tự nhiên có trong thịt động vật hay được sản xuất tự nhiên trong cơ thể con người.

Có nhà khoa học cho rằng, thủy sản rất dễ bị nhiễm estrogen và các estrogen từ môi trường có thể thẩm thấu vào cơ thể động vật thủy sản. Điều này là không có cơ sở. Các loài động vật thủy sản không thể thẩm thấu các estrogen từ môi trường nước và các steroid vốn là một lipid không tan trong nước. Hơn nữa, dùng từ “nhiễm” ở đây theo tôi là hơi khiên cưỡng, dễ gây hiểu nhầm vì bản thân các estrogen cũng được các động vật tự tiết ra.

Động vật thủy sản rất đa dạng loài, gồm nhóm cá, nhóm giáp xác, thân mềm,… Chúng có sự khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, nhóm động vật giáp xác có hàm lượng cholesterol trong cơ thể cao, nhưng trong cá lại thấp. Ngay trong nhóm cá, một số loài vẫn có thể bị tác động bởi estrogen dẫn đến rối loạn giới tính khi đã lớn như cá Diếc biển (Rutilus rutilus), cá Vược,…,  nhưng hầu hết các loài khác không như vậy.

Và, việc một số động vật thủy sản dễ bị tác động bởi hoóc môn sinh dục ngoại lai không đồng nghĩa chúng sẽ tích lũy nhiều hoóc môn  này trong cơ thể. Các động vật trên cạn khi ăn phải nguồn thức ăn dây lẫn estrogen thường xuyên cũng rất dễ bị tồn dư trong cơ thể.


Mô tả hoạt động của hoóc môn steroid khi đến cơ quan đích

Mô tả hoạt động của hoóc môn steroid khi đến cơ quan đích

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cá có khả năng dị hóa và đào thải rất tốt đối với các steroid theo con đường glucuronide và sulfate hóa nhóm hydroxyl. Lipid trong thịt động vật trên cạn tồn tại ở cấu trúc no, được tích lũy thành các mô mỡ khá bền vững. Nhưng Lipid trong cá có cấu trúc không no, phân cực và thường tồn tại ở dạng dầu không bền vững. Hỗn hợp glucuronide và sulfate steroid có thể được vận chuyển vào, ra khỏi tế bào bởi các protein vận chuyển anion hữu cơ và protein kháng multi-drug. Chúng cũng đồng thời giúp cơ thể cá đào thải các steroid ra ngoài. Các phân tích đã cho thấy hàm lượng cholesterol trong thịt lươn thấp hơn (khoảng 50mg/100gr) và thường tồn tại ở dạng có lợi (HDL) so với thịt động vật trên cạn (trong thịt bò khoảng 59mg/100gr) - nơi chúng thường ở dạng có hại (LDL).

Theo bài báo “Vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai” ngày 8/10 trên báo Lao Động, ông D. ở Hưng Nguyên, Nghệ An chỉ dùng vài lần trong suốt 6 tháng nuôi với mục đích gây rối loạn nội tiết để lươn không sinh sản hoặc rối loạn sự biệt hóa giới tính. Như vậy, thời gian sử dụng hoóc môn ở đây không gần với ngày thu hoạch. Do đó, hoóc môn ngoại lai này hầu như đã bị đào thải hết, dư lượng trong thịt lươn nếu còn là không đáng kể.

Ở góc độ tăng trưởng của lươn, từ một tạ lươn nhỡ, sau 6 tháng nuôi tích cực cho thu hoạch 3 tạ lươn thương phẩm là điều bình thường, chưa thể nói có hiện tượng lươn phát triển phụ trội do sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng.

 


Lươn om chuối đậu - Một món ăn đặc sản xứ Nghệ

Lươn om chuối đậu - Một món ăn đặc sản xứ Nghệ

Tác dụng của việc nấu chín trong loại trừ nguy cơ do cường hoóc môn

Khi chúng ta nấu chín thịt lươn cùng với dầu mỡ, muối, nước và một số thành phần có tính ôxy hóa khử khác ở nhiệt độ trên 700C, các hoóc môn có bản chất là protein như LH, FSH, GnRH, … đều bị biến tính và bất hoạt. Những hoóc môn thuộc nhóm steroid nhưng không bền nhiệt như Trenbolone acetate hay một số dạng trung gian chuyển hóa của các hoóc môn steroid khác cũng có khả năng bị phá hủy trong điều kiện này.

Các nhà nhà khoa học Canada (Eric Braekevelt at al.) khi nghiên cứu về ảnh hưởng của việc nấu chín lên nồng độ các chất β-Estradiol và chất chuyển hóa của chúng trong thịt bò cũng đã có kết luận rằng quá trình nấu ăn làm giảm hoóc môn steroid dù không loại trừ hoàn toàn.

Hoóc môn trong thuốc tránh thai khá an toàn với người, thường ở dạng hợp chất đặc biệt, mang tính bí quết công nghệ của các hãng sản xuất. Việc chúng luôn được khuyến cáo bảo quản ở nhiệt độ phòng 15-300C cũng không phải không có lý do.

Việc loại bỏ các mối nguy do cường hoóc môn trong thực phẩm không có nghĩa là phải loại bỏ hết hoóc môn trong đó mà là làm cho hàm lượng này giảm xuống tới mức cho phép. Do đó, trong trường hợp này, khi hàm lượng tồn dư hoóc môn (nếu có) là rất bé thì việc nấu chín là rất hiệu quả, có thể giúp loại trừ nguy cơ.

Nhìn chung, việc lạm dụng các hóa chất, kháng sinh, hoóc môn,… trong chăn nuôi (không chỉ với nuôi lươn) là đáng bị phê phán và cần ngăn chặn kịp thời, bởi có thể có những hậu quả không thể kiểm soát được. Nhưng để có câu trả lời thỏa đáng cho người tiêu dùng, đồng thời minh oan cho thương hiệu Lươn đồng xứ Nghệ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác minh, đánh giá một các khoa học.

Trong khi chờ đợi, mọi người nên có nhìn nhận khách quan, thái độ ứng xử phù hợp để tránh gây hoang mang dư luận, giúp giảm thiểu sự thiệt hại cho người nông dân và các hộ kinh doanh lươn tại Nghệ An cũng như trong cả nước nói chung.

NCS Nguyễn Thức Tuấn

Từ Ba Lan